Tuần qua, thông tin thị trường đáng chú ý là việc hai mẫu xe chiến lược của Honda và Mitsubishi nhập về Việt Nam liên tiếp gặp lỗi kỹ thuật, điều này khiến dư luận rất hoang mang. Trong khi đó, trên thị trường, áp lực cạnh tranh đã và đang khiến các dòng xe giá rẻ, độc và lạ của Trung Quốc ngày càng khó khăn khi tồn tại ở Việt Nam.
Xe "hàng hot" dính lỗi, mất ưu thế tại Việt Nam
Hàng loạt mẫu xe hàng "hot" ở Việt Nam bị dính lỗi kỹ thuật như Honda CRV, Mitsubishi Xpander... đã khiến người tiêu dùng cảm thấy lo ngại. Trên nhiều trang mạng, người tiêu dùng tỏ ra lo ngại khi đang sở hữu hoặc có ý định mua những chiếc xe được xem là "con bài chiến lược" của các hãng xe tại Việt Nam.
Sau khi thông tin Mitsubishi Xpander bị lỗi trong tháng 5/2019, khách hàng tại Đà Nẵng gặp hiện tượng xe chết máy do lỗi bơm xăng, hoặc mới đây trên diễn đàn về xe này, khách hàng tại Hà Nội, Sơn La đưa thông tin xe bị chảy dầu ở bộ phận giảm xóc của xe và hãng hẹn phải đến tháng 7/2019 mới có đồ thay thế.
Cùng với Xpander, đầu tháng 6, Honda CRV, mẫu xe ăn khách nhất của Honda tại Việt Nam gây chấn động khi hàng loạt khách Việt tố bị lỗi chân phanh. Đây là một trong những lỗi khiến nhiều người mua xe lo ngại về chất lượng chiếc xe hơi hàng "hot" tại Việt Nam.
Hiện những thông tin xe hơi bị lỗi kỹ thuật, sự cố đang khiến doanh số các doanh nghiệp xe có khả năng bị ảnh hưởng lớn trong thời cao điểm mua sắm xe hơi giữa năm tại Việt Nam.
Xe Trung Quốc trầy trật ở Việt Nam khi đối đầu với SUV bình dân
Sau một thời gian gây ấn tượng vì xe giá rẻ, mẫu bắt mắt, gần đây xe Trung Quốc gặp trở ngại khi hàng loạt xe SUV bình dân ồ ạt giảm giá. Hai tháng qua, không có chiếc xe con Trung Quốc nào được nhập về, trong khi đó các đại lý đang lo ngại một kịch bản xấu nhất có thể xảy ra như đã từng với Lifan, Chery hay Geely tại Việt Nam.
Trong 3 năm trở lại đây, thế hệ các dòng xe đời mới của Trung Quốc được nhập thử nghiệm vào Việt Nam, trong đó ba cái tên được nhắc nhiều nhất là Zotye, Baic và Haima.. Các thương hiệu xe này phân phối các loại xe sedan, SUV với mức giá rẻ chỉ từ 450 đến gần 600 triệu (cho các mẫu xe sedan) và từ 600 triệu đến 800 triệu đồng cho các mẫu SUV).
Tuy nhiên, từ cuối năm 2018 đến nay, xu hướng giảm giá các dòng xe đa dụng và đặc biệt là sự đa dạng mẫu xe nhập, xe lắp ráp tại Việt Nam ngày càng mạnh, khiến lợi thế cạnh tranh về giá của các dòng xe Trung Quốc trên thị trường ngày càng yếu đi
Cụ thể, phân khúc giá xe từ 600 đến 800 triệu đồng hiện ở Việt Nam có khá nhiều mẫu như Kia Sorento GAT 793 triệu đồng, Hyundai Kona 2.0 ATH 699 triệu đồng, Toyota Innova 2.0E 2019 736 triệu đồng; Nissan X Trail 790 triệu đồng; Honda HRV 786 triệu đồng, Toyota Rush 668 triệu đồng; Ford Eco Sport 689 triệu đồng; Mitsubishi Xpander 620 triệu đồng...
