Theo kết quả rà soát của Tổng cục Thống kê, quy mô GDP đánh giá lại bình quân giai đoạn 2010-2017 tăng thêm 25,4%/năm so với số liệu đã công bố.
Vận chuyển container hàng hóa xuất khẩu lên tàu tại cảng Chùa Vẽ, Hải Phòng. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN
Tổng cục Thống kê phân tích, quy mô GDP thay đổi dẫn đến các chỉ tiêu kinh tế tổng hợp có liên quan tới chỉ tiêu GDP cũng thay đổi. Sự thay đổi của các chỉ tiêu có liên quan bao gồm: tích lũy tài sản; tiêu dùng cuối cùng; tổng thu nhập quốc gia (GNI); tổng sản phẩm trong nước bình quân đầu người; tỷ lệ vốn đầu tư so với tổng sản phẩm trong nước; Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (Hệ số ICOR); tỷ lệ thu ngân sách nhà nước so với GDP; tỷ lệ thuế trừ trợ cấp sản phẩm so với GDP; tỷ lệ chi ngân sách nhà nước so với GDP; tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP; tỷ lệ dư nợ công so với GDP; năng suất nhân tố tổng hợp (TFP).
Kết quả đánh giá lại quy mô GDP của nước ta được Tổng cục Thống kê cho là tạo ra mức tăng đáng kể trong tổng giá trị GDP và GDP bình quân đầu người, từ đó tác động đến định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong các giai đoạn tiếp theo. Sự gia tăng GDP bình quân đầu người có thể dẫn đến sự thay đổi trong mô hình tiêu dùng hộ gia đình do ước tính mức sống cao hơn hoặc đạt nhanh hơn đến mức quốc gia có thu nhập trung bình cao.
Việc đánh giá lại quy mô GDP sẽ không tác động đến mục tiêu tăng trưởng GDP trong kế hoạch và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội do tốc độ tăng trưởng kinh tế qua các năm có sự thay đổi rất nhỏ. Đánh giá lại quy mô GDP làm thay đổi cơ cấu GDP, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Ngoài ra, các chỉ tiêu chất lượng tăng trưởng được cải thiện, tuy nhiên mức thay đổi không lớn. Phản ánh số liệu thấp hơn đối với nhiều chỉ tiêu tài chính/tài khóa: tỷ lệ thu ngân sách nhà nước so với GDP; tỷ lệ thuế so với GDP; tỷ lệ chi ngân sách nhà nước so với GDP; tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP; tỷ lệ nợ công, nợ chính phủ và nợ nước ngoài so với GDP.
Sự thay đổi có thể cho thấy khả năng mở rộng dư địa cho thu ngân sách và thuế, cũng như chi tiêu và vay của Chính phủ. Tuy nhiên, khả năng tác động là thấp vì trong thực tế thu ngân sách và thuế dựa trên thu thuế/phí, các tỷ lệ thu liên quan và được quy định bởi các văn bản pháp luật. Quy mô GDP và GDP bình quân đầu người tăng lên có thể làm tăng đóng góp của Việt Nam cho các tổ chức quốc tế mà hiện nay Việt Nam đang là thành viên.
Tổng cục Thống kê đang tiến hành đánh giá lại quy mô GDP, đây là nhiệm vụ thường xuyên và định kỳ của bất kỳ một cơ quan thống kê quốc gia nào trên thế giới. Tổng cục Thống kê đánh giá lại quy mô GDP theo phương pháp sản xuất, vì vậy không phải là cách tính mới.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, việc rà soát, đánh giá lại quy mô GDP dựa trên phương pháp luận do cơ quan thống kê Liên hợp quốc khuyến nghị, xuất phát từ có nguồn thông tin phản ánh đầy đủ kết quả sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, hoàn toàn không có sự thay đổi về phương pháp tính. Tổng cục Thống kê khẳng định cách tính GDP của Việt Nam hiện nay theo đúng thông lệ quốc tế.
"Trong bối cảnh Việt Nam đang xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, việc đánh giá lại quy mô GDP vào thời điểm này sẽ giúp đưa ra những định hướng đúng cho phát triển đất nước trong 10 năm tới và cụ thể hóa cho giai đoạn 5 năm 2021-2025", Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh.
Theo Thúy Hiền (TTXVN)