Việc phân chia lợi nhuận 10% giá trị sản phẩm thu được từ mủ cao su cho người dân góp đất với doanh nghiệp trồng cao su vẫn chưa được thực hiện đầy đủ.
Thực tế chứng minh, từ khi dự án trồng cây cao su được triển khai trên địa bàn tỉnh Điện Biên, nhất là một số diện tích đã cho thu hoạch mủ, càng khẳng định những lợi ích kinh tế từ cây cao su, mở ra cơ hội việc làm cho người dân.
Lần đầu tiên vào cuối năm 2016, đầu năm 2017, Công ty cổ phần Cao su Điện Biên đã mở cạo khai thác trên diện tích hơn 630ha, thu được gần 600 tấn mủ khô. Năng suất, chất lượng mủ được đánh giá rất tốt, đạt tiêu chuẩn của Tập đoàn Cao su Việt Nam.
Năm 2018 diện tích Công ty đưa vào khai thác lên tới hơn 1.200ha, sản lượng 950 tấn mủ quy khô. Trong năm nay, Công ty sẽ tiếp tục đưa vào khai thác hơn 500 ha, ước sản lượng thu khoảng 1.600 tấn mủ quy khô.
Việc cao su được khai thác mủ đã tiếp thêm niềm tin, hi vọng mang lại cuộc sống no ấm cho người dân. Tuy nhiên hiện nay, mong muốn lớn nhất của người dân góp đất trồng cao su là đến ngày cao su cho khai thác và được phân chia lợi tức để ổn định cuộc sống.
Việc cao su được khai thác mủ đã tiếp thêm niềm tin, hi vọng mang lại cuộc sống no ấm cho người dân.
Theo ông Lù Văn Mấng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, hơn 80 hộ gia đình trên địa bàn tham gia làm công nhân trong đội hiện đều có thu nhập ổn định, đời sống khấm khá. Người tham gia làm công nhân cũng đều được đóng bảo hiểm, hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, điều trăn trở nhất là hiện nay dù số lượng mủ khai thác tương đối nhiều, song người dân góp đất trồng cao su tại xã vẫn chưa được hưởng tiền phân chia giá trị sản phẩm với công ty, hoặc có thì rất thấp.
“Cao su trên địa bàn hầu hết đều phát triển tốt, cho năng suất mủ cao. Người dân vẫn đồng tình trồng cây cao su. Chúng tôi nhận thấy, cây cao su có thu nhập cao đã xuất bán đi rất nhiều nhưng tiền mang về cho dân chưa có, chưa chi trả cho dân. Chúng tôi kiến nghị, đề xuất là công ty cao su chia sản phẩm càng sớm càng tốt cho người dân”, ông Lù Văn Mấng nói.
Những hoài nghi của người dân về cây cao su giờ đã không còn, mà thay vào đó là sự yên tâm, tin tưởng. Song việc phân chia giá trị sản phẩm giữa người dân góp đất trồng cao su với công ty vẫn chưa triển khai được. Hiện nay, việc người dân được hưởng 10% giá trị sản phẩm từ mủ cao su vẫn chưa được triển khai chi trả đầy đủ.
Ông Ngô Xuân Chinh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Điện Biên cho biết: Theo biên bản ký kết thì tỷ lệ ăn chia sản phẩm theo mủ cao su tươi. Tuy nhiên, thực tế khi bán lại bán cao su sản phẩm, tức là mủ cao su khô dẫn đến việc quy đổi này vẫn chưa được Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên thống nhất về quy đổi, dẫn đến việc thống nhất về ăn chia cũng chưa xác định được.
"Ủy ban Nhân dân tỉnh và Tập đoàn Cao su Việt Nam thống nhất là xác định năng suất bình quân của từng huyện thị làm cơ sở ăn chia, tuy nhiên trong quá trình thực hiện đã nảy sinh thắc mắc người dân giữa các địa phương. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị, Ủy ban Nhân dân tỉnh thống nhất Tập đoàn Cao Su điều chỉnh lại việc tính theo năng suất bình quân của toàn tỉnh để tránh việc người dân so bì”, ông Chinh nêu ý kiến.
Tuy nhiên hiện nay mong muốn lớn nhất của người dân góp đất trồng cao su là đến ngày cao su cho khai thác và được phân chia lợi tức để ổn định cuộc sống.
Về phía Công ty cổ phần cao su Điện Biên, để đảm bảo quyền lợi của người dân, Công ty đã chi trả tạm ứng 80% giá trị sản phẩm theo mức tạm tính giá mủ quy khô năm 2017, với số tiền gần 1,2 tỷ đồng. Theo phương án phân chia sản phẩm được ký kết giữa Tập đoàn Cao su Việt Nam và Ủy ban Nhân dân tỉnh Ðiện Biên, đã có quy định rất cụ thể về phương thức thanh toán.
Sau khi đánh giá được năng suất, sản lượng mủ cao su khai thác, tháng 6/2018, Công ty cổ phần cao su Điện Biên đã gửi hồ sơ, giấy tờ, phương án tính giá sang Sở Tài chính để thẩm định giá. Trên cơ sở đó, Công ty tiến hành chi trả toàn bộ tiền lợi tức cho người dân góp đất trồng cao su năm 2017. Song đến nay Sở Tài chính tỉnh Điện Biên vẫn chưa thẩm định xong giá, có nghĩa là việc chia trả tiền giá trị sản phẩm người dân vẫn chưa thực hiện được đầy đủ.
Ông Phan Văn Lợi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần cao su Điện Biên cho biết: “Năm 2017, chúng tôi đã trình nhưng Sở Tài chính chưa thẩm định xong, đang còn một số vướng mắc, chúng tôi đã chi 80% tạm ứng cho dân. Năm 2018, chúng tôi đã trình phương án này để chi trả sản phẩm của 2018. Khi Sở Tài chính thẩm định xong giá, chúng tôi chi tiếp 20% còn lại cho dân. Năm 2018, chúng tôi đã trình phương án, dự kiến nếu xong thì có thể chi trả cuối tháng 6 và đầu tháng 7 sản phẩm của 2018”.
Vui mừng, phấn khởi là tâm trạng chung của nhiều người dân góp đất trồng cao su. Ðây là lúc người dân nghĩ về việc phân chia giá trị sản phẩm với sông ty. Song đến nay, người dân góp đất trồng cao su tại Điện Biên vẫn chưa được hưởng niềm vui trọn vẹn vì chưa nhận được chi trả tiền lợi tức từ việc góp đất hoặc có thì rất thấp. Do đó, đẩy nhanh công tác thẩm định giá cao su là việc làm cần thiết hiện nay./.