Vải thổ cẩm không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của người Thái, nhưng ngày nay, nghề trồng bông dệt vải gần như đang bị lãng quên...
Trước sự mai một nghề trồng bông dệt vải huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La đang triển khai một số giải pháp để bảo tồn nghề truyền thống của địa phương.
Trước đây, trên khắp các bản làng của huyện Quỳnh Nhai, đâu đâu cũng thấy những vạt nương bông trắng muốt - nguyên liệu để làm ra vải thổ cẩm, và trang phục truyền thống của đồng bào Thái. Kể cả chăn, ga, gối, đệm, túi, khăn…cũng đều được làm từ vải thổ cẩm của chính gia đình mình làm ra. Cho nên, nghề trồng bông dệt vải phát triển rộng khắp. Nhà nhà đều có khung cửi dệt vải; hầu hết trẻ em gái từ 12-13 tuổi trở lên đã biết tập kéo sợi, trồng bông, dệt vải theo các chị, các mẹ.
Quay sợi cán bông
Từ việc thêu thùa, trồng bông, kéo sợi, dệt vải người ta cũng có thể đánh giá được tính cách, sự cần cù, chịu khó, sự khéo tay hay làm của chị em phụ nữ. Nó như một hành trang cần thiết để các thiếu nữ trước khi xây dựng gia đình, về làm dâu.
Bà Lò Thị Nguyễn, xóm 2, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La cho biết: Để làm nên một tấm vải thổ cẩm, thì việc đầu tiên là người Thái Quỳnh Nhai đi gieo hạt trên nương. Khi cây bông nở rộ, thì hái về cán bông, tách hạt ra khỏi bông, sau đó bật bông, cuộn bông thành những cuộn nhỏ, mới kéo sợi. Tiếp theo là hồ vải bằng cơm nấu nhão để cho sợi vải cứng, bền. Hồ vải xong mang đi phơi nắng, cho khô ráo rồi mới mang lên khung cửi để dệt thành tấm vải thổ cẩm khổ dài, ngắn, rộng, hẹp tuỳ theo mục đích sử dụng của mỗi người.
Phụ nữ Thái đang dệt vải
Vải thổ cẩm người Thái được thêu dệt thành nhiều hoa văn hoạ tiết độc đáo như hình quả chám, hình cây cối, hoa lá, chim muông hết sức gần gũi với con người và thiên nhiên. Các sản phẩm vải thổ cẩm thường là chăn, đệm nằm, đệm ngồi, túi đeo. Vải thổ cẩm nhuộm chàm để làm quần áo nam truyền thống của dân tộc Thái; và chiếc khăn piêu đội đầu của chị em phụ nữ Thái cũng được thêu thùa trên tấm vải thổ cẩm nhuộm chàm.
Theo phong tục người Thái, ngoài dệt thổ cẩm để sử dụng trong việc ăn mặc hàng ngày, làm quà kỷ niệm cho bạn bè, người thân, khách quý gần xa. Khi con gái về nhà chồng thường phải có nhiều quà cưới biếu gia đình thân thích bên nhà chồng như chăn, đệm, gối, khăn piêu. Nhất là trong đám hiếu càng không thể thiếu vải thổ cẩm để làm thủ tục theo đúng phong tục, tập quán của dân tộc Thái...
Vải thổ cẩm không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của bà con là vậy. Tuy nhiên, ngày nay nghề trồng bông dệt vải gần như đang bị lãng quên, chỉ còn lác đác ở một số bản, xã vùng xa của huyện, như: Mường Giôn, Mường Chiên, Pha Khinh, Cà Nàng, Chiềng Khay. Còn tại các xã ngay thị trấn không còn duy trì nghề truyền thống này nữa.
Đặc biệt, chị em phụ nữ thế hệ trẻ ngày nay hầu như không có ai biết kéo sợi, dệt vải. Bên nếp nhà sàn của mỗi gia đình cũng đều vắng bóng khung cửi dệt vải truyền thống ngày nào.
Em Là Thị Sáng, ở xóm 2, xã Mường Giàng chia sẻ: "Lớp trẻ chúng em bây giờ còn rất ít người biết nghề trồng bông, dệt vải. Em mong muốn chính quyền địa phương sẽ quan tâm, mở các lớp truyền dạy nghề truyền thống lâu đời của dân tộc được khôi phục lại".
Tại một cuộc thi kéo sợi
Theo ông Điêu Chính Hiến, Phó Trưởng phòng Văn hoá Thông tin huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La, huyện đang tập trung các giải pháp để khôi phục lại nghề truyền thống này như: đưa vào nội dung thi tại Lễ hội văn hoá-Thể thao và du lịch; mở các lớp truyền dạy cho phụ nữ, thanh niên, để lớp trẻ hiểu hơn về nghề truyền thống của cha anh và biết kéo sợi, dệt vải.
"Phòng Văn hoá –Thông tin huyện cũng đã mạnh dạn đưa môn thi kéo sợi, dệt vải này đưa vào nội dung Tuần Văn hoá, Thể thao và Du lịch huyện Quỳnh Nhai năm 2019 vừa rồi. Cùng với Hội Liên hiệp phụ nữ huyện, các câu lạc bộ bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc, chúng tôi sẽ duy trì môn thi kéo sợi này trong các năm tiếp theo. Các con cháu thích nghề kéo sợi, dệt vải thì từ đó chúng ta mới có thể truyền dạy được, gi0 được nét truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình", ông Hiến nói./.
Theo Đức Anh/VOV.VN