Việt Nam là thị trường khá thành công của các hãng xe Nhật và xe Hàn. Tuy nhiên, cũng là "hiểm địa", mảnh đất khó khăn của nhiều thương hiệu xe Pháp, Nga và thậm chí cả xe Mỹ, Đức nữa.
Lý do chính bởi giá của chiếc xe tại Việt Nam đang rất cao. Đó là tài sản chưa là phương tiện nên phải bỏ số tài sản lớn mới sở hữu được nên quan điểm: ăn chắc, mặc bền ăn sâu vào triết lý sở hữu xe của mỗi người.
Xe Hàn, xe Nhật đang coi Việt Nam là thánh địa
"Thánh địa" của xe Nhật, xe Hàn
Tại Việt Nam, hiện xe Nhật Bản như các thương hiệu Toyota, Honda, Mitsubishi, Nissan, Mazda.... chạy đầy đường, tỷ lệ xe Nhật hiện nay chiếm đa số xe trên đường phố Việt Nam.
Cùng với xe Nhật là xe Hàn, các hãng như Hyundai, Kia cũng đang phát triển rất nhanh dù vào thị trường Việt Nam sau người Nhật. Tuy nhiên, thương hiệu xe Hàn cũng có một số khá lận đận như Ssangyong hay Daewoo và thậm chí khá lạ lẫm với người Việt là xe Samsung.
Theo thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), hết 8 tháng, các hãng xe du lịch thương hiệu Nhật Bản gồm Toyota, Honda, Mitsubishi, Nissan, Isuzu, Susuki tiêu thụ tại Việt Nam được hơn 136.000 chiếc, chiếm khoảng 95% tổng lượng xe du lịch cá nhân tiêu thụ tại Việt Nam.
Trong khi đó, hai thương hiệu xe Hàn đang có mặt trên thị trường là Hyundai và Kia có doanh số gần 57.000 chiếc.
Trong danh sách 13 mẫu xe tiêu thụ có doanh số cao nhất Việt Nam, 12 mẫu là xe mang thương hiệu Nhật, Hàn đứng đầu là: Toyot Vios với 16.700 chiếc bán ra, đứng thứ 2 là Hyundai Accent với 11.600 chiếc, tiếp theo là Hyundai Grand i10 hơn 11.000 chiếc, Mitsubishi Xpander hơn 9.900 chiếc, Toyota Fotuner, Kia Morning, Cerato, Mazda 3, Honda CRV, Mazda CX5.... đều là những thương hiệu Nhật được lắp ráp hoặc nhập từ các nước mà có liên doanh này đặt trụ sở như Thái Lan, Indonesia.
Sở dĩ xe Nhật, Hàn độc chiếm khoảng 90% tại Việt Nam là do hệ thống phân phối rộng khắp, nhắc đến ô tô người ta nghĩ ngày đến Toyota như đi xe gắn máy người ta hay gọi tắt là "đi honda". Các dòng xe Nhật có ưu điểm bền bỉ, chậm hao mòn và tiêu tốn nhiên liệu thấp. So với các dòng xe khác, xe Nhật cũng có ưu điểm giá rẻ hơn, điều này ảnh hưởng rất lớn đến sức chi mua của người tiêu dùng Việt Nam.
Tuy nhiên, điểm yếu cố hữu của các dòng xe Nhật chính là chậm thay đổi tiện ích đối với người sở hữu, sau nhiều năm, những mẫu xe Nhật có khá ít thay đổi, kiểu dáng, update các tiện ích mới để đãi người tiêu dùng.
Nguyên nhân chính là bởi vì thị trường Việt Nam có quá ít sự cạnh tranh từ các hãng xe, giá xe đắt hơn so với các nước trong khu vực; đặc biệ giá xe còn quá chênh lệch so với thu nhập trung bình của người dân Việt Nam chính vì vậy, chỉ những người có thu nhập cao mới có thể sở hữu chiếc xe.
