BGTV- Trong những năm qua, dự án Lcasp tỉnh Bắc Giang đã hỗ trợ, giúp cho các hộ nông dân khá hiệu quả trong việc xử lý nguồn chất thải. Một trong số đó có mô hình tận dụng nước thải sau xử lý biogas, tưới tiết kiệm cho cây ăn quả, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi được người dân huyện Lục Nam đánh giá rất cao.
Từ cuối năm 2015, gia đình anh Phạm Văn Huấn, ở thôn Tân Thành, xã Trường Sơn, huyện Lục Nam thực hiện chăn nuôi lợn thương phẩm, theo đó bình quân mỗi năm có từ 2-3 lứa, mỗi lứa khoảng 60 con. Lượng chất thải từ việc chăn nuôi của gia đình anh lên đến hàng trăm m3 mỗi tháng, nên đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình và các hộ xung quanh. Được tiếp cận với dự án LCASP, cách đây 1 năm gia đình anh được hỗ trợ kinh phí xây dựng bể, hệ thống tưới nhỏ giọt tận dụng nguồn nước thải sau xử lý biogas để tưới cho cây trồng. Từ khi bể đi vào hoạt động, chất thải chăn nuôi được xử lý cho vào bể, nước thải qua xử lý được đem tưới cho hơn 500 cây bưởi của gia đình. Hệ thống tưới nhỏ giọt này được vận hành đã giúp gia đình anh Huấn tiết kiệm được rất nhiều nhân công, chỉ cần 15-20 phút là tưới xong 500 gốc bưởi, trong khi đó trước đây trung bình từ 3 đến 4 ngày mới tưới xong diện tích cây trồng của mình. “Từ khi gia đình được hỗ trợ mô hình tưới tiết kiệm, gia đình tôi không những giải quyết vấn đề môi trường mà còn tiết kiệm nước tưới lên đến 70% lượng nước cho cây trồng, nhân công cũng giảm, kinh phí mua phân bón cho cây trồng cũng giảm được 30% so với trước đây” – Anh Huấn cho biết.
Hệ thống tưới nhỏ giọt sử dụng nước thải sau biogas giúp các hộ tiết kiệm đến 70% nước tưới
Cùng với gia đình anh Phạm Văn Huấn, thôn Tân Thành, xã Trường Sơn, còn có 4 hộ gia đình khác ở các xã Lục Sơn, Bình Sơn và Vô Tranh huyện Lục Nam được Dự án hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp hỗ trợ kinh phí xây dựng bể, hệ thống tưới nhỏ giọt tận dụng nguồn nước thải sau xử lý biogas để tưới cho cây trồng. Các mô hình khi đưa vào sử dụng đã góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, được người dân địa phương miền núi ghi nhận và đánh giá rất cao. Đặc biệt, nước thải sau công trình khí sinh học được dùng tưới cho cây trồng có lượng dưỡng chất cao, nhất là các mầm bệnh đã cơ bản được tiêu hủy đã giúp cây trồng phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh hại, tạo điều kiện để các hộ dân phát triển kinh tế, tăng thêm thu nhập. “Mô hình này rất phù hợp với đồng bào miền núi, bởi nguồn nước ít ngầm ít, trong khi đó mô hình lại tiết kiệm 70% nước tưới so với tưới thẳng như trước” – Anh Nguyễn Văn Việt, thôn Trại Ổi, xã Trường Sơn chia sẻ.
Để người chăn nuôi hiểu và nắm rõ quy trình vận hành cũng như sử dụng nguồn nước thải đảm bảo an toàn cho cây trồng, Ban quan lý dự án Lcasp cũng đã tổ chức tập huấn cho các hộ chăn nuôi về hiệu quả sử dụng giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ nguồn nước thải chăn nuôi; các thành viên là cán bộ phụ trách kỹ thuật dự án đã được huy động về cơ sở nhằm giám sát, kiểm tra và hướng dẫn bà con nhân dân vận hành. Chỉ tính riêng năm 2018, BQL dự án đã hỗ trợ bà con chăn nuôi trên địa bàn toàn tỉnh 12 mô hình, đưa tổng số lên khoảng 30 mô hình. Theo ông Nguyễn Đăng Bắc - Cán bộ phụ trách kỹ thuật Dự án LCASP Bắc Giang cho biết, mô hình nước tưới tiết kiệm có tận dụng nước thải sau biogas sử dụng rất thuận lợi, bởi được thiết kế bằng hệ thống bể, nước thải sau biogas qua nhiều bể, tạo lắng lọc, người dân chỉ việc sử dụng hệ thống điều chỉnh để pha tỷ lệ là tưới được cho cây trồng, ngoài ra hệ thống còn sử dụng tưới nước sạch độc lập.
Mô hình tưới tiết kiệm sử dụng nước thải sau biogas được các hộ nông dân huyện Lục Nam đánh giá cao
Mặc dù được đánh giá cao trong việc bảo vệ môi trường, tăng hiệu quả kinh tế cho người dân miền núi, nhưng mô hình bể biogas và hệ thống tưới nhỏ giọt này vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: phần bể chứa nước trong sau khi xử lý vẫn chưa được thiết kế hoàn chỉnh khi thiếu nắp đậy, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Bên cạnh đó, máy bơm được hỗ trợ có công suất nhỏ khiến lực đẩy cho hệ thống tưới nhỏ giọt yếu. Nếu khắc phục được những hạn chế này, mô hình tận dụng nước thải sau xử lý biogas, tưới tiết kiệm cho cây ăn quả sẽ càng hiệu quả hơn nữa.
Có thể thấy, Dự án hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp được triển khai đã mang lại hiệu quả tích cực, bước đầu giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và bảo vệ môi trường nông thôn. Thời gian tới, để thực hiện dự án đạt kết quả tốt nhất, Ban Quản lý dự án LCASP Bắc Giang đề nghị phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện, thành phố tiếp tục quan tâm phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong triển khai các hoạt động của dự án, tạo điều kiện thuận lợi để kỹ thuật viên thực hiện tốt nhiệm vụ. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ cũng như hiệu quả, lợi ích của dự án, qua đó có nhiều người dân được tiếp cận dự án. Các hộ chăn nuôi cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề xử lý môi trường, bảo đảm sức khỏe bản thân và cộng đồng; tìm hiểu và áp dụng công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi triệt để, giảm thiểu ô nhiễm môi trường./.
PV/BGTV