Chính phủ Ấn Độ đã ban lệnh cấm nhập khẩu 2 mặt hàng là táo và lê Trung Quốc từ tháng 6/2017. Do lợi nhuận, các tay buôn lậu vẫn tìm cách đưa táo Trung Quốc vào tiêu thụ tại Ấn Độ qua đường biên giới tiếp giáp Ấn Độ - Myanmar
Trong quá khứ, loại táo đỏ Fuji xuất xứ từ Yên Đài, Sơn Đông, Trung Quốc đã từng dính bê bối nghiêm trọng liên quan tới an toàn thực phẩm. Tới nay, vấn đề này vẫn chưa được xử lý triệt để hoàn toàn.
Loại táo gây xì căng đan tại Trung Quốc
Giống táo đỏ Fuji có nguồn gốc từ thị trấn Fujisaki, Aomori, Nhật Bản do các kỹ sư nông nghiệp ở nơi đây tạo ra vào năm 1930. Chữ Fuji được đặt theo tên thị trấn sinh ra nó chứ không phải nghĩa là Phú Sĩ như nhiều người lầm tưởng.
Trải qua thời gian, ngày nay táo Fuji hiện là một trong những loại trái cây phổ biến nhất trên thế giới và được trồng ở nhiều quốc gia khác nhau. Tuy người Nhật tạo ra giống táo Fuji nhưng Trung Quốc mới là nước sản xuất loại táo này nhiều nhất. Cụ thể là tại thành phố Yên Đài, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc nơi được mệnh danh là “thủ đô của táo”. Mỗi năm, hàng triệu tấn táo Fuji Yên Đài xuất khẩu đi thế giới trong đó Việt Nam. Tại nước ta, người dân gọi loại táo này với cái tên ngắn gọn là “táo Trung Quốc”.
Táo Trung Quốc tràn ngập các chợ Việt Nam từ rất lâu.
Những chiếc túi này có nhiệm vụ bảo vệ táo tránh khỏi sâu bệnh trong suốt quá trình sinh trưởng. Tới lúc chín táo sẽ căng mọng, đẹp mã, không có dấu hiệu của nấm mốc nên sẽ bán được giá cao.Từ hàng chục năm về trước, ở Việt Nam đã có nhiều đồn đoán về sự mất an toàn của giống táo nhập từ Trung Quốc nhưng chưa có bằng chứng xác thực. Mãi tới năm 2012, qua một cuộc điều tra do báo giới phát hiện, nhiều nông dân địa phương tại Yên Đài đã sử dụng túi nilon tẩm hóa chất bọc lên những quả táo non.
Những túi bọc tẩm hóa chất sẽ được trùm lên những quả táo khi còn non. Ảnh: Chinawhisper.
Các công nhân Trung Quốc đang sản xuất loại túi bọc “kỳ diệu”. Ảnh: Chinawhisper.
Ngay sau đó, chính quyền tỉnh Sơn Đông đã tiến hành kiểm tra và thu giữ hơn 200 triệu túi bọc tẩm hóa chất đang lưu hành và tuyên bố sẽ đóng cửa các trang trại trồng “táo độc”.
“Độc” tùy thị trường
Thời gian qua đi, sự việc dần trôi vào quên lãng. Năm 2015 táo Fuji Yên Đài cũng đạt được thành công mới khi lần đầu xâm nhập được vào thị trường Mỹ khó tính.
Tuy nhiên, theo thông tin của các chủ buôn hoa quả, những trái táo Trung Quốc đang bán ở các siêu thị bên Mỹ khác hoàn toàn với loại táo đang bán ở các chợ Việt Nam. Các công ty nhập khẩu của Mỹ sẽ cử nhân viên sang những trang trại được lựa chọn, giám sát toàn bộ quá trình quản lý chất lượng sản phẩm, từ khâu chăm sóc tới lúc thu hoạch. Những trái táo này được đảm bảo an toàn chất lượng 100%.
Chính quyền tỉnh Sơn Đông cũng cho biết, chỉ có khoảng 2% số táo Fuji Yên Đài sản xuất ra đủ tiêu chuẩn xuất đi các nước Mỹ, Canada, Úc. Số còn lại được tiêu thụ ở thị trường nội địa Trung Quốc hoặc xuất sang các nước có thu nhập thấp như Bangladesh, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á.
Táo và lê Trung Quốc khá phổ biến tại Ấn Độ. Ảnh: krishijagran.com
Trong đó, Ấn Độ là một thị trường khá quan trọng của ngành xuất khẩu trái cây Trung Quốc. Trong năm 2017, Ấn Độ đã nhập 131 ngàn tấn táo các loại từ Trung quốc, chiếm 10% tổng sản lượng xuất khẩu táo của nước này. Không giống như tại Mỹ, táo xuất sang Ấn độ lại gặp nhiều vấn đề nghiêm trọng.
Theo báo cáo của cơ quan bảo vệ thực vật Ấn Độ (NPPO), có tới 26 lô hàng táo và lê Trung Quốc có chứa các hóa chất cấm, trong đó có cả Urbacid, Tuzet. Đây là các chất cấm từng phát hiện trong bê bối năm 2012 tại Yên Đài, Sơn Đông.
Vì lý do này, chính phủ Ấn Độ đã ban lệnh cấm nhập khẩu 2 mặt hàng là táo và lê Trung Quốc từ tháng 6/2017. Do lợi nhuận, các tay buôn lậu vẫn tìm cách đưa táo Trung Quốc vào tiêu thụ tại Ấn Độ qua đường biên giới tiếp giáp Ấn Độ - Myanmar.
Bốc dỡ táo Trung Quốc tại bãi xe cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai). Ảnh: Vietq
Tại Việt Nam, đã có thời kỳ kinh doanh loại táo Fuji Trung Quốc gặp nhiều khó khăn do người dân cảnh giác. Một số người lựa chọn loại táo này chỉ để bày mâm ngũ quả, làm đồ cúng do có mẫu mã đẹp, ưa nhìn. Nếu đem đi biếu tặng, người mua sẽ chọn táo Mỹ, New Zealand, Nhật Bản,... tuy giá thành đắt hơn nhiều nhưng lại an tâm về chất lượng.
Tuy nhiên, theo số liệu do hải quan Trung Quốc công bố, trong năm 2017, cũng có tới 105 nghìn tấn táo thông quan sang Việt Nam, chiếm 8% tổng sản lượng táo xuất khẩu. Việt Nam đang là quốc gia tiêu thụ táo Trung Quốc nhiều thứ 6 trên thế giới, sau Bangladesh 12%, Philippines 10%, Ấn Độ 10%, Thái Lan 9%, Indonesia 9%.
Đây là một thông tin đáng lưu ý bởi nếu so sánh về quy mô thị trường thì dân số Việt Nam ít hơn các nước như Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh rất nhiều.
Dữ liệu sản lượng táo xuất khẩu do hải quan Trung Quốc công bố.
Theo Hoàng Hiệp/VietnamNet