Bắp màu đỏ nguồn gốc từ Thái Lan được trồng tại vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long có giá gấp gần chục lần bắp thường.
Hơn một tháng nay, trên thị trường xuất hiện loại bắp màu đỏ, có thể ăn sống. Loại này cũng nhanh chóng được cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị nhập về bán với giá 25.000 - 30.000 đồng một trái.
Được đánh giá là có màu sắc bắt mắt, vị ngọt nhưng người tiêu dùng vẫn lo ngại về chất lượng hạt giống, một số khác thì lo mua nhầm hàng biến đổi gene. Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Lý, Giám đốc Trung tâm khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng vùng Nam Bộ (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, bắp này đã được kiểm tra nguồn gốc, không phải hàng biến đổi gene. Chúng có xuất xứ từ Thái Lan do một công ty hạt giống nhập về Việt Nam để trồng khảo nghiệm tại Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Bắp nữ hoàng đỏ có thể ăn sống.
Theo ông Lý, sau khi trải qua cuộc khảo nghiệm để đánh giá sản phẩm, Cục Trồng trọt vừa chính thức công nhận giống ngô nữ hoàng đỏ được lưu thông và trồng trọt, sản xuất tại Việt Nam.
"Đây là giống bắp ngọt đầu tiên tại Việt Nam có thể ăn sống mà không cần phải trải qua chế biến. Bắp đạt chứng chỉ NON-GMO (không biến đổi gen), chỉ được lai tạo với công thức đơn giản", ông Nguyễn Quốc Lý nói.
Tại chuỗi cửa hàng nông sản sạch ở quận Bình Thạnh (TP HCM), bắp đỏ được đặt mua liên tục, có ngày nguồn hàng cung ứng không đủ bán cho khách. Trao đổi với VnExpress, đại diện cửa hàng này cho biết, bắp được nhập về từ Đồng Nai, mỗi ngày cửa hàng bán được 300 - 500 trái, liên tục "cháy hàng" từ giữa tháng 7 đến nay.
Theo quản lý cửa hàng, sở dĩ bắp này bán chạy vì ăn ngon hơn hẳn các loại thông thường. Trong khi các loại bắp truyền thống đa phần phải nấu chín mới ăn được thì bắp này có thể ăn sống. Mặt khác, màu sắc của bắp lạ mắt, vỏ màu xanh có pha lẫn màu đỏ, ruột bắp màu đỏ thẫm. Cửa hàng bán mỗi trái 25.000 đồng, trong khi bắp thường giá tầm 3.000 - 5.000 đồng một trái.
Bán cả nghìn trái mỗi ngày, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch ở Hai Bà Trưng, quận 3 cho biết, dù giá đắt hơn bắp thông thường 5 - 7 lần nhưng được nhiều khách quen đặt mua đều đặn mỗi tuần. Ngoài ăn sống, khách có thể đem nướng, hấp như giống bắp bình thường, hoặc có thể làm sinh tố vì hạt bắp xốp, mọng sữa, giòn sật, khi ăn có cảm giác mát lạnh trong miệng như ăn củ năng.
Theo người dân Đồng Nai, Tiền Giang, bắp nữ hoàng đỏ có thời gian trồng ngắn hơn so với loại thông thường, kháng bệnh tốt nên đang được người trồng ưa chuộng. Tuy nhiên, giống này còn khan hiếm nên người dân mới chỉ trồng ở quy mô nhỏ, theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Tỷ lệ trái loại 1 đạt từ 85% với năng suất trung bình khoảng 10 tấn một ha. Một năm người trồng thu lãi 80 - 120 triệu đồng mỗi ha nếu trồng thường xuyên. Với những hộ đang được bao tiêu sản phẩm, giá thu mua tại vườn 4.500 - 6.000 đồng một trái.
Dù cho giá trị kinh tế cao, nhưng theo ông Nguyễn Quốc Lý, loại này mới chỉ được trồng ở diện tích vài chục ha chứ chưa nhân rộng vì nguồn giống cung ứng không đủ. Mặt khác, muốn nhân rộng diện tích thì người trồng phải kết hợp với doanh nghiệp phân phối để tạo đầu ra và trồng theo chuẩn. Còn nếu trồng đại trà, chất lượng kém thì vẫn khó tiêu thụ.
Theo Hồng Châu/VnExpress