Xe hơi Việt: Sau 20 năm vẫn "ăn đong", mất phương hướng
Sau hơn 20 năm thực hiện chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, đến nay chúng ta vẫn chưa thực sự có ngành ô tô đúng nghĩa, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp xe hơi tại Việt Nam kém, thị trường đang bị điều khiển bởi các hãng xe nhập.
Mới đây, báo cáo của Bộ Công Thương gửi Quốc hội chỉ rõ yếu điểm của ngành xe hơi Việt là không đi liền với nội địa hóa, phải nhập khẩu quá nhiều trong khi có nhiều ưu đãi... Tỷ lệ nhập khẩu linh phụ kiện ngành này từ 3 - 3,5 tỷ USD mỗi năm, trong khi đó tỷ lệ nội địa hóa chỉ từ 7 - 10%, nhiều nhất mẫu xe 37%.
Một trong những khó khăn lớn nhất của phát triển công nghiệp xe hơi Việt Nam là giá cả, thị trường và thị hiếu người tiêu dùng.
Về giá cả, hiện các loại xe sản xuất nội địa dù được ưu thế song không có mức giá quá ưu thế để cạnh tranh với nước ngoài do quy mô nhỏ, tiềm lực hạn chế.
Về thị trường, sự thay đổi quá nhanh, độ mở cửa lớn và đặc biệt thị hiếu đa dạng của người dân khiến các hãng xe khó nội địa hóa các dòng xe hơi ở Việt Nam, tính đến nay, hơn 20 năm phát triển Việt Nam không có mẫu xe chiến lược.
Ô tô đại hạ giá, thời điểm lý tưởng để xuống tiền!?
Thị trường xe ô tô tháng 6, nhiều “ông lớn” như Honda, Toyota, Ford, Nissan... đồng loạt giảm giá bán hàng trăm triệu đồng cho các mẫu xe khiến cuộc đua doanh số và chiếm giữ thị phần sẽ trở nên khốc liệt hơn.
Trên thực tế, thời gian qua xe tại Việt Nam giá xe hơi đã giảm mạnh thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng. Tuy nhiên, nhiều khách hàng Việt thường mang tâm lý e ngại khi xe rớt giá quá nhanh, khiến họ hông dám xuống tiền ngay mà phải dè dặt vì sợ "bị hớ". Vì vậy dù xe có giảm giá nhưng việc người mua xe mới ngại ngần, dừng lại để nghe ngóng tình hình khiến doanh số bán hàng của thị trường ít nhiều bị ảnh hưởng.
Nhiều người quan tâm xe hơi tỏ ý có thể xuống tiền mua xe thời điểm này vì giá đã giảm. Anh Minh Thanh, một nhân viên văn phòng tại Long Biên chia sẻ: "Để tìm được một chiếc ô tô trong khoảng tiền 600-700 triệu đồng, tôi phải tìm hiểu từ vài tháng nay, dò hỏi biết bao nhiêu người có kinh nghiệm nhưng vẫn chưa thể chọn được do thị trường biến động giá quá mạnh. Nhiều mẫu xe tuy chưa thực sự ưng ý nhưng có mức giảm giá rất lớn trong khi mẫu xe ban đầu mà tôi dự định mua lại không giảm giá sâu. Theo nhiều người tư vấn, tôi nên chờ đợi những đợt giảm giá tiếp theo rồi mới quyết định mua xe".
Giá xe giảm mạnh, dân Việt vẫn chê
Mặc dù thị trường ô tô đã có tới 4 tháng liên tiếp giảm giá khủng, tới hàng trăm triệu nhưng không ít người tiêu dùng Việt vẫn chê, giá xe ô tô ở Việt Nam vẫn còn cao ngất ngưởng so với các nước trong khu vực.
