Với xu hướng mua sắm đa kênh, doanh nghiệp cần nghiên cứu tăng cường phối hợp giữa các mô hình truyền thống và trực tuyến; các mô hình bán lẻ mới.
Các chuyên gia chia sẻ thông tin tại Diễn đàn. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)
Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và các ứng dụng công nghệ mới đang mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu nhưng muốn khai thác được những tiềm năng đó, doanh nghiệp phải chủ động xây dựng chiến lược chinh phục thị trường phù hợp.
Đây là nhận định của các chuyên gia tại Diễn đàn xuất khẩu 2019 chủ đề “Nâng cao hiệu quả xuất khẩu trong bối cảnh hội nhập và xu hướng kinh tế số” do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức sáng 27/8.
Đổi mới phương thức xúc tiến thương mại
Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc ITPC cho biết, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương đã giúp Việt Nam mở rộng phạm vi thị trường thương mại hàng hóa đến hầu hết các khu vực kinh tế lớn trên thế giới.
Trong bối cảnh đó, các giải pháp nâng cao hiệu quả xuất khẩu cần theo hướng gắn kết mặt hàng xuất khẩu và thị trường, tận dụng cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế.
Với vai trò là cơ quan xúc tiến xuất khẩu của Thành phố Hồ Chí Minh, ITPC đã xác định những khu vực thị trường mà doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cần đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu trong những năm tới là các đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Hoa Kỳ, các nước tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương mà Việt Nam đã ký kết như CPTPP, EVFTA.
Bên cạnh đó, ITPC cũng định hướng xúc tiến xuất khẩu vào các thị trường mà Việt Nam đang đàm phán FTA như Khối thương mại tự do châu Âu (EFTA) gồm Thụy Sĩ, Nauy, Iceland, Liechtenstein; (RCEP) gồm ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, New Zealand.
Mục tiêu của Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ là xuất khẩu hàng hóa mà còn xuất khẩu cả các sản phẩm dịch vụ, công nghệ có giá trị cao.
Về xuất khẩu hàng hóa, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đẩy mạnh hoạt động xúc tiến xuất khẩu tập trung vào 7 nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực (sản phẩm từ kim loại đúc sẵn; thiết bị điện; sản phẩm từ nhựa, cao su; thực phẩm chế biến; đồ uống; điện tử-công nghệ thông tin; trang phục may sẵn); 1 nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng (thuốc, hóa dược và dược liệu) và 3 nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực (rau và hoa cây kiểng; bò sữa và lợn; thủy sản gồm tôm nước lợ và cá cảnh).
Ngoài ra, thành phố đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ, một mặt hàng chiếm tỷ trọng khá cao trong cơ cấu xuất khẩu của thành phố.
[Áp lực tiến vào kỷ nguyên số trong bối cảnh thương mại mới]
Về dịch vụ, thành phố sẽ đẩy mạnh xuất khẩu các lĩnh vực du lịch, viễn thông, phần mềm-nội dung số.
Quang cảnh diễn đàn. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)
Theo ông Phạm Thiết Hòa, hiện nay, hơn 96% doanh nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh có quy mô nhỏ và vừa, điểm chung của các doanh nghiệp này là hạn chế về nguồn vốn, công nghệ và thiếu thị trường ổn định.
Đây sẽ là nhóm doanh nghiệp cần được hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu để phát triển thị trường.
Theo đó, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa xây dựng và phát triển thương hiệu; cung cấp thông tin thị trường, ngành hàng xuất khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình khảo sát thị trường; tổ chức các khóa huấn luyện và đào tạo kiến thức xuất nhập khẩu, nghiên cứu thị trường; tập huấn cho doanh nghiệp về tiêu chuẩn Halal để xuất khẩu sang các thị trường đạo Hồi.
Những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sẽ được tổ chức dưới nhiều hình thức như kết nối với các cơ quan đại diện, các tổ chức xúc tiến nước ngoài tại Thành phố Hồ Chí Minh; các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài; kết nối xuất khẩu thông qua các chuỗi siêu thị nước ngoài và kênh thương mại điện tử; kết nối thông qua các chương trình hội chợ-triển lãm ở nước ngoài; xúc tiến thương mại gắn với hoạt động ngoại giao của lãnh đạo thành phố ở nước ngoài; kết nối doanh nhân Việt kiều tại các nước; xây dựng chuỗi giá trị nguyên liệu phục vụ cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Thành phố Hồ Chí Minh còn thực hiện những giải pháp hỗ trợ xuất khẩu, bao gồm: tăng cường tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp thông qua Hệ thống đối thoại Doanh nghiệp-Chính quyền thành phố để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu; kiến nghị các cơ quan chức năng của thành phố và các bộ ngành tiếp tục hoàn thiện và đơn giản hóa thủ tục liên quan xuất nhập khẩu; nâng cao hiệu quả các dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu (hải quan, thuế, logistics, ngân hàng).
