Kinh tế tư nhân được dự báo sẽ trở thành 1 trong 4 trụ cột thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là khối các công ty khởi nghiệp.
Đầu tư tư nhân tăng vượt trội
Từ bức tranh toàn cảnh về hoạt động đầu tư tư nhân năm 2018 được dựng lại với các thương vụ thành công trong năm 2018, Báo cáo Triển vọng đầu tư tư nhân 2019 do Hãng kiểm toán và Tư vấn doanh nghiệp Grant Thornton Việt Nam vừa đưa ra nhận định, Việt Nam là một trong 3 điểm đến hấp dẫn dòng đầu tư tư nhân (PE) nhất Đông Nam Á. Sức hấp dẫn thể hiện ở số lượng các thương vụ tăng vượt trội và giá trị giao dịch đạt mức kỷ lục.
Việt Nam là một trong 3 điểm đến hấp dẫn dòng đầu tư tư nhân (PE) nhất Đông Nam Á
Đứng đầu Đông Nam Á là Singapore có 141 thương vụ với giá trị 7 tỷ USD, thứ hai Indonexia có 42 thương vụ với 1,672 tỷ USD. Việt Nam đã có số lượng thương vụ tăng vượt trội (38 thương vụ - tăng 41%) và giá trị giao dịch tăng tới 285% (1,6 tỷ USD), đây là mức kỷ lục của 10 năm nay.
Grant Thornton cho biết, 34% số nhà đầu tư được hỏi đã đánh giá Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất trong các thị trường Đông Nam Á. Yếu tố tạo nên sự hấp dẫn mới trỗi dậy chính là hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam được đẩy mạnh trong năm 2018. Sự hấp dẫn này thể hiện ở con số khởi nghiệp đã thu hút tổng số vốn đầu tư 889 triệu USD, cao gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái. Theo khảo sát của Grant Thornton, trong 38 thương vụ, có tới 27 thương vụ đầu tư vào các công ty khởi nghiệp (chiếm 71%), tăng 56% so với năm 2017.
Về triển vọng trong năm 2019, Grant Thornton Việt Nam cho rằng, nền kinh tế Việt Nam sẽ được hưởng những điều kiện thuận lợi từ việc tham gia các hiệp định thương mại tư do đã và sẽ có hiệu lực, điển hình là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) và Hong Kong (ASEAN - Hong Kong FTA). Điều này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam, cũng như đa dạng hóa nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu. Sau những khó khăn và chậm trễ trong năm 2018, việc cổ phần hóa và thoái vốn của các doanh nghiệp Nhà nước được dự báo sẽ được đẩy mạnh vào năm 2019. Điều này kì vọng sẽ mang đến những cơ hội đầu tư hấp dẫn trong năm tới.
“Kinh tế tư nhân được dự báo sẽ trở thành một trong bốn trụ cột thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2019, đặc biệt là khối các công ty khởi nghiệp đang tăng trưởng mạnh mẽ”, Grant Thornton Việt Nam nhận định.
Grant Thornton Việt Nam cũng cho biết, có 6 nhóm ngành tại Việt Nam có sức hút lớn đối với các quỹ đầu tư tư nhân trong 12 tháng tới. Trong đó, có 2 nhóm ngành mới nổi là công nghệ tài chính (Fintech) và thương mại điện tử; bên cạnh đó là 4 ngành truyền thống, gồm giáo dục, năng lượng tái tạo, dược phẩm và vận tải-giao nhận.
Thách thức không nhỏ
Dù được nhận định “là điểm đến rất hấp dẫn cho dòng vốn đầu tư tư nhân” và cơ hội nhiều, song những phân tích của Grant Thornton cũng chỉ ra rằng, những thách thức với đầu tư tư nhân không hề nhỏ. Đáng lưu ý là những quan niệm cố hữu kiểu đã bán thì phải đưa giá cao so với tiềm năng doanh nghiệp (DN), chính là thách thức hàng đầu. 24% số ý kiến được hỏi cho rằng giá bán đưa ra quá cao so với tiềm năng.
Một thách thức quan trọng nữa trong việc gọi vốn từ đầu tư tư nhân từ phía nhà đầu tư – người đi mua - là mức độ chấp nhận thấp DN sẽ có thêm người đồng quản trị không lớn của các chủ sở hữu DN tư nhân rất thấp. Thách thức này khá điển hình tại Việt Nam khi phần lớn DN tư nhân thuộc sở hữu của cá nhân hoặc gia đình và nhà sáng lập cũng đồng thời là người điều hành DN. Những lo ngại về xung đột tiềm ẩn trong tầm nhìn và sứ mệnh cùng với khó khăn trong việc chia sẻ quyền điều hành khiến các công ty tư nhân ngần ngại hợp tác với các nhà đầu tư.
Cho biết thêm về các yếu tố mà các nhà đầu tư luôn xem xét khi quyết định đầu tư, báo cáo này cho biết, 87% số nhà đầu tư thể hiện sự lo ngại đáng kể đối với sự thiếu nhất quán trong các quy định và thủ tục đầu tư, cũng như vấn đề tham nhũng. 76% ý kiến được hỏi cho rằng sự thiếu minh bạch trong thông tin của DN là yếu tố chính gây nên sự thất bại của các thương vụ.
Báo cáo cũng chỉ ra những thách thức mà phía muốn kêu gọi đầu tư – bên bán gặp phải. Trong đó, các mâu thuẫn tiềm ẩn về chiến lược và tầm nhìn trong phát triển DN là cản trở lớn nhất giữa DN và nhà đầu tư tiềm năng, và đây là lo ngại của phần lớn chủ DN tư nhân.
Những đòi hỏi và ràng buộc hà khắc từ phía nhà đầu tư cũng là nguyên nhân có thể khiến cho các thương vụ không đi đến hồi kết. Để bảo vệ mình khỏi rủi ro thua lỗ, các quỹ đầu tư sẽ đưa ra các điều khoản và điều kiện ràng buộc chặt chẽ về kết quả kinh doanh (như doanh thu, lợi nhuận, EBITDA), cam kết về thời gian gắn bó của nhân sự chủ chốt. Việc không đạt được những cam kết này có thể kích hoạt quyền chọn bán, có thể sẽ trở thành một lựa chọn tài chính vô cùng bất lợi cho các chủ sở hữu.
Tuy nhiên, Grant Thornton Việt Nam cho rằng, những thách thức này không khó cải thiện. Cùng với những ưu điểm vượt trội và về sự ổn định chính trị, sự thuận lợi về kinh tế vĩ mô ổn định và hội nhập quốc tế, nếu cải thiện được các thách thức trên sẽ đưa Việt Nam lên vị trí cao hơn trên bản đồ thu hút đầu tư ở khu vực./.
Theo Cẩm Tú/VOV.VN