Tổng thống Mỹ Donald Trump đang làm gián đoạn thị trường, sau đó đổ lỗi cho Trung Quốc. Giữ đồng nhân dân tệ ổn định là việc của song phương
Trung Quốc hứa sẽ không phá giá đồng nhân dân tệ sau khi bị Mỹ cho là "kẻ thao túng tiền tệ"
Trung Quốc tăng giá nhân dân tệ trở lại
Một nhân viên đếm tiền giấy tại một ngân hàng ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc
“Tổng thống Mỹ Donald Trump không nên kỳ vọng rằng Trung Quốc sẽ giữ đồng nhân dân tệ ổn định so với đồng đô la Mỹ khi ông vẫn tiếp tục gây chấn động thị trường và kích động tranh chấp”, một cựu quan chức cấp cao của cơ quan giám sát ngoại hối Trung Quốc nói.
“Duy trì sự ổn định của nhân dân tệ là việc của song phương. Thật vô lý khi bạn luôn kích động tranh chấp, gây ra bất ổn cho tâm lý thị trường, rồi yêu cầu Trung Quốc tự mình thực hiện sứ mệnh ổn định tỷ giá hối đoái”, ông Guan Tao, một nhà kinh tế học nổi tiếng, nói trong một cuộc phỏng vấn ở Bắc Kinh.
Ông Quan là người đứng đầu Bộ phận cán cân thanh toán thuộc Cục quản lý ngoại hối nhà nước Trung Quốc (SAFE) từ năm 2009 đến 2015.
“Trung Quốc đã nhắc lại rằng họ không muốn có chiến tranh, dù là thương mại hay tài chính”, ông Quan nói.
Ông nói rằng Trung Quốc và Mỹ đã bước vào thời kỳ “hủy diệt nhau hoàn toàn”, trong đó mỗi người nên cẩn thận với những vũ khí có thể gây tổn thương cho người kia - bởi vì bất kỳ thiệt hại nào cũng sẽ “có đi có lại”.
Tổng thống Mỹ, Donald Trump đã cáo buộc Trung Quốc làm suy yếu đồng nhân dân tệ để thúc đẩy xuất khẩu bằng cách làm cho chúng rẻ hơn ở thị trường nước ngoài.
Ông Quan cho biết đồng nhân dân tệ thực tế có thể tăng giá so với đồng đô la Mỹ nếu Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ ngừng hạ lãi suất, đồng đô la Mỹ suy yếu và căng thẳng sẽ được giảm bớt giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
“Trên thực tế, đồng nhân dân tệ đã mạnh lên trong một khoảng thời gian kể từ tháng 12 năm ngoái”, ông nói.
Đồng nhân dân tệ ở nước ngoài suy yếu từ 6,3 nhân dân tệ mỗi đô la Mỹ vào đầu năm 2018, xuống còn 6,95 nhân dân tệ mỗi đô la Mỹ vào cuối tháng 11. Nhưng nó đã mạnh lên sau tháng 12 khi có một thỏa thuận thương mại giữa chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Trump ở Argentina.
Đồng nhân dân tệ đã tăng lên khoảng 6,7 nhân dân tệ mỗi đô la Mỹ vào cuối tháng 4 trước khi căng thẳng leo thang trở lại vào đầu tháng 5, khi cuộc đàm phán giữa hai bên vượt khỏi tầm kiểm soát, đồng thời Donald Trump tăng thuế đối với hàng nhập khẩu trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc và cho biết ông đã chuẩn bị cho một cuộc chiến kinh tế kéo dài.
Đồng nhân dân tệ tiếp tục suy yếu vào tuần trước, xuống mức thấp nhất trong 11 năm, phá vỡ mức 7 nhân dân tệ mỗi đô la, sau khi ông Trump tuyên bố sẽ đánh thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá 300 tỷ USD khác.
Tuần trước, sự mất giá của đồng nhân dân tệ đã gây ra sự chỉ trích mạnh mẽ từ Tổng thống Donald Trump. Ông nói rằng Bắc Kinh đang vũ khí hóa tiền tệ của mình để trợ giúp xuất khẩu, và bộ tài chính Mỹ đã chỉ định Trung Quốc là một “kẻ thao túng tiền tệ”.
Quan đã bác bỏ cáo buộc này, nói rằng “sự chuyển động của một loại tiền tệ được quyết định một cách cơ bản bởi mối quan hệ giữa cung và cầu, nhưng cũng bị ảnh hưởng nhiều bởi tình cảm”
“Theo căng thẳng thương mại, ảnh hưởng của tâm lý thị trường được khuếch đại”, ông nói.
“Một số nhà đầu tư đã sử dụng thông báo của Trump vào số liệu của họ để đưa ra quyết định đầu tư. Điều này giải thích rằng - Trump không thể thay đổi số lượng những đơn hàng xuất nhập khẩu ngay lập tức, nhưng sẽ ảnh hưởng đến tình cảm ngay lập tức”, ông nói.
“Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã làm việc chăm chỉ để ngăn chặn việc đặt cược một chiều vào đồng nhân dân tệ. Bởi vì nếu kỳ vọng một chiều được hình thành về đồng nhân dân tệ, áp lực để duy trì sự ổn định sẽ rất lớn”, ông giải thích.
Vào quá khứ, sau sự mất giá bất ngờ của đồng nhân dân tệ vào tháng 8 năm 2015, Trung Quốc trải qua một thời kì mất vốn lớn, làm dự trữ ngoại hối giảm mạnh. Đất nước này đã mất gần 1 nghìn tỷ đô la vào cuối năm 2016 từ mức cao nhất là 3,99 nghìn tỷ đô la Mỹ vào tháng 6 năm 2014.
Trung Quốc vẫn có dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới, ở mức 3,1 nghìn tỷ USD tính đến tháng 7 năm nay.
“Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc lớn đến mức bất kỳ sự phân bổ nào, dù bằng vàng hay tiền mặt ở các chính phủ khác, sẽ làm náo loạn thị trường toàn cầu”, ông nói.
“Tuy nhiên, đó là một câu chuyện khác nếu cuộc đối đầu giữa hai nước đi đến cực điểm. Không bao giờ dễ dàng để hai nước lớn đạt được thỏa thuận trong một tranh chấp”, ông nói thêm. “Cho đến nay, cuộc chiến thương mại đang gây thiệt hại cho các nền kinh tế nhỏ hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời tác động tiêu cực đến nền kinh tế của Trung Quốc và Mỹ”
Theo Thùy Dung/Dân trí (nguồn Scmp)