Tính đến cuối tháng 9.2019 tổng số lợn bị tiêu hủy do dịch tả lợn Châu Phi đã lên tới 5.043.027 con với tổng trọng lượng khoảng 290.391 tấn. Nguồn cung giảm đã đẩy giá thịt lợn tăng cao và dự kiến sẽ tiếp tục tăng khi nhu cầu sử dụng thịt lợn trong các ngày lễ, tết của người dân dịp cuối năm tăng mạnh.
Giá thịt lợn trên thị trường đang tăng cao. Ảnh: HẢI NGUYỄN
Ngoài vấn đề phải đảm bảo đủ nguồn cung phục vụ đời sống nhân dân, các cơ quan quản lý còn đối diện với trách nhiệm: Không để giá thịt lợn tăng cao gây áp lực lên chỉ số giá tiêu dùng năm 2019.
Giá thịt lợn tăng, nguồn cung giảm nhưng không “cháy hàng”
Ngày 29.9.2019, giá lợn hơi tại miền Bắc vẫn ở mức cao nhất cả nước, thương lái thu mua phổ biến từ 46.000 - 48.000 đồng/kg. Một vài địa phương thuộc các tỉnh Cao Bằng, Thái Nguyên, Quảng Ninh… giá lên tới 50.000 đồng/kg. Tại miền Nam dao động trong khoảng từ 38.000 - 48.000 đồng/kg tùy địa phương. Trong ngày 28.9, lượng lợn hơi về chợ đầu mối Hóc Môn (TPHCM) đã giảm mạnh, xuống chỉ còn 4.800 con (thấp hơn so với phiên trước đó gần 2.000 con). Tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, hiện mức giá bình quân của cả vùng dao động 40.000 - 42.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi tăng cao khiến giá thịt lợn tại các chợ dân sinh cũng tăng so với tháng trước. Ngày 29.9.2019, giá thịt lợn loại ngon nhất đã lên tới 150.000 đồng/kg; thịt cân xô ở mức 70.000 - 80.000 đồng/kg. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này chưa xảy ra tình trạng “cháy” thịt lợn tại các chợ. “Trước khi có dịch có ngày chúng tôi bán tới 1,5 con lợn. Nhưng nay mỗi ngày chỉ bán từ 1/2 con đến 1 con nhưng vẫn có hôm bị ế, không có tình trạng “cháy” thịt lợn” - bà Nguyễn Thị Mai, chủ quầy kinh doanh thịt lợn tại chợ Đồng Xa (Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội), cho biết.
Việc chăn nuôi, tán đàn để đảm bảo nguồn cung thịt lợn từ nay đến cuối năm. Ảnh: P.V
Có hay không buôn lậu thịt lợn qua biên giới
Cơn “bão” dịch tả lợn Châu Phi đã quét rộng trên toàn các tỉnh Trung Quốc và Việt Nam. Dịch tả lợn Châu Phi đã khiến 1/3 tổng đàn lợn của Trung Quốc bị tiêu hủy, giá lợn hơi tại Trung Quốc đã lên tới 85.000 - 100.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với giá lợn Việt Nam và quốc gia này đang đối diện với tình trạng thiếu thịt lợn nghiêm trọng.
Nhiều ý kiến cho rằng, tình trạng khan hiếm thịt lợn tại Trung Quốc khiến thương lái nước này đẩy mạnh việc mua lợn từ Việt Nam qua đường tiểu ngạch. Tuy nhiên, về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Dương khẳng định: Hoàn toàn không có tình trạng lực lượng chức năng và chính quyền nước bạn “mắt nhắm mắt mở” để tiểu thương “cõng” lợn và thịt lợn từ Việt Nam sang Trung Quốc len lỏi qua các đường biên mậu. “Họ vẫn chưa nhập khẩu thịt lợn Việt Nam qua đường chính ngạch, còn tại các cửa khẩu, lực lượng chức năng của Trung Quốc vẫn kiểm soát rất chặt chẽ, hoàn toàn không có tình trạng tiểu thương ồ ạt gom lợn và thịt lợn từ Việt Nam để buôn lậu sang Trung Quốc gây khan hiếm nguồn cung đẩy giá thịt lợn lên cao” - ông Nguyễn Xuân Dương khẳng định.
Không để “sốt” thịt lợn tạo áp lực lên giá cả, CPI
Theo Tổng cục Thống kê, báo cáo từ Bộ NNPTNT cho biết, dịch tả lợn Châu Phi đã bùng phát tại tất cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tính đến ngày 17.9.2019 tổng số lợn bị tiêu hủy 5.043.027 con với tổng trọng lượng khoảng 290.391 tấn, nguồn cung thịt lợn giảm làm cho giá thịt lợn tháng 9.2019 tăng 2,78% so với tháng trước, tác động đến CPI chung tăng 0,12%.
Mặc du theo số liệu của Công ty nghiên cứu Ipsos Consulting, ước tính Việt Nam có thể thiếu hụt 500.000 tấn thịt lợn, tương đương 20% tổng nhu cầu thị trường, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán khi nhu cầu tiêu thụ tăng trở lại nhưng nguồn cung chưa hồi phục. Tuy nhiên, về vấn đề này, chiều 29.9.2019, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Xuân Dương - Quyền Cục trưởng cục Chăn nuôi Bộ NNPTNT cho biết: Đến thời điểm này, sản lượng thịt lợn thiếu hụt khoảng 9% và vẫn đang được bù đắp bằng các loại thịt gia súc ăn cỏ, gia cầm, thủy sản, trứng…, hoàn toàn không có chuyện người dân không đủ thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày.
Về vấn đề “sốt” giá thịt lợn vào những tháng cuối năm có thể đẩy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lên cao, ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô, nhiều ý kiến cho rằng không đáng ngại. Mới đây, tại buổi họp quý III/2019 của Ban chỉ đạo điều hành giá dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhằm tham mưu tới Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ các biện pháp điều hành giá từ nay tới cuối năm và dự kiến giải pháp điều hành cho năm 2020, đại diện Bộ NNPTNT - ông Vũ Văn Việt - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NNPTNT) đưa ra dự báo cuối năm nay sẽ thiếu hụt nguồn cung thịt lợn, khoảng 3 - 4% tương ứng 200.000 tấn thịt lợn. Để khắc phục, đại diện Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục chỉ đạo việc kiềm chế dịch tả lợn Châu Phi, cúm gia cầm, lở mồm long móng; thúc đẩy sản xuất nhất là trong chăn nuôi để giảm giá thực phẩm, góp phần ổn định giá cả.
* Bộ NNPTNT cẩn trọng hơn trong chỉ đạo tổ chức sản xuất và cung ứng thịt lợn ra thị trường. Nguồn cung thịt lợn tại các nước láng giềng đang thiếu hụt, việc gom hàng ở Việt Nam bắt đầu gia tăng. Bộ NNPTNT cần tính kỹ cung cầu từng tháng, chứ không “áng chừng” tương đối. Bộ NNPTNT cần phối hợp với Bộ Công Thương bảo đảm nguồn cung, tránh chuyện tăng đột xuất nhu cầu thịt lợn từ nay tới Tết Nguyên đán. (Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ) * Trong 8 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 370.000 con bò sống từ Úc, nhập khẩu hơn 98.000 tấn thịt gà từ nhiều nước. Số lượng đàn gia cầm trong nước cũng tăng mạnh 13 - 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Vì vậy, nguồn cung thịt nói chung cho thị trường cuối năm không đáng ngại. (Ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi - Bộ NNPTNT) |
Theo Phong Nguyễn/Lao động