Thông qua các trung gian cung cấp dịch vụ thanh toán khống hàng hóa và dịch vụ, các chủ thẻ tín dụng dễ dàng rút được toàn bộ hạn mức tiền trong thẻ với mức phí chỉ từ 1,2% đến tối đa 1,5%.
Tìm kiếm trên mạng, dễ dàng bắt gặp trên các website cung cấp dịch vụ này như ruttienthe…, ruttien6…, ruttien5…, tindung36…, ruttienthe…, dichvuthe… hay ruttienkiman... là những lời quảng cáo có cánh và đầy hấp dẫn như “đối tác của các ngân hàng lớn”, “mức phí thấp nhất trên thị trường”, “phục vụ tại nhà”, “giá tốt nhất và bảo mật nhất thị trường”.
Tiết lộ với PV Báo Lao Động, T.C.Huy - chủ một máy quẹt thẻ (POS) di động ở Đống Đa, Hà Nội - cho biết: Các ngân hàng thường chỉ cho phép rút tối đa 70% hạn mức của thẻ trong khi mức phí mỗi lần rút lên tới 4%, thậm chí rút 1 triệu đồng cũng có thể mất tới 100 nghìn đồng. Vì thế các chủ thẻ thường tới làm dịch vụ vì chỉ mất phí 1,2-1,5%, rút được 100% hạn mức thẻ và tiền mặt lại nhận được ngay.
Cũng theo T.C.Huy, sau khi quẹt thẻ để thanh toán khống hàng hóa theo số tiền mà chủ thẻ muốn rút, chủ POS thường ứng tiền trước cho chủ thẻ, có trừ đi phần phí thỏa thuận theo số tiền. Sau đó 1-2 ngày, tiền thanh toán từ thẻ tín dụng của khách sẽ đổ trở lại vào tài khoản của chủ POS.
Cũng với cách thức tương tự, nhiều đơn vị và website còn sẵn sàng cung cấp dịch vụ đáo hạn thẻ tín dụng cho chủ thẻ với mức phí đáo hạn thường cao hơn nhiều mức phí rút tiền qua thẻ.
Chủ một shop thời trang trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Dù có quen biết từ trước, tôi vẫn mất hơn 1,5 triệu đồng để nhờ tất toán số tiền 85 triệu đồng đã đến hạn thanh toán cho ngân hàng. Tính ra mức phí phải mất cho trung gian là 1,76%”.
Một đầu mối chuyên nhận đáo hạn thẻ cho rằng, so với mức lãi suất bị ngân hàng thu nếu không kịp đáo hạn là 25%/năm, khoản phí trên là khá thấp trong khi các chủ thẻ lại có thêm 45 ngày để xoay xở trả nợ thẻ.
“Bởi khi làm đáo hạn, chủ thẻ được ứng trước số tiền để thanh toán dư nợ thẻ đúng thời hạn để khỏi phải bị tính tiền lãi và bị báo cáo nợ xấu. Sau khi đáo hạn dư nợ thẻ tín dụng xong, số tiền đã ứng trước bị thu lại và chủ thẻ bị thu một khoản phí dịch vụ là 2%” - đầu mối này cho hay.
Tình trạng giao dịch khống tại các điểm bán hàng hóa dịch vụ chấp nhận thanh toán thẻ thực tế đã được cảnh báo từ lâu. Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) mới đây cũng chỉ rằng rằng, trên thực tế, hoạt động quẹt thẻ này không có bất cứ giao dịch thanh toán mua bán hàng hóa dịch vụ nào, mà chủ thẻ chỉ thực hiện giao dịch để lấy tiền mặt hưởng lãi suất không phần trăm 45 ngày theo chính sách của đơn vị phát hành thẻ. Các đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ thu phí của chủ thẻ từ 1,2-1,5% trên mỗi giao dịch rút tiền mặt qua hình thức thanh toán khống.
NHNN yêu cầu các tổ chức cung ứng thẻ phải có biện pháp kiểm soát, ngăn chặn các hình thức lợi dụng thẻ tín dụng để sử dụng không đúng quy định pháp luật. |
Theo Lam Duy/Lao Động