Tại Việt Nam, đa số các mẫu ô tô đều có giá cao hơn các thị trường trong khu vực Châu Á và thường chỉ thua duy nhất Singapore bởi đảo quốc này cần hạn chế phương tiện cá nhân do diện tích quá nhỏ bé.
Những mẫu ô tô giá rẻ chỉ ngang mức 200 - 300 triệu VNĐ ở thị trường Ấn Độ liên tục được công bố khiến dân xe phát sốt. Trong khi đó, không ít mẫu ô tô tại các nước Indonesia, Malaysia, Thái Lan… có giá thấp hơn bản tại Việt Nam khiến người tiêu dung không khỏi phải so sánh. Nhiều mẫu xe giá siêu rẻ ở những thị trường này nhưng tại Việt Nam, giá mẫu xe cùng phiên bản thường đắt hơn rất nhiều.
Dân chơi Việt đua nhau tậu xe thể thao 2 cửa
Chỉ có khoảng 400 triệu đồng, nhưng lại muốn đi một chiếc xe ai cũng phải ngoái lại nhìn, nhiều người chơi xe hiện nay đã lựa chọn một chiếc xe thể thao 2 cửa loại cũ. Trào lưu này đang khiến nhiều dân buôn loại xe này buôn bán khá tốt.
Tham gia vào các nhóm chơi xe thể thao 2 cửa trên mạng xã hội đã lâu với nickname Khương Lee, nên anh Khương (thành phố Hải Dương) đã quen khá nhiều bạn bè trong hội này. Anh Khương cho biết: “Tôi tham gia vào hội những người chơi xe 2 cửa vừa vì đam mê, lại vừa cùng mảng kinh doanh của tôi. Anh em trong nhóm chơi một thời gian mà có nhu cầu bán lại tôi đều thu mua với giá cao nên nguồn xe khá đều.”
Hiện nay, 2 loại xe thể thao 2 cửa mà anh Khương bán chạy nhất là chiếc Huyndai Genesis và Kia Koup. Trong đó, giá chiếc Genesis đang dao động khoảng 460 - 540 triệu đồng, còn chiếc Kia Koup thì có giá thấp nhất là 390 triệu đồng.
Gian nan rước sêu xe triệu USD về Việt Nam
Chiếc siêu xe McLaren 720S làm nhiệm vụ dẫn đoàn hành trình siêu xe Car & Passion 2019 có lịch sự cập cảng Việt Nam khá gian nan và đặc biệt.
Hôm qua, 7/6, siêu xe McLaren có màu đỏ-trắng độc đáo đã lên đường vận chuyển từ Tp. HCM ra Hà Nội để chuẩn bị dẫn đoàn Car & Passion 2019.
Trưởng đoàn Hứa Hà Phương, đồng thời chính là chủ nhân của McLaren 720S đặc biệt này đã tiết lộ những điều thú vị quanh chiếc siêu xe yêu thích của mình.
Anh cho biết, McLaren 720S là mẫu xe anh đã mê đắm ngay từ đầu “xem mặt”. Trong một lần tham gia chương trình Rally 5 cùng Gia Lai Team tại Mỹ năm 2017, anh Phương được dịp ngắm trực tiếp chiếc McLaren 720S và ngay lập tức, quyết định đặt mua sau khi trở về Việt Nam.
“Chiếc xe được đặt hàng tại Đức từ năm 2017 và mục tiêu là nhận xe chơi Tết năm 2018. Không ngờ, do một số vấn đề về thủ tục hành chính, xe phải vận chuyển về tạm ở Thái Lan rồi mới cập cảng Việt Nam dịp trước Tết 2019”, anh Phương cho hay.
Là một mẫu xe hot trong giới chơi siêu xe thế giới, khách hàng mua McLaren 720S thường phải mất một năm mới được nhận xe. Và để được nhận xe “sớm”, anh Phương phải tốn thêm 40.000 USD mua “suất” của một khách hàng khác nhượng lại.
Theo An Linh/Dân trí