Trước khi được mở cửa cho phép vào nước nhập khẩu, trái cây Việt Nam phải thiết lập vùng trồng và phải được cấp mã số. Muốn vậy, vùng trồng phải sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, sản phẩm trước khi xuất khẩu hải được đóng gói và xử lý chiếu xạ hoặc xử lý hơi nước nóng…
Tại hội thảo khoa học “Sản xuất cây ăn quả bền vững” diễn ra ngày 28/3 tại Tiền Giang, ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết trong những năm gần đây, xuất khẩu (XK) rau quả Việt Nam liên tục tăng trưởng. Cụ thể, năm 2008 XK rau quả đạt 407 triệu USD, 10 năm sau (năm 2018) đạt 3,81 tỷ USD.
Trồng xoài xuất khẩu tại huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Ảnh: CK
Theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), đối với các thị trường khó tính như Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Đài Loan…, tính đến hết năm 2018, trái cây của Việt Nam như thanh long được cấp 210 mã số vùng trồng với tổng diện tích trên 4.000ha; chôm chôm được cấp 34 mã số với trên 349ha; nhãn được cấp 61 mã số với 864ha; xoài được cấp 84 mã số với hơn 1.600ha...
Trong khi đó, riêng với thị trường Trung Quốc, thanh long được cấp 230 mã số vùng trồng với diện tích trên 45.500ha; nhãn được cấp 194 mã số với hơn 9.900ha; vải có 165 mã số với trên 16.400ha; dưa hấu 157 mã số với trên 12.200ha; chuối 219 mã số với trên 20.800ha; xoài, chôm chôm và mít lần lượt được cấp 131, 53 và 53 mã số với tổng diện tích 3 loại này đạt gần 40.000ha. Điều này không khó hiểu bởi Trung Quốc là thị trường chiếm 81% giá trị XK rau quả Việt Nam, riêng mặt hàng thanh long chiếm đến 98%.
Theo ông Lê Văn Thiệt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, để gia tăng XK trái cây, Việt Nam phải đàm phán mở cửa thị trường. Đối với những thị trường khó tính như Úc, Mỹ, New Zealand, thậm chí ngay cả Trung Quốc, hiện muốn gia tăng XK bắt buộc phải nộp hồ sơ mở cửa thị trường, trong đó, nội dung quan trọng cần phải làm là phân tích nguy cơ dịch hại. Việc này đòi hỏi phải họp song phương rất nhiều lần và để một hồ sơ được thị trường chấp nhận mở cửa cho trái cây Việt Nam vào thì phải mất từ 3-15 năm.
Tuy nhiên, trước khi mở cửa cho phép Việt Nam XK vào thì nước nhập khẩu yêu cầu Việt Nam phải thiết lập vùng trồng với diện tích tối thiểu 10ha và phải được cấp mã số. Để được cấp mã số vùng trồng, vùng sản xuất của người nông dân phải sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, nghĩa là khuyến khích nông dân sử dụng phân, thuốc hữu cơ, sinh học thay vì lạm dụng phân, thuốc hóa học.
Đóng gói trái cây xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: CK
Ngoài việc phải được cấp mã số vùng trồng, sản phẩm trước khi XK phải được đóng gói và xử lý chiếu xạ hoặc xử lý hơi nước nóng (tùy theo quy định của từng thị trường) tại những cơ sở được cấp mã số. Đối với việc xuất sang thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… thì chuyên gia kiểm dịch của họ sẽ trực tiếp giám sát vùng trồng, giám sát nhà đóng gói và cơ sở xử lý chiếu xạ/xử lý hơi nước nóng. “Chính điều này làm chi phí trái cây xuất khẩu chúng ta cao” - ông Thiệt nói.
Được biết, hiện nay Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (Sofri) đã có Bệnh viện Cây trồng Đồng bằng sông Cửu Long đang hoạt động tư vấn tại chỗ (tại Trung tâm Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật của Sofri, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Thời gian tới, Sofri sẽ mở rộng bệnh viện cây trồng theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin tại các điểm tư vấn của Tập đoàn Lộc Trời.
Mục tiêu của việc mở rộng này nhằm hỗ trợ giám định mẫu, tư vấn những vấn đề trong canh tác và bảo vệ thực vật trên cây ăn quả và chia sẻ thông tin mới cho nhà vườn; phản hồi kịp thời các khó khăn, vấn đề mới xuất hiện trong canh tác, bảo vệ thực vật của người làm vườn đến viện, trường. Ngoài ra, việc mở rộng này cũng nhằm mục tiêu hình thành và kết nối một hệ thống người làm vườn giỏi để chia sẻ kinh nghiệm hay trong sản xuất…
Theo Cảnh Kỳ/Tiền Phong