Xác định đúng thị trường mục tiêu
Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc thương mại Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel cho rằng, doanh nghiệp cần nhìn rõ ba động lực chính thúc đẩy sự tăng trưởng hoạt động xuất khẩu ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay là sự dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Đông Á sang Đông Nam Á; các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA; kỹ thuật số và thương mại điện tử.
Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, sự chuyển dịch của các chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á do bị đánh thuế cao mang lại tiềm năng lớn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Song song đó, Việt Nam còn nhiều dư địa chưa khai thác hết từ các FTA đang có, trong khi người tiêu dùng thế giới ngày càng kết nối nhiều hơn, đặc biệt thông qua thiết bị di động để mua sắm xuyên quốc gia một cách dễ dàng.
Để khai thác hiệu quả các xu hướng thương mại trên, doanh nghiệp phải xác định được thị trường mục tiêu phù hợp với sản phẩm thế mạnh của mình; trong đó, châu Á, Mỹ và châu Âu là những thị trường tiềm năng cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Châu Á chiếm 60% dân số thế giới, là thị trường tiềm năng. Khi xuất khẩu vào châu Á, doanh nghiệp chú ý ở các nước phát triển, cần tập trung vào nhóm người cao niên, trong khi ở các nước đang phát triển, nhóm người trẻ tuổi lại là nhóm đối tượng tiêu dùng chủ yếu.
Với cuộc sống bận rộn hơn, người tiêu dùng châu Á quan trọng sự tiện lợi hơn. Đây là cơ hội cho các sản phẩm, dịch vụ giúp cuộc sống trở nên dễ dàng hơn như dịch vụ vệ sinh nhà cửa, sản phẩm đa chức năng, sản phẩm có hiệu quả nhanh, bữa ăn nhanh tại nhà, sản phẩm tích hợp.
Các kênh mua sắm tiện lợi dễ tiếp cận nhanh chóng liên tục tăng trưởng cao hơn so với tổng thị trường hàng tiêu dùng nhanh ở châu Á.
Châu Á cũng là khu vực ưu tiên cho di động với lượng người dùng tương tác cao, vì vậy châu Á là cái nôi phát triển thương mại điện tử hiện nay và sẽ còn tiếp tục tăng tốc.
Với xu hướng mua sắm đa kênh, doanh nghiệp cần nghiên cứu tăng cường phối hợp giữa các mô hình truyền thống và trực tuyến; các mô hình bán lẻ mới.
Ở Mỹ và châu Âu, phần lớn người tiêu dùng rơi vào nhóm lớn tuổi, có ý thức cao về sức khỏe, chế độ dinh dưỡng thay đổi ít đường và nhiều đạm là những thị trường lớn cho sản phẩm hữu cơ (organic); trong đó Mỹ chiếm gần 50% thị phần.
Người tiêu dùng ở Mỹ và châu Âu có khuynh hướng chọn các sản phẩm giá thấp, tuy nhiên họ cũng sẵn sàng chi cho các mặt hàng cao cấp nếu giá trị mang lại tương xứng.
Chia sẻ kinh nghiệm xuất khẩu, ông Trần Tấn Thiện, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cà phê Hello5 cho rằng, thị trường thế giới rất lớn và có rất ít doanh nghiệp đủ sức để chi phối thị trường vì vậy muốn đạt được hiệu quả trong xuất khẩu, doanh nghiệp phải lựa chọn thị trường mục tiêu phù hợp với thế mạnh sản phẩm của mình.
Tiếp đến, doanh nghiệp cần tận dụng triệt để các kênh bán hàng nhằm phủ sóng đến mọi đối tượng tiềm năng, đặc biệt là nắm bắt xu hướng thương mại điện tử đang bùng nổ ở nhiều nước châu Á.
Quan trọng nhất là không có thị trường hay xu hướng nào tồn tại mãi mãi vì vậy doanh nghiệp phải liên tục sáng tạo, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, có giá trị cao hơn mới có thể cạnh tranh tốt hơn.
Với việc phát triển bùng nổ của ứng dụng mua sắm trực tuyến và sàn thương mại điện tử, các chuyên gia khuyến nghị, tích hợp thương mại trực tuyến và thương mại truyền thống để nâng cao trải nghiệm mua hàng là cần thiết.
Thế nhưng cần xác định, trực tuyến sẽ không thay thế hoàn toàn cho những trải nghiệm thật bởi đa phần người tiêu dùng vẫn muốn cảm nhận trực tiếp, thực tế hơn.
Do đó, các doanh nghiệp “thông minh” đang quay trở lại những điều cốt lõi, tập trung vào trải nghiệm thực tế và tận dụng kỹ thuật số để mang lại cho người tiêu dùng những trải nghiệm tốt hơn.
Ngoài ra, khi hướng tới thị trường toàn cầu, doanh nghiệp cũng cần nhạy bén với những xu hướng phản ứng nhiều hơn trước những vấn đề xã hội như rác thải, trái đất nóng lên, ô nhiễm môi trường để tập trung phát triển các sản phẩm mang lại giá trị bền vững./.
Theo Xuân Anh (TTXVN/Vietnam+)