Làm riêng nhà sàn cho vịt ở kết hợp với ao nước cho vịt bơi, mỗi năm gia đình anh Đoàn Văn Trưởng ở Thuận Châu, Sơn La thu về hàng trăm triệu đồng.
Anh Đoàn Văn Trưởng ở bản Nhộp, xã Chiềng Bôm, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La đã sáng tạo ra mô hình chăn nuôi phù hợp với thực tế tại địa phương - đó là làm riêng nhà sàn, kết hợp ao nước dưới gầm sàn cho vịt ở. Sau nhiều năm triển khai, mô hình đã cho hiệu quả cao, hơn 3.000 con vịt cổ xanh phát triển tốt, cho thu lãi cả trăm triệu đồng mỗi năm.
Đến với mô hình chăn nuôi vịt của anh Đoàn Văn Trưởng, điều đầu tiên khiến ai cũng thích thú là dàn đồng ca của hơn 3.000 chú vịt cổ xanh nghe rất vui tai và lạ mắt; tiếp đến là khu nhà sàn đặc biệt lợp mái pro xi măng, sàn bằng bê tông hoặc bằng lưới, dưới gầm sàn là ao nông, nước ra vào liên tục, không có cầu thang, mà chỉ có dốc thoai thoải gắn liền với đường bê tông chạy quanh mô hình.
Nhà sàn kết hợp ao nuôi vịt của anh Trưởng cho thu nhập cao
Anh Trưởng cho biết, sở dĩ anh làm khu nhà sàn đặc biệt như vậy là để dành riêng cho đàn vịt, ban ngày chúng bơi lội, kiếm ăn dưới gầm sàn, tối đến hoặc khi đẻ trứng thì chúng tự đi lên nhà; làm như vậy vừa dễ chăn nuôi, lại tiết kiệm rất nhiều sức lao động. Gia đình anh đã gắn bó với nghề nuôi vịt gần 10 năm nay, để có được đàn vịt cổ xanh hơn 3.000 con, anh đã gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong việc chọn con giống địa phương.
“Năm 2013 từ chỗ không có nguồn vốn và phải đi vay 10 triệu đồng, tôi mua được 36 con giống từ đó nhân lên, đồng thời tìm thêm con giống ở nơi khác về để có trang trại như ngày hôm nay”, anh Trưởng cho biết.
Giống vịt cổ xanh Thuận Châu nổi tiếng thịt thơm ngon, nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Hơn nữa, đây là giống vịt bản địa nên dễ nuôi, dễ chăm sóc hơn hẳn các loại vịt khác. Từ 36 con giống ban đầu, tới nay đàn vịt hơn 3.000 con của anh Đoàn Văn Trưởng có đủ các loại vịt như vịt giống, vịt thịt, vịt siêu đẻ...cung ứng đủ cho thị trường huyện Thuận Châu và các huyện trong khu vực, với mức lãi ổn định từ 150 - 200 triệu đồng/năm.
Anh Trưởng chia sẻ, để phát triển kinh tế lâu dài, anh rất mong muốn được thành lập, hoặc tham gia hợp tác xã. Qua đó, sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc chăm sóc và bao tiêu sản phẩm. Đây không chỉ là mong muốn của riêng anh và đây cũng là mong muốn của nhiều hộ dân làm nông nghiệp trong khu vực.
“Với mô hình chăn nuôi thì nhỏ lẻ sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Gia đình mong muốn và nếu được chính quyền địa phương quan tâm, gia đình sẽ phát triển mở rộng trang trại thì hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn”, anh Trưởng mong muốn.
Với cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế, mô hình chăn nuôi vịt cổ xanh của anh Đoàn Văn Trưởng đã phát huy hiệu quả, xứng đáng là gương điển hình trong phát triển kinh tế hộ gia đình tại địa phương./.
Theo Trấn Long/VOV.VN