Ngay người trong ngành cũng không chọn khách sạn, nhà khách, trung tâm nghỉ dưỡng của các bộ, ngành, cơ quan trung ương. Vì vậy, cần sớm có chủ trương chuyển đổi, nâng cấp các cơ sở này để phát huy tối đa hiệu quả của khối tài sản công này.
Nhà khách Bộ Văn hóa ở thị xã Cửa Lò, Nghệ An - Ảnh: DOÃN HÒA
Rất nhiều bộ, ngành, cơ quan đoàn thể đang "sở hữu" những nhà khách, nhà nghỉ ở những khu đất đắc địa tại nhiều địa phương nhưng lại sử dụng lãng phí.
Các cơ sở này phần lớn được xây dựng từ vốn ngân sách, không ít đơn vị còn duy trì phong cách phục vụ như thời còn doanh nghiệp "quốc doanh" xa xưa. Với cơ chế hiện nay, dù cho các đơn vị này kinh doanh "tài tình" cũng không thể nào linh hoạt như tư nhân để khai thác tối ưu khối tài sản khổng lồ này, đó cũng là lãng phí.
Nhà cũ nát nằm đất vàng
Bức xúc trước tình trạng lãng phí, nhiều nhà nghỉ, khách sạn của các bộ, ngành chiếm vị trí đất vàng nhưng hoạt động theo phong cách "quốc doanh" xa xưa, kém hiệu quả, ông Nguyễn Văn Đệ - chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa - đã có văn bản gửi tới Thủ tướng đề nghị thanh tra hoạt động của các nhà khách, khách sạn, trung tâm nghỉ dưỡng trực thuộc các bộ, ban ngành, đoàn thể trung ương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Theo đó, riêng Thanh Hóa có 25 nhà khách, khách sạn, trung tâm nghỉ dưỡng thuộc các bộ, ban ngành... và tỉnh Thanh Hóa với diện tích khoảng 223.000m2.
Hầu hết các cơ sở này đều được xây dựng trên những khu đất vàng có giá trị thương mại cao tại TP Sầm Sơn. Tuy nhiên, hầu hết cơ sở vật chất, hạ tầng, trang thiết bị đã xuống cấp, trong khi các nơi này lại có tâm lý trông chờ, ỷ lại, gây lãng phí tài sản, nguồn lực đất đai.
Từ đó, ông Đệ cho rằng cần cổ phần hóa, đấu giá các cơ sở để tăng nguồn thu ngân sách, kích thích đầu tư trong lĩnh vực du lịch của doanh nghiệp trong và ngoài nước bởi tình trạng trên không chỉ có ở Thanh Hóa.
Tọa lạc ở những khu đất vàng nhưng cơ sở vật chất lại lạc hậu, cũ kỹ nên ngay công chức các bộ, ngành cũng không đến sử dụng, vì thế hiệu quả kinh doanh càng kém. Nhiều khu nghỉ dưỡng của bộ, ngành phải cho thuê trá hình, dẫn đến lãng phí tài sản công, thất thu thuế nhà nước.
Nhưng việc xử lý khối tài sản này không thống nhất. Như Bộ Kế hoạch - đầu tư trả lại cho UBND tỉnh Thanh Hóa nhà khách của bộ tại Sầm Sơn. Tỉnh này không sắp xếp, chuyển đổi theo quy định của Chính phủ mà giữ luôn lại làm nhà khách tỉnh ủy dù tỉnh này đã có hệ thống nhà khách tỉnh ủy từ trước đó.
Với trường hợp Bộ GTVT trả lại Thanh Hóa khu khám chữa bệnh và nghỉ dưỡng của bộ tại Sầm Sơn, đến nay một phần cơ sở này đã được đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản trên đất để nộp ngân sách nhà nước.
Khai thác khối tài sản ngàn tỉ đồng
TS Vũ Đình Ánh - Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả, Bộ Tài chính - cho rằng hệ thống nhà khách, khách sạn này có cả ở các cơ quan trung ương, bộ, ngành. Đặc biệt Tổng liên đoàn Lao động VN có cả một hệ thống khách sạn, nhà khách công đoàn trải khắp các tỉnh, thành trên cả nước.
Nhưng nhiều cơ sở đã quá cũ nát, khó hoạt động hiệu quả và đóng thuế. Vì vậy, cần cơ chế chung để xử lý tất cả các hệ thống nhà khách, khách sạn, khu nghỉ dưỡng của các bộ, ngành, cơ quan trung ương. Do đây là các đơn vị sự nghiệp công lập nên cần xử lý theo cơ chế chung chuyển các đơn vị sự nghiệp sang công ty cổ phần.
