Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam được đánh giá có tốc độ tăng trưởng nhanh so với các nước trên thế giới. Tuy nhiên, GDP của Việt Nam còn nhiều bất cập như phụ thuộc doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài, chưa phản ánh chính xác nền kinh tế.
Xuất khẩu của Samsung đang đóng góp lớn vào GDP nước ta ảnh: anh tuấn
Phụ thuộc vào “điện thoại Samsung”
Những năm gần đây, Việt Nam được đánh giá là nước có tốc độ tăng trưởng GDP nhanh trong khu vực và thế giới. Theo Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng GDP năm 2016 đạt 6,21%; năm 2017 đạt 6,81%, năm 2018 đạt 7,07% và 6 tháng đầu năm 2019 ở mức 6,71%. Một trong những đóng góp cho tốc độ tăng trưởng GDP hằng năm nhờ vào tổng kim ngạch xuất khẩu gia tăng nhanh chóng thời gian qua. Từ con số 301,8 tỷ USD năm 2016, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã tăng lên 482,2 tỷ USD vào năm 2018 và đạt con số 245,4 tỷ USD ở 6 tháng đầu năm 2019.
Tuy nhiên, bên cạnh con số tăng nhanh chóng, nền kinh tế của Việt Nam đang bộc lộ điểm yếu là phụ thuộc quá nhiều vào khu vực doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (DN FDI). Kim ngạch xuất nhập khẩu thuộc khối DN FDI chiếm 60% tổng kim ngạch xuất khẩu. Thậm chí, tốc độ tăng trưởng nền kinh tế phụ thuộc vào một vài “ông lớn” FDI. Năm 2018, Samsung xuất khẩu 60 tỷ USD, bằng 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Một ví dụ điển hình cho thấy, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam phụ thuộc vào DN FDI thể hiện ở vụ việc Samsung thu hồi sản phẩm Galaxy Note 7 do sự cố pin bị cháy nổ vào năm 2017. Chỉ một sự cố với sản phẩm vừa ra mắt của Samsung đã khiến ngành công nghiệp - xây dựng tụt giảm. Trong đó, riêng ngành điện thoại và linh kiện xuất khẩu giảm ở mức - 10,7%, thấp nhất trong vòng 6 năm. Sự việc này cũng góp phần khiến tăng trưởng GDP quý 1 năm 2017 chỉ ở mức 5,1%, thấp hơn mức 5,5% của cùng kỳ năm 2016 và rất xa mục tiêu 6,7% của cả năm 2017.
“Việc Samsung thu hồi sản phẩm, không chỉ ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu của Việt Nam mà còn khiến GDP giảm. Điều này phơi bày thực tế là nền kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc quá nhiều vào DN FDI. Khi Samsung hắt hơi, nền kinh tế Việt Nam cảm sụt sùi”, chuyên gia kinh tế Đỗ Thiên Anh Tuấn đánh giá.
Cuối năm 2017, Samsung đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm mới và mở rộng sản xuất tại Bắc Ninh, Thái Nguyên. Riêng việc Samsung ra mắt sản phẩm Galaxy Note 8 đã góp phần giúp ngành công nghiệp điện tử trong quý 3 năm 2017 tăng trưởng tới 45%. Bên cạnh đó, việc Formosa khắc phục xong sự cố môi trường, đi vào sản xuất cũng mang lại động lực tăng trưởng khả quan cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Mức tăng trưởng GDP năm 2017 đạt mức 6,8%, vượt mốc kế hoạch Quốc hội đề ra trong năm 2017.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, GDP chưa phản ánh chính xác sức mạnh của nền kinh tế. Tăng trưởng GDP nền kinh tế phụ thuộc vào DN FDI là điều đáng báo động. Như trường hợp của Samsung, giá trị sản phẩm làm ra ở Việt Nam đóng góp vào số liệu xuất khẩu khoảng 20%. Như vậy, giá trị sản phẩm làm ra ở lãnh thổ Việt Nam rất nhỏ trong tổng GDP được tính toán.
Đại diện Ban Quản lý khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh cũng thừa nhận, trong chuỗi sản xuất điện thoại của Samsung, DN Việt Nam chỉ tham gia các khâu như làm bao bì, giá trị không cao.
Bên cạnh đó, trường hợp Formosa sản xuất 1 triệu tấn thép, góp phần giúp tốc độ tăng trưởng GDP năm 2017 tăng lên nhưng trước đó, chính công ty này gây ra sự cố môi trường biển. Theo đó, vào tháng 4/2016, trên vùng biển của 4 tỉnh miền trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế) cá chết hàng loạt và trôi dạt vào bờ biển. Thảm họa này gây ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của ngư dân, hộ nuôi trồng thủy sản ven bờ, ảnh hưởng đến du lịch và cuộc sống cư dân. Tháng 11/2016, ô nhiễm này khiến doanh thu du lịch các tỉnh này giảm đến 90%. Sự cố môi trường này tác động đến cuộc sống của 200.000 người dân, trong đó có 41.000 ngư dân.
“Xé rào” ưu đãi đầu tư, phải giải trình
Kể từ khi hoạt động tại Việt Nam, Samsung được hưởng ưu đãi đầu tư cao nhất của doanh nghiệp công nghệ cao. Bao gồm: được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp hằng năm bằng 10% trong suốt đời dự án; được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.
Tiếp sau những chính sách ưu tiên về thuế của Chính phủ, bộ ngành và địa phương tiếp tục nhận được ưu đãi cho Samsung. Như tỉnh Bắc Ninh tiếp tục giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp sau khi hết điều kiện miễn giảm của Chính phủ. Ngoài ra, địa phương này cũng dành nhiều tỷ đồng để giải phóng mặt bằng và đảm bảo điện, nước cho các dự án của Samsung. Với những ưu đãi vượt khung này, Bộ KH&ĐT đã có văn bản yêu cầu UBND tỉnh Bắc Ninh giải trình về các điều kiện ưu đãi.
Khi đầu tư tại Thái Nguyên, Samsung tiếp tục được địa phương này ưu đãi. Cụ thể, tỉnh Thái Nguyên sẽ giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 3 năm tiếp theo và hỗ trợ 50% tiền thuê hạ tầng.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, khi thu hút vốn FDI sẽ giúp GDP địa phương tăng trưởng cao. Vì vậy, thời gian qua xảy ra tình trạng, các địa phương tranh nhau thu hút FDI theo kiểu “mạnh ai nấy làm”. Thậm chí, nhiều địa phương xé rào ưu đãi cho DN FDI.
Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, khi nguồn lực trong nước có hạn, Việt Nam phải thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Ngoài ra còn mục tiêu nhận sự chuyển giao công nghệ từ DN FDI, nâng cao năng lực quản trị cho DN Việt Nam. Tuy nhiên, DN FDI vào Việt Nam với mục đích thu lợi nhuận nên tìm mọi cách né tránh thuế. Thời gian qua, DN FDI bộc lộ hàng loạt chiêu trò chuyển giá.
“Việt Nam có nhiều văn bản pháp quy về chống chuyển giá nhưng thực hiện không đơn giản. Trong bối cảnh này, trọng tâm của cơ quan chức năng Việt Nam phải tăng cường quản lý để chấm dứt thực trạng chuyển giá”, ông Long cho biết.
“Việc Samsung thu hồi sản phẩm, không chỉ ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu của Việt Nam mà còn khiến GDP giảm. Điều này phơi bày thực tế là nền kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc quá nhiều vào DN FDI. Khi Samsung hắt hơi, nền kinh tế Việt Nam cảm sụt sùi”.
Chuyên gia kinh tế Đỗ Thiên Anh Tuấn