Sau 7 tháng phát hiện ổ dịch đầu tiên, đến nay dịch tả lợn châu Phi đã phủ sóng khắp 63 tỉnh thành, khoảng 4,4 triệu con lợn đã bị tiêu hủy. Giá thịt lợn đang tăng phi mã do nguồn cung thiếu hụt.
Diễn biến nhanh, giá thịt lợn bất ngờ tăng mạnh
Cấp đông thịt lợn đảm bảo nguồn thịt cho dân ăn dần
Thịt lợn bất ngờ tăng giá mạnh, thương lái săn hàng bà con không bán
Cả nước có dịch tả lợn
Thông tin mới nhất từ UBND tỉnh Ninh Thuận, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xuất hiện tại hai hộ chăn nuôi trên địa bàn thị trấn Tân Sơn (huyện miền núi Ninh Sơn) thuộc tỉnh này.
Số lợn chết bất thường tại 2 hộ dân trên đều có kết quả dương tính với DTLCP. Do đó, từ 29/8-2/9, cơ quan thú y địa phương đã tiến hành tiêu hủy 59 con lợn nhiễm bệnh với tổng trọng lượng hơn 11 tấn.
Như vậy, sau 7 tháng phát hiện ổ DTLCP đầu tiên, đến nay bệnh dịch này đã lây ra khắp 63 tỉnh thành. Chúng ta đã tiêu hủy khoảng 4,4 triệu con lợn, gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng.
Dịch tả lợn châu Phi đã lây lan ra khắp 63 tỉnh thành ở nước ta
Trước đó, lãnh đạo Bộ NN-PTNT thừa nhận, dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến rất phức tạp, số lượng lợn bị tiêu trên thực tế có thể lớn hơn nhiều. Vì thế, nguồn cung thịt lợn trên thị trường những tháng cuối năm có thể bị thiếu hụt, đẩy giá tăng mạnh.
Thống kê từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) cho thấy, trong tháng 8, giá lợn hơi biến động tăng tại các địa phương trên cả nước do nguồn cung lợn thịt khan hiếm cục bộ. Bên cạnh đó, nhiều hộ vẫn chưa dám tái đàn vì lo nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh bùng phát trở lại.
Tại miền Bắc, trong tháng 8, giá lợn hơi tăng 4.000-10.000 đồng/kg, đẩy giá thịt lợn hơi lên mức khá cao, giúp người dân thu được một mức lãi ổn định sau thời gian dài thua lỗ do giá lợn xuống đáy. Đơn cử, giá lợn hơi tại các tỉnh Nam Định, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai dao động 44.000-46.000 đồng/kg; tại Phú Thọ, Bắc Giang, Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình, Hưng Yên, Thái Bình giá cao hơn khoảng đạt 47.000-48.000 đồng/kg; Vĩnh Phúc, Quảng Ninh có nơi lên tới 50.000 đồng/kg.
Tương tự, tại miền Trung, Tây Nguyên, giá lợn hơi cũng tăng 6.000-8.000 đồng/kg lên mốc 39.000-46.000 đồng/kg tùy địa phương.
Giá lợn hơi tại miền Nam tiếp tục đà tăng, đồng loạt ở mức 8.000-10.000 đồng/kg. Tại Hậu Giang, Kiên Giang, Cần Thơ tăng trung bình 35.000-37.000 đồng/kg; tại Đông Nam Bộ như một số huyện của Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương giá 36.000-38.000 đồng/kg, một số nơi lên tới 41.000-42.000 đồng/kg.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định, giá thịt lợn còn có xu hướng tăng vào cuối năm 2019, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán do nguồn cung thịt lợn giảm với ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi ảnh hưởng khu vực miền Bắc và thị trường Trung Quốc.
Thịt lợn ồ ạt sang Trung Quốc
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, dù ngành chăn nuôi trong nước đang gặp nhiều khó khăn vì dịch bệnh, song giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi tiếp tục có những kết quả tích cực.
Nguồn cung thịt lợn những tháng cuối năm dự kiến sẽ khan hiếm, đẩy giá tăng cao
Tháng 8/2019, giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi ước đạt 64 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi 8 tháng đầu năm 2019 ước đạt 449 triệu USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2018, chủ yếu nhờ xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc tăng mạnh.
Giá thịt lợn tại Trung Quốc những tháng tới được dự đoán sẽ tăng 70% so với năm trước, dự báo nhu cầu nhập khẩu sẽ lớn hơn và là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.
Sau khi phải tiêu hủy số lượng lợn lên tới 200 triệu con, trong tháng 7/2019, giá lợn hơi bình quân tại Trung Quốc tiếp tục lên 19,48 tệ/kg (tương đương 65.000 đồng/kg), tăng 1,8 tệ/kg (tương đương 6.000 đồng/kg), cao nhất tại Quảng Đông là 23 tệ/kg (tương đương 77.500 đồng/kg), thấp nhất tại Vân Nam là 14,95 tệ/kg (tương đương 50.000 đ/kg).
Theo khảo sát của Anova Feed, giá thịt lợn trung bình của 6 tỉnh Trung Quốc giáp ranh biên giới Việt - Trung hôm nay (4/9) đã tăng lên 87.000 đồng/kg.
Hiện thương lái tích cực lùng mua heo đạt trọng lượng còn sót lại để xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc, tuy nhiên số lượng chưa nhiều do chính sách siết chặt nhập khẩu biên mậu của nước bạn.
Thực tế, một số trang trại và thương lái ở khu vực các tỉnh biên giới cho biết, từ đầu tháng 8, một lượng lợn sống, thịt lợn mảnh đã được họ gom mua để xuất khẩu sang Trung Quốc. Bởi, thị trường này đang thiếu hụt nguồn cung trầm trọng do dịch tả châu Phi và các đơn hàng nhập khẩu thịt lợn lớn từ Mỹ bị hủy, trong khi giá thịt lợn tại Việt Nam lại thấp hơn nhiều.
Trong tháng 8/2019, giá thu mua gà và trứng tại trại giảm do nguồn cung dồi dào. Giá gà thịt lông trắng tại khu vực Đông Nam Bộ và ĐBSCL giảm 1.000-2.000 đồng/kg, xuống còn 24.000-25.000 đồng/kg. Giá trứng gà tại trại 1.550-1.650 đồng/quả, tăng 100 đồng/kg so với tháng trước do nhu cầu tăng. Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, giá thịt và trứng gà trong thời gian qua ở mức thấp nguyên nhân là do dịch tả lợn châu Phi. Khi dịch bệnh này bùng phát, nhiều người dân nuôi lợn chuyển sang nuôi gà, vịt để tạo nguồn thịt thay thế khiến nguồn cung ngày một tăng, trong khi đó, giá thịt gà nhập về Việt Nam chỉ 18.000 đồng/kg, cạnh tranh với thịt gà nội địa. Tuy nhiên, trong tháng qua giá trứng đã chuyển biến tăng trở lại và có thể sẽ duy trì ổn định hơn từ nay cho đến cuối năm, đặc biệt giai đoạn trước Tết Nguyên đán. |
Theo Bảo Phương/VietNamNet