Còn theo ông Nguyễn Văn Đính - phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản VN, để khai thác hiệu quả hệ thống nhà khách, khách sạn của bộ, ngành, cơ quan trung ương hiện nay phải nâng cấp, đầu tư mới hệ thống nói trên để phục vụ hiệu quả nhu cầu nghỉ dưỡng và kinh doanh dịch vụ du lịch.
Đồng thời, tạo cơ chế huy động vốn tư nhân thông qua hợp tác, góp vốn kinh doanh để cải tạo, nâng cấp và xây mới hệ thống này. Như vậy cán bộ, công chức, người lao động bộ, ngành vẫn có thể sử dụng dịch vụ các nhà khách, khu nghỉ dưỡng với giá ưu đãi riêng, mặt khác các khu này vẫn có thể nâng cấp để kinh doanh, khai thác dịch vụ lưu trú bình thường.
"Cơ chế này vừa nâng cấp được hạ tầng các nhà khách, khách sạn, khu nghỉ dưỡng đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng từng ngành, đồng thời nâng cấp được hạ tầng chung của ngành du lịch và vẫn thu được thuế" - ông Nguyễn Văn Đính nói.
Yêu cầu báo cáo những đóng góp cụ thể Để đánh giá hiệu quả hoạt động của hệ thống nhà khách, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, Bộ Tài chính vừa đề nghị các cơ quan báo cáo về tổ chức bộ máy, số lượng phòng ban, cán bộ nhà nước, nhân viên, lao động hợp đồng, biên chế nhà nước. Ngoài ra, báo cáo tình hình tổ chức sản xuất kinh doanh của nhà khách, khách sạn, kết quả thu chi tài chính trong 3 năm (2016 - 2018), doanh thu không bao gồm phần ngân sách cấp, việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đất đai, tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp. |
Bộ ngành không nên kinh doanh khách sạn, nhà khách Nhà khách của Trung ương Hội Nông dân VN ở thị xã Cửa Lò, Nghệ An - Ảnh: D.HÒA Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đặng Quyết Tiến - cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) - cho biết việc một số bộ ngành có khách sạn, nhà khách... ở các địa phương là do lịch sử để lại. Tuy nhiên, các bộ ngành, địa phương không nên kinh doanh khách sạn, nhà khách, việc này nên giao cho doanh nghiệp. Vì vậy cần rà soát khối tài sản này để có phương án xử lý phù hợp, đặc biệt là không để lãng phí tài nguyên đất đai. Hướng xử lý là cổ phần hóa chuyển sang cho doanh nghiệp kinh doanh, hoặc bàn giao đất sẽ cho địa phương quản lý để sử dụng đúng mục đích. Nếu xét thấy nhà khách, khách sạn đó sử dụng, khai thác không hiệu quả, địa phương có phương án bán đấu giá để lấy nguồn đầu tư phát triển cho địa phương. LÊ THANH |
Cổ phần hóa phải tính toán lại đất Sau 1 năm thực hiện cơ chế chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL), trong đó có các nhà nghỉ, khách sạn trực thuộc bộ, ngành, đoàn thể sang công ty cổ phần, trong số 58.000 ĐVSNCL, đến cuối năm 2018 mới chỉ đạt trên 50 đơn vị, tỉ lệ 0,09%. Ông Đặng Quyết Tiến - cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) - cho biết tại cuộc họp báo chiều 5-8 về kết quả cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước 6 tháng đầu năm, trong đó nội dung quan trọng là chuyển đổi ĐVSNCL thành công ty cổ phần. Ông Tiến cho biết Bộ Tài chính đang hoàn tất dự thảo nghị định về cổ phần hóa ĐVSNCL. Theo đó, các ĐVSNCL thuộc Chính phủ, bộ, ngành, tỉnh, doanh nghiệp nhà nước... sẽ thực hiện cổ phần hóa. Điều kiện chuyển đổi được là đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư hoặc chi thường xuyên trong năm gần nhất. Đồng thời, ĐVSNCL còn vốn nhà nước sau khi đã xử lý tài chính và xác định lại giá trị ĐVSNCL. Cuối cùng là ĐVSNCL hoạt động lĩnh vực thuộc danh mục ngành, lĩnh vực chuyển đổi do Thủ tướng quyết định. Một vấn đề lớn nhất khi cổ phần hóa ĐVSNCL, theo ông Tiến, là sắp xếp, xử lý nhà, đất do chưa có quy định về vấn đề này. Do vậy cần phải tính toán lại theo hướng khi chuyển sang công ty cổ phần sẽ thuê đất để doanh nghiệp hoạt động. LÊ THANH |
Theo Bảo Ngọc/Tuổi trẻ