BGTV- Cây ăn quả có múi đã và đang vươn lên trở thành cây chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao với nhiều nhà vườn tại Lục Ngạn. Giá thành cao, mẫu mã đẹp được thị trường ưa chuộng, những ngày này người trồng rộn rã, phấn khởi vì có một mùa bội thu.
Nhà vườn phấn khởi “vào vụ”
Bưởi da xanh, bưởi Diễn, cam ngọt, cam lòng vàng... đang trở thành những loại cây có múi chủ lực tại Lục Ngạn những năm gần đây
Hứa hẹn “trúng lớn” vì có những vườn quả đẹp, gia đình anh Phạm Thanh Tuấn, thôn Kép III, xã Hồng Giang trồng 2 giống cam gồm Cam ngọt và Cam lòng vàng trên diện tích 1,5ha. Là hộ được cấp chứng nhận sản xuất theo quy trình VIETGAP đầu tiên của xã Hồng Giang vào năm 2017, anh Tuấn cho biết khi áp dụng quy trình VIETGAP vào sản xuất, sản lượng và chất lượng cam tăng lên rõ rệt. Các khâu từ chăm bón, thuốc vào vệ thực vật đều phải đảm bảo hoàn toàn gốc hữu cơ, nguồn nước tưới sạch… đồng thời giúp vừa dưỡng đất, dưỡng cây, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh vì thế sản phẩm luôn đạt chất lượng cao, được thương lái ưa chuộng.
Anh Tuấn chia sẻ: “Vụ cam năm nay sản lượng đạt gần 25 tấn; trong đó khoảng 15 tấn cam lòng vàng và gần 10 tấn cam ngọt và đã có một số thương lái đến đặt hàng từ sớm. Trong quá trình trồng và chăm sóc cây tôi luôn chú trọng theo quy trình VIETGAP nên sản lượng quả tốt, giá bán cao, trung bình mỗi năm thu về khoảng 600 triệu đồng”.
Cũng tập trung vào đảm bảo kỹ thuật, nâng cao giá trị và chất lượng cây ăn quả, gia đình ông Nguyễn Văn Hữu, thôn Xẻ Cũ, xã Thanh Hải trồng hơn 10ha cây ăn quả, chủ yếu là bưởi da xanh và cam đường. Ông Hữu chia sẻ thời gian qua tại nhiều nhà vườn trồng ồ ạt, để lượng trái nhiều khiến cây nhanh thoái hóa. Để tránh tình trạng này, 100% diện tích cây ăn quả, đặc biệt là cam, bưởi được gia đình ông Hữu lựa chọn trồng theo quy trình VietGAP để giữ chất lượng cao, ít sâu bệnh, hạn chế bạc màu đất.
Nhà vườn phấn khởi vì được mùa, được giá
“Năm trước thương lái Trung Quốc thu mua toàn bộ bưởi, thu nhập trên 3 tỷ đồng, năm nay giá bán của giá đình cũng cao hơn mặt bằng chung nên tôi rất phấn khởi. Điều quan trọng nhất là khác biệt giữa trồng bằng phương pháp VietGAP so với cách làm truyền thống sẽ cho chất lượng tốt hơn hẳn, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật dùng chăm sóc cây hoàn toàn có nguồn gốc hữu cơ. Khoảng cách kỹ thuật giữa các cây luôn bảo đảm, ngoài ra hệ thống ống dẫn nước tưới bán tự động đến toàn bộ diện tích cây trong vườn cũng giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt, quả đẹp, ngon…” – ông Hữu chia sẻ.
Chú trọng phát triển bền vững
Năm 2019, Lục Ngạn có khoảng 6.740ha cây ăn quả có múi; trong đó trên 1.700ha cam được cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VIETGAP, gần 200ha cam VIETGAP được cấp cho các HTX và một số hộ dân có diện tích sản xuất lớn tại các xã Hồng Giang, Tân Mộc, Tân Quang, Giáp Sơn, Quý Sơn và xã Thanh Hải. Sản lượng thu được từ cây ăn quả có múi ước đạt trên 58 nghìn tấn, tăng từ 8 đến 10 nghìn tấn so với năm trước. Trong đó, sản lượng Cam lòng vàng gần 14 nghìn tấn; Cam ngọt trên 26 nghìn 700 tấn và Bưởi các loại trên 14 nghìn tấn.
Tiêu biểu như tại xã Hồng Giang – vùng trọng điểm cây ăn quả có múi của huyện, UBND xã những năm qua đã đẩy mạnh công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh cây ăn quả có múi, tích cực hướng dẫn tới bà con nông dân về lợi ích từ quy trình sản xuất theo hướng VIETGAP nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Chính sự cải tiến kịp thời và hiệu quả này, hơn 350 ha cây ăn quả có múi toàn xã đã có 145ha áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VIETGAP mang lại hiệu quả vượt trội, đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu, hướng đến nền sản xuất bền vững.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Lục Ngạn, thời gian qua, cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương các cấp và ngành chuyên môn, nhận thức của bà con nông dân trong huyện có nhiều chuyển biến tích cực trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm cây ăn quả có múi. Để tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây ăn quả có múi theo hướng an toàn, sạch, hiệu quả, thời gian tới các cơ quan chuyên môn của huyện tiếp tục đẩy mạnh tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn bà con đẩy mạnh sản xuất đúng quy trình, giúp nâng cao hơn nữa hiệu quả và giá trị kinh tế từ cây ăn quả có múi trên địa bàn”./.
Minh Anh