Kinh phí lắp đặt thu phí tự động không dừng giai đoạn 1 là 1.700 tỷ đồng dù có lấy ở đâu thì gánh nặng vẫn đè nặng lên người dân, người dùng dịch vụ...
Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện gửi một số bộ, ngành, các địa phương, đơn vị liên quan về đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống thu phí giao thông đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng (Etag). Thủ tướng yêu cầu, chậm nhất trước ngày 31/12/2019 chuyển sang thu phí tự động đối với tất cả các trạm thu phí trên toàn quốc.
Thủ tướng yêu cầu, chậm nhất trước ngày 31/12/2019 chuyển sang thu phí tự động đối với tất cả các trạm thu phí trên toàn quốc.
Bộ GTVT đã xác định tổng vốn đầu tư để lắp đặt thu phí không dừng tại 44 trạm BOT trên toàn quốc trong giai đoạn 1 là 1.700 tỷ đồng. Câu hỏi đặt ra là số vốn đầu tư này sẽ được lấy ở đâu? Mặc dù phương án được xây dựng trên cơ sở pháp lý của hình thức đầu tư dự án BOO (Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh).
Phân tích một cách khách quan, nguồn vốn đầu tư dự án lắp đặt thu phí không dừng suy cho cùng lấy ở đâu thì cũng đều dồn lên vai người dân. Bởi, khi nhà đầu tư BOT phải chia % nguồn thu cho các nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng, có nghĩa họ phải tăng thêm thời gian thu phí để đảm bảo phương án tài chính.
Với hơn 1.700 tỷ đồng ở giai đoạn 1, cộng với giai đoạn 2 triển khai ở tất cả các dự án, số thời gian tăng thêm của các trạm thu phí sẽ tăng lên thêm vài chục năm. Đây là sự thật.
Đại diện Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam cho rằng, dù tỷ lệ ăn chia giữa nhà đầu tư BOT với nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng – ETC có tỷ lệ là 2,1%, 4,15% và thậm chí có nơi 7% thì số % đều cộng dồn vào phương án tài chính của dự án.
Bộ GTVT cũng chưa một lần làm rõ tổng mức đầu tư 1.700 tỷ đồng cho thu phí không dừng là số tiền ai phải bỏ ra?
Sau đó, phía nhà đầu tư BOT sẽ ngồi lại với Tổng Cục đường bộ Việt Nam để tính toán lại số năm thu phí và chắc chắn dự án BOT nào cũng sẽ tăng thêm thời gian thu để bù cho vào chi phí lắp đặt thu phí không dừng này.
Ông Đặng Văn Đại – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội các Nhà đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ Việt Nam lấy dẫn chứng cụ thể như tại tuyến BOT Cam Thịnh (Khánh Hòa) trên Quốc lộ 1, theo biên bản hiện hai bên đang ký kết sẽ làm tăng thêm 390 tỷ đồng để chi cho thu phí không dừng.
“Việc tăng thêm 390 tỷ đồng này đương nhiên là chưa có trong hợp đồng BOT đã ký trước đó. Điều này sẽ dẫn đến 2 việc, thứ nhất là phá vỡ phương án tài chính ban đầu, nếu chia ra với mức thu phí như hiện nay nhà đầu tư sẽ thu phí thêm 1 năm 7 tháng để bù vào. Tuy nhiên, để được thu thì nhà đầu tư lại sẽ phải ký lại hợp đồng BOT sau khi đã tính toán, có thêm điều khoản ký hợp đồng thu phí không dừng. Hệ lụy của việc thêm thời gian thu phí này người dân chịu, doanh nghiệp chịu, chi phí xã hội tăng lên…”, ông Đại phân tích.
Với hơn 1.700 tỷ đồng ở giai đoạn 1, cộng với giai đoạn 2 triển khai ở tất cả các dự án, số thời gian tăng thêm của các trạm thu phí sẽ tăng lên thêm vài chục năm. Đây là sự thật.
Tuy nhiên, theo Tổng thư ký Hiệp hội các Nhà đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ Việt Nam, với chủ trương của Bộ GTVT và Tổng cục ĐBVN đưa ra và cách thức triển khai trên thực tế của các Dự án BOO nói chung (thu phí không dừng), các doanh nghiệp đầu tư BOT còn gặp khó khăn trong việc giám sát số lượng xe qua lại trạm thu phí và giám sát đơn vị thu phí tự động nhằm đảm bảo khách quan. Điều này khiến các doanh nghiệp dự án cảm thấy chưa đủ sự tin tưởng đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí để triển khai thu phí tự động.
“Bất hợp lý trong khi dùng phương án tài chính của Nhà đầu tư dự án BOO lập để áp đặt vào phương án tài chính của dự án BOT đã hoàn thành trước đó (khi chưa được điều chỉnh phương án tài chính của Hợp đồng BOT)…”, Tổng thư ký Hiệp hội các Nhà đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ Việt Nam cho biết.
