Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, dịch tả lợn châu Phi làm cho sản lượng lợn thịt năm nay thấp hơn năm ngoái rất nhiều, do đó không loại trừ việc nhập khẩu thịt lợn.
Giá lợn hơi tăng phi mã, hơn 10.000 đồng/kg
Đảm bảo cung cầu hàng hóa phục vụ dịp Tết Nguyên Đán 2020
Chênh lệch giá cao, lợn miền Nam "tìm đường" ra Bắc
Ảnh minh họa. (Nguồn: The Epoch Times)
Thời gian gần đây, giá lợn hơi liên tục tăng và trước tình hình trên, Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã biết điều này và đang phối hợp với các bộ, ngành có nhiều giải pháp nhằm đảm bảo nguồn cung và bình ổn thị trường trong nước; trong đó, có cả phương án về nhập khẩu thịt lợn.
Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, dịch tả lợn châu Phi làm cho sản lượng lợn thịt năm nay thấp hơn năm ngoái rất nhiều.
Theo dự báo các cơ quan chức năng, thời điểm cuối năm sản lượng thịt lợn hơi sẽ giảm 200.000 tấn so với năm ngoái. Hiện nay, các khu vực trang trại chăn nuôi lớn đang an toàn dịch bệnh được khuyến khích tăng đàn.
Những khu vực chăn nuôi đã an toàn với dịch bệnh hiện đang được người chăn nuôi tái đàn. Bên cạnh đó, để bù đắp vào lượng thịt lợn thiếu hụt, các mặt hàng thịt khác như bò, gà… có sự tăng khá. Nhìn chung, tổng sản lượng thịt năm nay sẽ không thiếu nhưng sản lượng thịt lợn giảm.
“Chúng ta có giải pháp nhập khẩu dựa trên nhu cầu trong nước và quan hệ thương mại. Giá lợn hơi trong nước đang cao nhưng sẽ kiểm soát sẽ không để quá cao,” Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết.
Khoảng 2 tuần gần đây, giá lợn hơi liên tục tăng nhanh. Tại miền Bắc, có nơi giá lợn hơi đã vượt 60.000 đồng/kg. Dự báo, giá lợn hơi sẽ không dừng lại ở mức giá này nếu nguồn cung không được cải thiện. Theo Bộ Công Thương, do ảnh hưởng của dịch tả châu Phi nên nguồn cung mặt hàng thịt lợn giảm mạnh.
Hơn nữa, nhu cầu đối với các mặt hàng thực phẩm, nguyên vật liệu cuối năm tăng nên thị trường khá sôi động. Tuy nhiên, sự chủ động của các Bộ ngành, địa phương sẽ giúp thị trường ổn định và giá cả không có biến động lớn.
Nhưng, để đảm bảo cung cầu hàng hóa cuối năm, đặc biệt dịp Tết, Bộ Công Thương đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tính toán chặt chẽ nguồn cung của từng nhóm sản phẩm chăn nuôi để xây dựng kế hoạch, hướng dẫn các địa phương có phương án tái đàn phù hợp. Bên cạnh đó, tránh tình trạng thiếu nguồn cung mặt hàng này trong khi mặt hàng khác thừa, gây bất ổn tâm lý tiêu dùng.
Ngoài ra, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nắm sát các thông tin về tình hình dịch bệnh, tình hình sản xuất các sản phẩm chăn nuôi, nhu cầu tiêu dùng của thị trường để kịp thời có phương án bảo đảm nguồn cung, bình ổn thị trường. Cùng với đó, hai bộ sẽ xây dựng phương án cụ thể về việc bảo đảm cung cầu, thực thi các biện pháp nhằm bảo đảm nguồn cung thịt lợn trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên Đán.
Đặc biệt, các ngành chức năng cũng theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa, giá cả, thị trường trong nước, nhất là các mặt hàng thiết yếu; trong đó có mặt hàng thịt lợn. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát thực hiện quy định về đăng ký giá, kê khai giá và việc chấp hành theo quy định của pháp luật về quản lý giá.
Về việc tái đàn lợn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, các địa phương nên cân nhắc, xem xét việc tái đàn gắn với chăn nuôi an toàn sinh học trong bối cảnh hiện nay để tránh việc thiếu và khủng hoảng nguồn thịt trong thời gian tới. Có thể tái đàn lợn nếu các địa phương bảo đảm an toàn sinh học, nhưng phải giám sát chặt chẽ và hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện đúng quy trình đảm bảo an toàn sinh học.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Cục Chăn nuôi, số trang trại chăn nuôi lợn an toàn sinh học tăng lên trên 2.500 trang trại, chiếm 25,6% số trang trại chăn nuôi lợn của cả nước với tổng đầu con trên 2,82 triệu con, chiếm tỷ lệ 9,9%.
Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, số lượng trang trại chăn nuôi lợn cũng như tổng đầu con lợn được áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học ngày càng gia tăng. Thực tế, đối với những cơ sở trang trại chăn nuôi làm tốt an toàn sinh học đến nay cơ bản giữ được an toàn dịch bệnh đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã đưa ra khuyến cáo các địa phương, nông hộ, cơ sở chăn nuôi... một số biện pháp kỹ thuật tổng hợp về an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn để phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Các địa phương cũng chỉ đạo chặt chẽ việc tái đàn lợn phù hợp với tình hình thực tế tại các địa phương như rà soát, xác định những cơ sở chăn nuôi lớn đảm bảo thực hiện an toàn sinh học.
Những vùng không có dịch hoặc có dịch nhưng qua 30 ngày không tái dịch đủ điều kiện đảm bảo thực hiện các biện pháp an toàn sinh học có thể tái đàn; duy trì và đảm bảo thật tốt các giải pháp, trong đó chú ý chất lượng và nguồn gốc con giống sạch bệnh…
Chủ trang trại phải tổ chức tiến hành kiểm tra việc thực hiện an toàn sinh học định kỳ. Ngoài ra, các hộ chăn nuôi cũng cần sử dụng chế phẩm sinh học trong thức ăn cho lợn.
Theo Tổng cục Thống kê, dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát tại tất cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tính đến ngày 17/9, tổng số lợn bị tiêu hủy trên 5 triệu con với tổng trọng lượng khoảng 290.391 tấn.
Đàn lợn cả nước tính đến tháng 9/2019 giảm 19% so với cùng thời điểm năm 2018. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 9 tháng đạt 2,5 triệu tấn, giảm 9% (quý 3 đạt 709,3 nghìn tấn, giảm 17%); trong đó vùng Đồng bằng sông Hồng chịu thiệt hại lớn nhất, ước tính tổng đàn lợn của vùng tháng 9 giảm 38,3% so với cùng thời điểm năm 2018./.
Theo Bích Hồng-Uyên Hương (TTXVN/Vietnam+)