Lợi dụng việc tạo thuận lợi xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa khi Việt Nam ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA), tội phạm gian lận xuất xứ hàng hóa ngày càng nhiều. Theo tiết lộ của Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), ít nhất 6 doanh nghiệp có kim ngạch XNK tăng đột biến 6 tháng đầu năm 2019 đang bị điều tra.
Vụ bắt giữ kho chứa 280 kiện hàng nghi giả mạo xuất xứ Thái Lan tại Lạng Sơn ngày 7/7
Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm ngày 15/7 của Tổng cục Hải quan, ông Nguyễn Phi Hùng, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, vấn nạn lợi dụng xuất xứ của Việt Nam để xuất hàng đi các nước, lợi dụng xuất xứ của các nước nhập vào Việt Nam để hưởng ưu đãi đang ngày càng nhức nhối. Việc chống lợi dụng, kiểm soát loại hình tội phạm này là nhiệm vụ chung của Hải quan tất cả các nước, không riêng Việt Nam.
Đáng chú ý, theo ông Hùng, Cục Điều tra chống buôn lậu đã tập trung vào 6 doanh nghiệp (DN) lớn có biểu hiện nghi vấn. Những DN này có kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu từ Trung Quốc để xuất đi Mỹ và một số nước tăng đột biến trong năm 2018 và nửa đầu năm 2019. Trong đó, nổi lên là các mặt hàng gỗ ván ép với kim ngạch có DN lên tới 200 tỷ đồng trong năm 2018.
Bước đầu, cơ quan điều tra xác định các DN này sử dụng hợp đồng mua bán ký khống, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả nhằm chứng minh nguyên liệu gỗ được sản xuất tại Việt Nam; sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng mua keo, bạch đàn, bột mì cho nhiều tờ khai quay vòng hóa đơn để xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O). Tổng lượng keo, bột mì trong tờ khai vượt quá số lượng trong hóa đơn giá trị gia tăng.
“Chúng tôi đã xác minh, làm việc với chính quyền một số địa phương, buộc họ thừa nhận đã ký khống hợp đồng mua bán keo với các DN để các DN xin C/O xuất gỗ đi nước ngoài. Đa phần các hộ dân khẳng định chưa được cấp đất trồng có số lô, số thửa như ghi trong hợp đồng; chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để trồng rừng, khai thác lâm sản. Ngoài ra, một số bản kê lâm sản, bản kê khai thác không ghi ngày tháng, không hợp lệ nhưng cơ quan cấp phép vẫn làm thủ tục cho họ cấp C/O”, ông Hùng cho hay.
Dẫn chứng cho thủ đoạn này, ông Hùng đưa ra Cty Hữu Nghĩa ở Lạng Sơn nhập hàng nghìn sản phẩm gia dụng từ Trung Quốc nhưng ghi sản xuất Việt Nam; Có công ty nhập khẩu khóa Việt – Tiệp là nhãn hiệu nổi tiếng của Việt Nam nhưng sản phẩm nguyên chiếc lại có nguồn gốc từ Trung Quốc; Một số sản phẩm phòng chống cháy nổ của nước ta cũng được sản xuất, nhập khẩu từ Trung Quốc. Thậm chí, có công ty nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc nhưng ghi sẵn nhãn mác hàng hóa nổi tiếng trên thế giới; Cty Trần Vượng ở TP.HCM nhập khẩu hàng tỷ đồng mặt hàng loa, âm ly mang nhãn hiệu Nonamax – sản phẩm đã được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ ở Việt Nam nhưng trên nhãn lại ghi sản xuất tại Trung Quốc.
“Tổng cục Hải quan và cục Hải quan các địa phương sẽ điều tra bổ sung thêm để xử lý 6 DN trên về hành vi vi phạm xin cấp C/O. Đồng thời, điều tra mở rộng thêm dấu hiệu hoàn thuế giá trị gia tăng với số lượng rất lớn, trong đó có DN được hoàn thuế từ 12-34 tỷ đồng”, Cục trưởng Nguyễn Phi Hùng cho biết thêm.
Cũng theo Cục Điều tra chống buôn lậu, do các vụ việc này đều đang trong quá trình điều tra nên chưa thể tiết lộ thêm thông tin, cũng như chưa thể khẳng định có dấu hiệu tiếp tay của cơ quan chức năng.
Ông Lưu Mạnh Tưởng, Cục trưởng Cục Thuế Xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan cũng cho hay, 6 tháng đầu năm 2019, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ tổng 8.933 vụ việc vi phạm trong lĩnh vực hải quan, thu vào ngân sách nhà nước (NSNN) 157 tỷ đồng. Trong đó, riêng ngành Hải quan đã ban hành 20 quyết định khởi tố, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 51 vụ việc.
Theo Tuấn Nguyên/Tiền phong