Thu phí tự động lẽ ra phải bớt được số năm thu phí đi, nhưng nghe nói là lại phải tăng thời gian để bù vào chi phí lắp đặt hệ thống. Như vậy là người dân quá mệt mỏi.
Đại diện Hiệp hội các Nhà đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ Việt Nam khẳng định, các doanh nghiệp dự án/Nhà đầu tư BOT hoàn toàn có thể tự triển khai lắp đặt và vận hành thiết bị thu phí tự động không dừng tại trạm theo các tiêu chuẩn kỹ thuật đồng bộ do cơ quan Nhà nước ban hành.
Nhưng, hiện tại toàn bộ công tác đầu tư lắp đặt thiết bị thu phí ETC đã tính trong phương án tài chính của dự án BOO và do nhà đầu tư BOO được Bộ GTVT chỉ định trúng thầu lắp đặt không thông qua đám phán giá mà thông qua các mệnh lệnh từ Tổng cục ĐBVN để bắt buộc các doanh nghiệp dự án BOT phải dừng thu phí, ép buộc tiếp tục đàm phán với Bộ GTVT là không tuân thủ theo quy định pháp luật.
Việc triển khai ETC mới chỉ nhìn đến việc đảm bảo quyền lợi của Nhà đầu tư BOO mà chưa tính đến các rủi ro của doanh nghiệp dự án BOT.
Không riêng gì những nhà đầu tư BOT nhìn rõ bản chất của phương án tài chính cho thu phí không dừng, ngay cả người dân, doanh nghiệp quá hiểu rõ họ đang phải chịu sức ép về chi phí BOT nói chung như thế nào.
Anh Võ Duy Phong – Lái xe Công ty TNHH Quang Thư – Tỉnh Quảng Nam cho rằng, thu phí tự động không dừng hay thu phí lượt (vé) qua trạm thì lái xe cũng không thể trốn được. Thu phí tự động lẽ ra phải bớt được số năm thu phí đi, nhưng nghe nói là lại phải tăng thời gian để bù vào chi phí lắp đặt hệ thống. Như vậy là người dân quá mệt mỏi.
“Nếu mà giao cho BOT hết thì nên bỏ phí bảo trì đường bộ đi chứ thu gì 2, 3 khoản chồng chất lên nhau, doanh nghiệp người ta cũng khó. Như bọn tôi đi từ miền Nam ra miền Bắc tiền phí cầu đường không đã hơn 6 triệu rồi, mà cước vận chuyển không thể lên được. Đầu tư bao nhiêu tiền mua xe không lẽ không đi làm...”, anh Phong ngao ngán.
Điều khó hiểu là ngay từ khi bắt đầu xây dựng đề án cũng như bắt tay triển khai dự án thu phí không dừng theo hình thức BOO, cho đến nay, phía Bộ GTVT cũng chưa một lần làm rõ tổng mức đầu tư 1.700 tỷ đồng cho thu phí không dừng là số tiền ai phải bỏ ra?
Các nhà đầu tư BOT thì cho rằng số tiền này sẽ cộng dồn vào chi phí phát sinh trong phương án tài chính của họ còn các nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng thì sẽ khấu trừ % trong thu phí của các trạm BOT.
Rõ ràng, sự mập mờ này đang cần được làm rõ và minh bạch hóa như về các dự án BOT hiện nay./.
Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện gửi một số bộ, ngành, các địa phương, đơn vị liên quan về đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống thu phí giao thông đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng (Etag). Theo Công điện, trong thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai hệ thống thu phí theo hình thức ĐTTĐKD, đạt kết quả bước đầu. Tuy nhiên, tiến độ triển khai còn rất chậm, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Để sớm chuyển sang thực hiện thu phí theo hình thức này, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia giao thông và minh bạch hoạt động thu phí, Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị với mốc chậm nhất trước ngày 31/12/2019 chuyển sang thu phí tự động đối với tất cả các trạm thu phí trên toàn quốc. Trong đó, các bộ, địa phương phải yêu cầu nhà đầu tư dừng hoạt động thu phí đối với các dự án có trạm thu phí không chuyển sang thu tự động không dừng. Bộ GTVT giám sát, kiểm tra, đảm bảo hệ thống thu phí tự động không dừng hoạt động tin cậy, không có sự cố…Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại kết nối tài khoản ngân hàng với tài khoản phục vụ công tác thu phí theo hình thức thu phí tự động không dừng của chủ phương tiện giao thông, đảm bảo liên thông, thuận lợi, an toàn. Công điện nêu rõ, Bộ trưởng Bộ GTVT, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về tiến độ chuyển sang thu phí ĐTTĐKD đối với các trạm thu phí thuộc phạm vi quản lý, báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện trước ngày 30/11/2019. |
Theo Phi Long/VOV.VN