Với một loạt diễn biến mới của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung như Mỹ tuyên bố áp thuế lên 300 tỷ USD hàng hoá từ Trung Quốc, Nhân dân tệ giảm giá… Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Quách Mạnh Hào, chuyên gia tài chính (Đại học Lincoln - Anh) để làm rõ hơn về khả năng xảy ra một cuộc chiến tiền tệ cũng như tác động của nó đến Việt Nam nếu xảy ra…
Bộ Tài chính Mỹ ngày 6/8 đã chính thức khẳng định Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ khi để giá trị đồng nội tệ suy yếu nhằm đối phó với cuộc thương chiến mà nước Mỹ đang thực hiện.
Cuộc chiến tiền tệ sẽ thực sự xảy ra khi nào?
Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã bất ngờ khiến căng thẳng thương mại leo thang khi tuyên bố sẽ áp thuế 10% với khoảng 300 tỷ USD hàng nhập khẩu còn lại.
Ông Donald Trump cũng lên tiếng chỉ trích Trung Quốc là nước "thao túng tiền tệ" và gọi hành động hạ giá nội tệ là "một sự vi phạm nghiêm trọng". Vài năm gần đây, ông vẫn luôn phàn nàn việc nước này hạ giá nhân dân tệ để tăng lợi thế xuất khẩu.
Ngày 6/8, Bộ Tài chính Mỹ đã chính thức khẳng định Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ khi để giá trị đồng nội tệ suy yếu nhằm đối phó với cuộc thương chiến mà nước Mỹ đang thực hiện.
Tuyên bố này ngay lập tức khiến giới quan sát và chuyên gia lo ngại tình hình có thể đi xa hơn và khơi mào một cuộc chiến tranh tiền tệ. Theo ông cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể bị chuyển sang thành cuộc chiến tiền tệ không?
-Tôi nghĩ rằng điều này hoàn toàn có thể xảy ra mặc dù các bước đi hiện tại mới ở mức thăm dò. Thương mại quốc tế không thể tách rời yếu tố tiền tệ và do vậy nếu chiến lược áp thuế liên tục không mang đến hiệu quả mong muốn là buộc đối tác trở lại bàn đám phán thì tất yếu sẽ dẫn tới sử dụng công cụ tiền tệ.
Trung quốc phá giá đồng nhân dân tệ nhìn bên ngoài giống như là bước đi phòng vệ nhưng chắc chắn họ đã tính toán cho việc khơi mào cho một cuộc chiến tiền tệ. Mỹ cảnh báo Trung Quốc thao túng tiền tệ như là một bước đi mở đường cho các lựa chọn ngoài công cụ thuế.
Cuộc chiến tiền tệ sẽ thực sự xảy ra khi Mỹ cũng sử dụng các biện pháp trực tiếp làm suy yếu đồng USD như là một phản ứng.
Cuộc chiến tiền tệ theo tôi lại là điều mà Mỹ không mong muốn lúc này. Đó là bởi vì xét trên bối cảnh ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu thì đồng USD được sử dụng rộng rãi hơn. Việc phá giá đồng USD khi đó không còn là câu chuyện giữa Mỹ và Trung Quốc, mà là giữa Mỹ và phần còn lại của thế giới.
Các phản ứng hệ lụy của các quốc gia neo tỷ giá vào đồng USD hoặc là đối tác thương mại lớn của Mỹ sẽ dẫn tới việc Mỹ khó khăn hơn trong việc ứng phó. Trung Quốc tất nhiên thích điều này. Họ muốn Mỹ rơi vào tình trạng tứ bề ứng phó thay vì chỉ thi đấu tay đôi với họ.
Do vậy, không ngạc nhiên nếu họ chủ động khiêu khích một cuộc chiến tiền tệ.
Việt Nam sẽ ảnh hưởng ra sao?
Nếu xảy ra thì tác động tới nền kinh tế Việt Nam ra sao thưa ông? Tỷ giá USD/VND có đáng lo không?
