Đến cuối năm 2019, tổng số vốn đầu tư của Grab vào Việt Nam sẽ là 200 triệu USD, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, đặc biệt là cho người dùng và đối tác tài xế.
Grab ủng hộ taxi truyền thống chuyển mô hình sang xe công nghệ
Taxi công nghệ bỏ 'đeo mào', đề xuất dán chữ phản quang để nhận diện
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)
Ngày 28/8, tại Singapore, Grab Holdings Inc. (Grab) đã công bố việc đầu tư thêm 500 triệu USD vào Việt Nam trong vòng 5 năm tới để phát triển các giải pháp công nghệ tài chính, công nghệ di động mới và logistics với mục tiêu tiếp tục đóng góp tích cực cho sự phát triển nền kinh tế số của Việt Nam, tạo ra hàng triệu cơ hội tăng thêm thu nhập và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Việt Nam.
Ông Russell Cohen, Giám đốc Điều hành khu vực Đông Nam Á của Grab, cho biết khoản đầu tư này thể hiện cam kết chặt chẽ và sâu rộng của Grab cho thị trường Việt Nam.
Nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng cùng với số lượng người trẻ quen dùng điện thoại thông minh ngày càng gia tăng là những điều kiện chín muồi giúp Việt Nam dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ kỹ thuật số.
Theo ông Russell Cohen, khi Grab ngày càng mở rộng các dịch vụ giao nhận thức ăn, giao nhận hàng hóa và thanh toán điện tử trên khắp cả nước, hãng mong muốn có thể nắm bắt và đầu tư vào các cơ hội mới trong lĩnh vực công nghệ tài chính, công nghệ di động và logistics để mang đến nhiều giá trị to lớn và sáng tạo hơn cho khách hàng và đối tác Grab.
Về kết quả đầu tư của Grab tại Việt Nam, ông Jerry Lim, Giám đốc Grab Việt Nam, cho biết Grab là một trong những nhà đầu tư công nghệ lớn nhất tại Việt Nam.
Đến cuối năm 2019, tổng số vốn đầu tư của Grab vào Việt Nam sẽ là 200 triệu USD, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, đặc biệt là cho người dùng và đối tác tài xế của các dịch vụ kết nối di chuyển, giao nhận hàng hóa, giao nhận thức ăn, và thanh toán không dùng tiền mặt.
Bằng cách triển khai chiến lược kinh doanh phù hợp với Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của chính phủ, Grab cam kết tiếp tục đóng góp tích cực hơn nữa vào chiến lược phát triển kinh tế xã hội, cũng như đóng góp vào công cuộc thực hiện Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của Việt Nam.
Với hoạt động của mình, Grab mong muốn được mở rộng hợp tác với các đơn vị thuộc khu vực công và tư nhân cùng chia sẻ tầm nhìn chung Công nghệ vì cộng đồng (Tech For Good), hướng đến cùng nhau tận dụng công nghệ nhằm giải quyết các khó khăn và thách thức trong cuộc sống hằng ngày, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân Việt Nam.
Đồng thời, Grab cũng tìm kiếm cơ hội thiết lập các quan hệ hợp tác công-tư thông qua hợp tác với chính quyền trung ương và chính quyền địa phương, đồng thời đóng vai trò tích cực trong các chương trình quốc gia như dự án Thành phố thông minh (Smart City) do chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh khởi xướng.
Kể từ khi hoạt động tại Việt Nam vào năm 2014, đến nay, Grab đã trở thành siêu ứng dụng dẫn đầu trên thị trường và là lựa chọn hàng đầu của người dân cho các dịch vụ giao nhận thức ăn và kết nối di chuyển.
Trong khi đó, Moca - đối tác chiến lược của Grab - đang là một trong những công ty dẫn đầu thị trường về thanh toán điện tử. Tổng giá trị thanh toán qua ví điện tử Moca trên ứng dụng Grab đạt mức tăng trưởng đến 150% trong nửa đầu năm 2019, với số lượng người dùng tương tác hàng tháng tăng đến hơn 70%.
GrabFood, nền tảng giao nhận thức ăn hàng đầu Việt Nam, đạt tổng giá trị giao dịch tăng đến 400% trong nửa đầu năm 2019, với số lượng đơn hàng trung bình hàng ngày đạt đến 300.000 đơn hàng./.
Theo Anh Tuấn (TTXVN/Vietnam+)