Chính vì sự độc quyền tự nhiên của thị trường, nên giá xe đang được các hãng tự xây dựng, không có cạnh tranh so với các nước khác, thị trường khác. Chính vì vậy, người Việt vẫn chỉ có cơ hội mua và sử dụng các loại xe của các thương hiệu truyền thống của Nhật hay Hàn đã tồn tại lâu tại thị trường Việt Nam.
“Hiểm địa” xe của xe Pháp, xe Nga và thậm chí cả xe Mỹ, Đức
Thị trường Việt tưởng chừng khát thương hiệu mới, khát cạnh tranh song trên thực tế không phải vậy. Tâm lý của người tiêu dùng sùng bái các dòng xe Nhật trong khi đó các thương hiệu xe khác mới vào Việt Nam lại quá mới, thị trường không hấp thị, người tiêu dùng không tiếp cận dẫn đến cái chết của nhiều thương hiệu mới.
Xe Pháp, Nga và Đức, Mỹ đang khó khăn khi cạnh tranh ở Việt Nam
Năm 2016 – 2017, thị trường chứng kiến làn sóng của xe Pháp vào Việt Nam như Renault xâm nhập rầm rộ vào Việt Nam, tuy nhiên chỉ sau thời gian ngắn, doanh nghiệp nhập khẩu xe này tuyên bố rút khỏi Việt Nam và thương hiệu xe này đến nay không còn được nhiều người nhắc đến.
Cùng với đó, xe Nga một thời cũng “rúng động” khi vào Việt Nam với các mẫu Uaz, Gaz, Lada…nhưng sau đó cũng mất tăm tích. Đáng nói, các mẫu xe này được quảng cáo cũng chỉ khoảng vài trăm triệu đồng và nằm trong số xe không thuế.
Cùng với xe Pháp, xe Nga, thị trường Việt cũng rất khó tính với xe Trung Quốc dù các mẫu xe nước này nhập vào Việt Nam rất rẻ, rất đẹp và rất thời thượng. Tuy nhiên, giá rẻ, đẹp dường như vẫn chưa phải là tiêu chí quan trọng nhất đối với người tiêu dùng Việt, vốn vẫn ít tiền, mua xe coi như tài sản. Chính vì vậy, hầu hết các mẫu xe Trung Quốc hiện rất khó ở tại Việt Nam, nhất là khi các hãng xe toàn cầu ở Việt Nam đang giảm giá khá mạnh các loại xe.
Một số thương hiệu xe khác cũng khá lận đận tại Việt Nam đó là các dòng xe Đức và Mỹ. Nếu như Trung Quốc là thị trường lớn nhất của Audi, Volkswagen, BMW thậm chí hãng xe điện Tesla (Mỹ) vừa đặt cơ sở sản xuất lớn nhất của hãng này tại quốc gia tỷ dân.
Tại Việt Nam, các hãng xe Đức hay Mỹ, Anh được mặc định là giá đắt đỏ, không có loại xe nào mới ra mắt có giá dưới 1 tỷ đồng, trung bình từ 1,5 đến 3 tỷ đồng. Các dòng xe Mỹ như Ford (dù có lắp ráp và nhập khẩu tại Việt Nam song thị trường không lớn), các thương hiệu xe Mỹ như GM, Cadillac,Hummer, Chevrolet, Chrysler… hiện diện ở Việt Nam khá ít, thậm chí không có cơ hội cạnh tranh so với xe Nhật, Hàn vì giá đắt đỏ.
Hiện, xe Mỹ, EU vẫn bị đánh thuế nhập khẩu 70 – 75% khi về Việt Nam, hơn nữa, các dòng xe các nước này có khung gầm nặng, dung tích máy thường rất cao từ 2.5L đến 3.5L, thậm chí với các dòng xe lớn, dung tích xylanh xe cao đến 6.0L sẽ khiến thuế tiêu thụ đặc biệt đội lên rất mạnh, đây là nguyên nhân chính dẫn đến giá xe bị đội lên gấp 3 hoặc gấp 5 lần so với giá bán tại chính quốc gia sản xuất hoặc đối với quốc gia tham chiếu.
Theo Nguyễn Tuyền/Dân trí