Tại Hà Nội, bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở 24 quận, huyện, thị xã đã gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng. Thời gian gần đây tuy dịch đã tạm lắng, một số nơi đã đủ điều kiện công bố hết dịch nhưng người dân vẫn cần thận trọng khi tái đàn.
Dịch tả lợn châu Phi càn quét, nhiều hộ nuôi tự cứu mình, cứu lợn
Việt Nam có kết quả tích cực trong nghiên cứu vắc-xin dịch tả lợn châu Phi
Tiêu hủy lợn ở Hà Nội
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại hơn 28 nghìn hộ chăn nuôi (chiếm 35% tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi) trên toàn thành phố. Có gần 500 nghìn con lợn (chiếm 26% tổng đàn lợn) dính dịch bệnh này và được tiêu hủy.
Tuy nhiên, từ tháng 7/2019 đến nay, số lượng lợn mắc bệnh và tiêu hủy trên địa bàn thành phố đã giảm hẳn (hiện còn khoảng 300-800 con lợn bị mắc bệnh/ngày). Ông Nguyễn Văn Mạnh (huyện Đông Anh) cho biết, dịch tả lợn châu Phi có chiều hướng tạm lắng, cùng giá lợn hơi phục hồi và duy trì ở mức 43.000-44.000 đồng/kg, nên gia đình ông đang có ý định tái đàn để phục vụ thị trường cuối năm. Tuy nhiên, cán bộ thú y xã khuyên chưa nên tái đàn đến khi bệnh dịch hoàn toàn được khống chế.
Ở các trại chăn nuôi lớn, nhiều nơi bắt đầu nhập giống để tái đàn. Ông Hoàng Mạnh Thắng, Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển khoa học kỹ thuật NTC Việt Nam cho biết, trang trại của ông ở Đông Anh có hơn 1.000 con lợn rừng, được nuôi theo phương pháp hữu cơ. Mặc dù đã tập trung chống dịch nhưng trại lợn của công ty bị dịch chết đến 99%. Qua 30 ngày hết dịch, dùng nhiều biện pháp khử khuẩn nhưng khi thử tái đàn thì lợn lại tiếp tục bị chết vì dịch. Thiệt hại của công ty lên đến hàng chục tỷ đồng. Thời gian tới, công ty có ý định chuyển hướng nuôi gia cầm để đảm bảo nguồn thu và việc làm cho người lao động.
Lo lắng khi chuyển hướng nuôi gia cầm
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu hạn chế việc chăn nuôi lợn trong khu dân cư, đặc biệt là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không đáp ứng điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học, không bảo đảm quy định về môi trường, phòng chống dịch bệnh…
Bên cạnh đó, thành phố chỉ đạo các địa phương không tái đàn ở những cơ sở chăn nuôi đã bị bệnh dịch tả lợn châu Phi khi bệnh dịch chưa được khống chế hoàn toàn. Nếu các cơ sở chăn nuôi cố tình tái đàn sẽ xử lý theo quy định của pháp luật, khi xảy ra bệnh dịch phải tiêu hủy lợn mà không được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định. Đối với các quận, thị xã, khuyến cáo người dân không chăn nuôi lợn mà chuyển đổi ngành nghề như trồng hoa - cây cảnh…
Về việc nhiều người dân chuyển đổi mô hình nuôi gia cầm khiến tổng đàn gia cầm tăng nóng trong một thời gian ngắn cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đại diện Bộ NN&PTNT cho biết, thời gian từ nay tới cuối năm, nhiệt độ thấp kèm theo mưa là điều kiện thuận lợi để mầm bệnh cúm gia cầm lây lan. Phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, thả rông… cũng làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết thêm, từ nay đến cuối năm Sở tiếp tục duy trì chặt chẽ các chốt kiểm dịch động vật liên ngành nhằm tăng cường kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm từ thịt lợn; triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm (cúm gia cầm, tai xanh, lở mồm long móng…) để ngăn chặn dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.
Theo Hiếu Minh/Tiền phong