-Như đã nói, cuộc chiến sẽ thực sự bắt đầu khi Mỹ hành động. Khi đó, trật tự kinh tế mới có thể sẽ hình thành bởi các quốc gia neo giá vào đồng USD hay là đối tác thương mại sẽ buộc phải hành động trước sự phá giá của đồng USD.
Tôi nhấn mạnh đồng USD hơn đồng nhân dân tệ dựa trên mức độ ảnh hưởng của hai đồng tiền này. Nghĩa là, vai trò dẫn dẵn của đồng USD và nước Mỹ trong nền kinh tế thế giới và trên các thị trường tài chính toàn cầu có thể sẽ được định hình lại theo hướng không như nước Mỹ mong đợi, và có thể theo hướng mà Trung Quốc muốn.
Bản thân các quốc gia phụ thuộc thương mại và Mỹ hay Trung Quốc cũng nhận thấy cơ hội để thoát khỏi sự ràng buộc và sẽ tạo ra những xáo trộn.
Với cách tiếp cận đó, tôi nghĩ rằng tỷ giá đồng VND và USD có thể sẽ có những biến động theo chiều hướng tăng trong ngắn hạn. Nhưng dài hạn, trật tự kinh tế mới cũng có nghĩa Việt nam sẽ có những lựa chọn thương mại với nhiều đối tác hơn và đồng Việt nam sẽ không chủ yếu bị chi phối bởi USD hay nhân dân tệ.
Tôi cũng nhận thấy là Việt Nam đang rất tích cực trong việc phát triển các đối tác thương mại mới, các thị trường mới. Đó chính là một phản ứng phù hợp với một cuộc chiến tiền tệ có thể xảy ra.
Ông có cho rằng cuộc chiến tiền tệ nếu xảy ra, còn tác động tiêu cực, nặng nề hơn chiến tranh thương mại?
-Tất nhiên là như vậy. Cuộc chiến thương mại về cơ bản vẫn là giữa Mỹ và Trung Quốc, còn cuộc chiến tiền tệ giống như một cuộc thế chiến. Các nền kinh tế trên thế giới sẽ ngay lập tức chịu tác động bởi sự phá giá đồng USD, nhiều hơn rất nhiều so với đồng nhân dân tệ do mức độ ảnh hưởng của hai đồng tiền này.
Quả thực, tôi không thể hình dung điều gì sẽ xảy ra nhưng nghĩ rằng sẽ có một trật tự kinh tế thế giới mới.
Cú hích đối với nền kinh tế
Việt Nam cần làm gì để ứng phó, giảm thiểu rủi ro nếu xảy ra cuộc chiến này?
-Trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đều là đối tác thương mại lớn của Việt nam, trong đó với Trung Quốc là nhập siêu và với Mỹ là xuất siêu, thì cuộc chiến tranh tiền tệ với Việt nam về mặt toán học có thể sẽ là một tác động tương đối cân bằng.
Nghĩa là tình hình hiện tại chẳng mấy thay đổi. Tuy nhiên, về mặt cá nhân, tôi nghĩ chúng ta không cần quá căng thẳng về nguy cơ một cuộc chiến tiền tệ bởi khi đó chúng ta có nhiều động lực hơn để phát triển các thị trường mới, các đối tác mới.
Ngay cả bản thân nền kinh tế của chúng ta cũng cần một trật tự mới. Chúng ta cần một cú huých từ bên ngoài để thay đổi. Nó giống như việc chúng ta đang ở xuất phát điểm thấp thì rủi ro lớn nhất cũng chỉ là rơi xuống thêm một chút nhưng có cơ hội bật cao. Còn không, nguy cơ bị bỏ xa là rất cao. Như vậy, rủi ro của chúng ta chính là chẳng có gì để thay đổi.
Xin cám ơn ông về những chia sẻ này!
Theo Nguyễn Mạnh/Dân trí (thực hiện)