Lâu nay, sàn thương mại điện tử (TMĐT) có tên tuổi tại Việt nam thường được kể đến là Lazada, Shopee, Tiki, Adayroi, Sendo… Nhưng thực tế là cả một nghịch lí: Doanh số bán hàng của những Lazada, Shopee, Tiki… lại kém xa doanh số online của Thế Giới Di Động.
Các "ông lớn" TMĐT liên tục tung ra các chương trình khuyến mãi, nhưng doanh số vẫn chưa thực sự lớn.
Doanh số “ông lớn” thương mại điện tử tới đâu?
Ba năm trở lại đây, chưa có một báo cáo nào nêu cụ thể doanh số của các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shoppe, Tiki, Sendo, Adayroi… Trước đó, vào tháng 2.2015, theo công bố của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin thuộc Bộ Công Thương, gần 220 sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) mang lại doanh thu cả năm 2014 chỉ hơn 1.660 tỉ đồng, tăng 15% so với năm 2013.
Đứng đầu là Lazada với 36,1% tổng doanh số trên, thứ hai là Sendo 14,4%... Tuy nhiên từ năm 2016 tới nay, thị trường TMĐT Việt Nam đã chứng kiến một sự đổi ngôi, theo đó, Shopee vào Việt Nam từ năm 2016 đã nhanh chóng cùng với Lazada nằm trong Top 2. Hai “ông lớn” này cũng luôn nằm trong danh sách các trang TMĐT có lượng truy cập lớn nhất tại Việt Nam theo thống kê của iPrice, và hoán đổi vị trí cho nhau theo quí, tính từ năm 2017 trở lại đây.
Thị trường TMĐT Việt Nam được dự báo tăng trưởng bình quân từ 20-30%/năm. Theo mức này, nếu Lazada đạt mức tăng trưởng bình quân 30%/năm từ giai đoạn 2015 tới nay thì sàn này cũng chỉ đạt doanh số vài ngàn tỉ đồng/năm.
Top truy cập các trang thương mại điện tử tại Việt Nam quí III/2018.
Doanh số thị trường TMĐT Việt Nam cũng được dự báo sẽ đạt giá trị 10 tỉ USD vào năm 2020. Tuy nhiên, con số đó chia đều cho rất nhiều ngành, từ bán hàng trực tuyến qua website, qua mạng xã hội, khuyến mãi online cho đến thanh toán trực tuyến.v.v… Chưa có con số thống kê chính thức nhưng mảng bán hàng qua Facebook cũng không hề lép vế, thậm chí còn vượt trội về doanh số so với bán hàng qua các sàn TMĐT chính thức được Bộ Công Thương cấp phép.
“Vua” bán hàng online lại không phải doanh nghiệp TMĐT
Đây cũng có lẽ là một trường hợp “cá biệt”.
Theo báo cáo tóm tắt tình hình kinh doanh 11 tháng năm 2018 của Cty CP đầu tư Thế Giới Di Động, mảng bán hàng online của doanh nghiệp này đã đạt khoảng 10.900 tỉ đồng, bình quân mỗi tháng đạt hơn 990 tỉ đồng. Thế Giới Di Động là một doanh nghiệp phân phối bán lẻ, hiện có ba chuỗi bán lẻ lớn là Thegioididong.com, Điện Máy Xanh và Bách Hóa Xanh. Doanh thu online của Thế Giới Di Động hiện chiếm khoảng 13,8% tổng doanh thu.
Chiếu theo doanh số trên, khả năng kết năm 2018 Cty này đạt doanh số bán hàng online phải xấp xỉ 12.000 tỉ đồng. Đây có thể là một doanh số “khủng” chưa chắc Top 5 doanh nghiệp TMĐT gồm Lazada, Shopee, Tiki, Sendo, Adayroi đạt được trong năm 2018.
Điều đó cũng cho thấy, các sàn TMĐT tại Việt Nam dù đang cạnh tranh gay gắy và bùng nổ trong khoảng 3 năm trở lại đây, nhưng về mặt giá trị, các “ông lớn” TMĐT vẫn chưa thể được xem là lớn.
11 tháng, Thế Giới Di Động đạt doanh số online 10.900 tỉ đồng.
Điều này rất khác với các thị trường như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…, đã là “ông lớn” TMĐT cũng đồng nghĩa nắm giữ doanh số bán hàng online lớn nhất.
Trong khi đó theo nghiên cứu của iPrice, trong quí III/2018, tính về lượng truy cập vào các trang bán hàng online, thì Shopee đã vượt mặt Lazada lên ngôi đầu, Thế Giới Di Động ở vị trí thứ hai, còn Lazada xếp thứ ba. Nhưng nếu xét về doanh số thì Thế Giới Di Động (chủ yếu tập trung vào Thegioididong.com và Dienmayxanh.com) lại tạo ra khoảng cách xa.
Theo Thế Lâm/Lao động