Sản phẩm sữa và mặt hàng măng cụt của Việt Nam chính thức có thể xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Việt Nam và Trung Quốc vừa hoàn thành việc ký kết các văn kiện quan trọng, đánh dấu việc sản phẩm sữa và mặt hàng măng cụt của Việt Nam chính thức có thể xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Chiều 26/4, tại Bắc Kinh, các cơ quan hữu quan của Việt Nam và Trung Quốc đã trao Nghị định thư về các yêu cầu thú y và sức khỏe cộng đồng đối với các sản phẩm sữa của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc. Như vậy, sản phẩm sữa của Việt Nam đã có thể thâm nhập vào thị trường 1,4 tỷ dân này qua con đường chính ngạch. Được biết, mỗi năm, Trung Quốc nhập khẩu trên 3,5 tỷ USD sản phẩm sữa.
Trước măng cụt, đã có 8 loại trái cây Việt Nam được phía Trung Quốc nhập khẩu chính ngạch là: Thanh long, dưa hấu, chôm chôm, xoài, nhãn, vải, chuối và mít. (Ảnh minh họa: KT).
Ngoài ra, theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hai nước cũng đã hoàn thành việc ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với việc xuất khẩu măng cụt sang Trung Quốc.
Trước đó, đã có 8 loại trái cây Việt Nam được phía Trung Quốc nhập khẩu chính ngạch là: Thanh long, dưa hấu, chôm chôm, xoài, nhãn, vải, chuối và mít. Theo các chuyên gia ngành rau quả, Việt Nam có tới khoảng 40 loại trái cây có tiềm năng xuất khẩu sang Trung Quốc.
Về triển vọng của nông sản Việt Nam tại thị trường rộng lớn này, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết: "Đối với thị trường Trung Quốc, các mặt hàng nông sản của Việt Nam rất có tiềm năng. Chúng tôi vừa trao cho phía bạn Hồ sơ đánh giá rủi ro của yến sào Việt Nam, mong rằng phía bạn sớm hoàn thành thủ tục để yến sào Việt Nam vào thị trường Trung Quốc.
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trả lời phỏng vấn VOV.
Qua làm việc, chúng tôi cũng đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc xem xét tăng thêm các doanh nghiệp thủy sản có đủ điều kiện và năng lực của Việt Nam được xuất sang Trung Quốc. Đồng thời, tiếp tục xem xét các doanh nghiệp gạo đã hoàn tất các thủ tục, đủ điều kiện được xuất khẩu vào Trung Quốc, sớm hoàn tất các thủ tục đánh giá rủi ro các loại trái cây do Bộ vừa đề xuất theo thứ tự ưu tiên như sầu riêng, bơ, chanh leo, khoai lang... Tôi nghĩ rằng, triển vọng trong thời gian tới là rất tốt".
Thống kê của Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công Thương cho thấy, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính của nông sản Việt Nam, năm 2018, Trung Quốc nhập khẩu 1,3 triệu tấn gạo, chiếm 22% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam; với mặt hàng trái cây, rau quả, Trung Quốc nhập khẩu 2,78 tỷ USD, chiếm trên 70% tỷ trọng xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam. Trong khi đó, theo Tổ chức Thương mại Thế giới, mỗi năm, Trung Quốc nhập khẩu khoảng 160 tỷ USD các mặt hàng nông lâm thủy sản./.
Theo Bích Thuận-Đinh Tuấn/VOV-Beijing