Nhiều hộ chăn nuôi ở Quảng Ninh đã tạm thời chuyển sang nuôi gia cầm, thủy cầm trong thời gian chờ tái đàn lợn.
Tại thị xã Đông Triều, vùng chăn nuôi lợn lớn nhất tỉnh Quảng Ninh, đầu tháng 3 vừa qua, xã Yên Đức là nơi phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh. Là một trong những hộ bị thiệt hại nặng nề do dịch bệnh với gần 118 con lợn phải tiêu hủy, gia đình bà Trịnh Thị Nụ đã dành 1 tháng để cách ly, làm vệ sinh môi trường khu vực chuồng trại trước khi chuyển sang nuôi ngan và gà, chờ tái đàn lợn.
“Trước tôi không nuôi ngan nhưng sau khi lợn chết thì gia đình nuôi bổ sung thêm ngan, vừa rồi xuất bán 300 con ngan được gần 60 triệu. Gà cũng được gia đình nuôi tăng số lượng lên gần 800 con, nếu xuất bán 400 gà cũng được trên dưới 100 triệu. Đây là những bước chuẩn bị để gia đình khôi phục lại đàn lợn sau dịch tả châu Phi”, bà Nụ cho biết.
Chuồng lợn được nhiều hộ chăn nuôi ở Đông Triều, Quảng Ninh cải tạo tạm thời để phát triển đàn gia cầm.
Gia đình anh Bùi Thanh Tiệp (xã An Sinh, thị xã Đông Triều) cũng là hộ chăn nuôi thiệt hại nặng nề do dịch tả lợn châu Phi, với hơn 400 con lợn phải tiêu hủy. Tuân thủ khuyến cáo của ngành chức năng, gia đình anh đã cải tạo chuồng lợn thành lò ấp và nuôi ngan. Hiện anh có 250 con ngan mới nở và đàn ngan thương phẩm 400 con chờ xuất bán.
“Từ khi nuôi ngan, tôi cũng tìm hiểu con giống rõ nguồn gốc cũng như tiêm vắc xin đầy đủ phòng bệnh, đảm bảo thức ăn nước uống để ngan ít bệnh tật”, anh Tiệp chia sẻ.
Trước khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát, Đông Triều là vùng chăn nuôi lợn lớn nhất tỉnh Quảng Ninh với tổng đàn trên 93.000 con. Tuy nhiên, đã có gần 1/2 đàn lợn của Đông Triều bị buộc tiêu hủy do dịch bệnh, ảnh hưởng đến hàng ngàn hộ chăn nuôi.
Không vội vã tái đàn đề phòng dịch bệnh tái phát, ngành nông nghiệp Đông Triều đã vận động và hướng dẫn 150 hộ dân có điều kiện chuyển đổi sang nuôi gia cầm. Hiện tổng đàn gia cầm tại địa phương khoảng 700.000 con gà, vịt, ngan...
Lực lượng thú y chủ động hỗ trợ người chăn nuôi trong phòng dịch bệnh cho gia cầm, thủy cầm.
Ông Đặng Đình Thắng, Trưởng phòng kinh tế thị xã Đông Triều cho biết, ngành chức năng đã chủ động xuống từng hộ gia đình, hướng dẫn cải tạo chuồng trại, cung cấp thuốc thú y và tăng cường kiểm soát dịch bệnh để tránh "thiệt hại kép" cho người chăn nuôi.
“Thời điểm hiện nay, Đông Triều đang tập trung cho việc hỗ trợ các địa phương, các hộ dân nuôi lợn chuyển sang nuôi sang gia cầm, thủy cầm ở những vùng đã được quy hoạch, có truyền thống phát triển ngành chăn nuôi này để đáp ứng cho nhu cầu thị trường từ nay đến cuối năm. Huyện cũng khuyến cáo người nông dân nuôi ở mức độ hợp lý, tránh dư thừa quá lớn thực phẩm gia cầm, thủy cầm”, ông Thắng cho biết./.
Theo Trường Giang/VOV.VN