Nam thanh niên sử dụng tre, vầu, trúc… để tạo nên đồ tiêu dùng thân thiện với môi trường.
Nuôi dưỡng ý tưởng từ ngày sinh viên, hai lần rời bỏ trường đại học vì điều kiện gia đình, Lê Xuân Hà (xã Tân Thành, Thường Xuân, Thanh Hóa) đã tìm hiểu để làm ra chiếc thìa bằng tre nứa đầu tiên. Nhiều sản phẩm sau đó ra đời và phát triển mạnh nhất là ống hút bằng tre. Khóm cây nứa trồng hoặc mọc tự nhiên sau 7 năm có thể khai thác, thân cây to bằng ngón tay, dài 3-5 mét.
Nguyên liệu chủ yếu mọc ngoài bìa rừng, ven suối. “Tháng 11 hàng năm khi thời tiết chuyển lạnh là lúc cây tre ngừng sinh trưởng. Thời tiết khô hanh nên thân cây ít nước, ít dưỡng chất, rắn chắc nên không bị mối mọt”, Hà cho biết.
Nguyên vật liệu mua từ người dân đi khai thác về sẽ được phơi khô và tập kết lại nơi thoáng mát để tránh mối mọt.
Tất cả được chằng bó cẩn thận để dễ dàng hơn khi tiến hành phân loại và đưa về xưởng.
Một chiếc ống hút tre phải trải qua 10 công đoạn, hoàn toàn thủ công. Mỗi ngày có gần 10 người thực hiện đánh bóng ống trên máy.
Từng thân cây được cắt với kích thước nhất định, sau đó phân loại rồi đưa vào giá và rửa sạch bên trong và ngoài bằng nước.
Những chiếc máy tự chế bằng mô tơ sẽ đánh bóng đầu ống hút, loại bỏ những phần thừa gây ra bởi máy cắt. Mỗi máy đánh bóng tối đa mỗi lần 20 chiếc.
Ống sẽ được xếp vào khuôn sau đó rửa lại, đánh mịn và xử lý vết cắt lần thứ hai.
Người thợ kiểm tra thủ công bằng tay lần cuối cùng để chuyển hàng nghìn chiếc ống vào nồi luộc.
Chiếc nồi hơi sẽ được xếp đặc những chiếc ống hút thành phẩm, nước sẽ đổ đầy và cho thêm muối trắng để loại bỏ và phòng chống mối mọt. Mối nhân công tại xưởng được trả 20 ngàn đồng/giờ.
Thời gian luộc ống là 24 tiếng rồi đưa vào sấy khô. Người thợ chính sẽ kiểm tra và phân loại, đóng gói theo đơn đặt hàng. Hiện có ba loại ống phân theo cấp 1-2-3 và giá thành từ 1 ngìn đến 5 nghìn đồng/ ống.
Hiện xưởng đã có 10 sản phẩm từ tre, nứa. "Mỗi tháng xưởng làm ra 50.000-100.000 ống. Doanh thu từ ống hút là 50 triệu đồng/tháng", Hà nói.
Theo Ngọc Thành/VnExpress