Muốn "nâng" thị trường chứng khoán lên thì phải thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia, quyền lợi của nhà đầu tư phải được bảo vệ...
Việc sửa Luật Chứng khoán không chỉ để hội nhập, nâng hạng, mà phải xử lý được thực trạng mất cân đối nguồn vốn hiện nay đối với nền kinh tế.
Theo một số đại biểu Quốc hội, tiêu chí đặt ra đối với dự Luật Chứng khoán được sửa đổi lần này theo hướng minh bạch cho nhà đầu tư cũng như góp phần giải bài toán vốn ngoại với chứng khoán Việt Nam.
Song, vẫn có ý kiến băn khoăn cho rằng, với tiêu chí đặt ra như vậy, liệu đã phù hợp chưa và cần có những quy định như thế nào để Luật chứng khoán sửa đổi đảm bảo tính minh bạch, quyền lợi cho nhà đầu tư và phải thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia. Muốn nâng tầm thị trường chứng khoán Việt Nam, thì phải thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia, quyền lợi của nhà đầu tư phải được đảm bảo.
Phải thu hút được nhiều nguồn lực nhất
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 7 lần này, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, việc thu hút dòng vốn ngoại chỉ là một vấn đề, cái quan trọng nhất là tạo ra khả năng thu hút được nhiều nguồn lực nhất.
Muốn thu hút được nhiều nguồn lực, theo PGS. TS. Hoàng Văn Cường, không chỉ nới room ngoại, mà cần đưa các hàng hóa mới vào thị trường. Câu hỏi đặt ra là những hàng hóa đó có được thông tin minh bạch để bất kỳ ai cũng có thể tiếp cận được hay không? Và khi đầu tư vào các hàng hóa đó, các nhà đầu tư có được sự bình đẳng không?
"Điều người ta e ngại nhất trên thị trường chứng khoán hiện nay là thông tin không được minh bạch và không bình đẳng giữa các nhà đầu tư. Chẳng hạn một nhà đầu tư ít tiền có thể bỏ ra 10.000 đồng để mua 1 cổ phiếu, nhưng nhà đầu tư nhiều tiền có thể mua hàng triệu cổ phiếu. Vậy nhà đầu tư có 1 cổ phiếu có bị chi phối hay không?", đại biểu Cường nói.
Do đó, theo ông Cường, dự Luật Chứng khoán sửa đổi cần tạo ra một môi trường thực sự minh bạch, bình đẳng giữa các nhà đầu tư, đồng thời phải tạo điều kiện cho nhiều loại hàng hóa nhất cùng tham gia.
"Nếu càng có nhiều hàng hóa sẽ càng có nhiều nhà đầu tư tham gia, bởi mỗi nhà đầu tư thường quan tâm đến một số lĩnh vực nhất định. Khi đó, tổng lượng tiền giao dịch trên thị trường chứng khoán sẽ tăng, chứ không nhất thiết chỉ kêu gọi nguồn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài", đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Nâng điều kiện phát hành chứng khoán lần đầu ra công chúng
Ở một khía cạnh khác, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng: Hiện nay danh mục nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam trên thị trường chứng khoán Việt nam có tỉ lệ cao trên 20% vốn hóa của thị trường.
Việc sửa đổi Luật Chứng khoán lần này không chỉ hướng đến thu hút nhà đầu tư nước ngoài mà vấn đề là minh bạch hóa thị trường và tăng quyền cho Ủy ban chứng khoán Nhà nước để thị trường hoạt động minh bạch, ông Ngân nhận định.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu rõ: Cũng như nâng điều kiện phát hành chứng khoán lần đầu ra công chúng, trước đây điều kiện khá dễ, giờ điều kiện khó khăn hơn. Như thế là cần thiết để bảo vệ nhà đầu tư riêng lẻ, nhà đầu tư nhỏ trên thị trường.
"Dự Luật Chứng khoán sửa đổi có những điều kiện cụ thể cho việc khi anh đã chào bán chứng khoán lần đầu ra công chúng rồi thì anh phải niêm yết trên sàn, để giúp thanh khoản của cổ phiếu đó, tránh trường hợp như trước đây khi đã phát hành chứng khoán lần đầu rồi nhưng rất chậm thủ tục đăng ký niêm yết giao dịch trên sàn. Nhà đầu tư mua rồi nhưng không có tính thanh khoản, có những lúc chờ đợi rất mỏi mòn. Thì bây giờ quy định rất chặt chẽ khi chào bán thành công trong vòng 30 ngày phải niêm yết...", ông Ngân nói.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh, phải hết sức chi tiết làm rõ những điều gắn với phát hành chứng khoán lần đầu, vốn điều lệ phải ở mức tương đối chứ không quá nhỏ, sau khi chào bán thành công rồi thì phải gắn với niêm yết giao dịch. Đưa ra các điều kiện các doanh nghiệp cổ phần hóa phải đảm bảo minh bạch công bố thông tin, gắn với niêm yết trên sàn./.
Theo Trần Ngọc/VOV.VN