Tình trạng hàng giả, hàng nhái gia tăng khiến cơ quan quản lý, doanh nghiệp đau đầu và người tiêu dùng bất an và bức xúc.
Thời điểm cuối năm luôn là khoảng thời gian mà nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng tăng cao. Cũng trong dịp này, hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng cũng nhân dịp này bùng phát, gia tăng cả về số lượng lẫn chủng loại. Tình trạng này khiến không chỉ các cơ quan chức năng, doanh nghiệp thấy mệt mỏi, đau đầu mà nhiều người tiêu dùng cũng cảm thấy bức xúc do mua phải.
Người tiêu dùng bức xúc
Chị Nguyễn Thị Lan Hương (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, cách đấy mấy ngày, khi đi mua một thỏi son để tặng đồng nghiệp nhưng mua về đã phát hiện ra son giả của một thương hiệu nổi tiếng nên cảm thấy rất bực mình. “Tiền mình bỏ ra mua hàng thật, vậy mà lại được nhận hàng giả. Bực mình hơn là khi tôi đến cửa hàng để nói chuyện thì chủ cửa hàng cãi bay và nói không phải sản phẩm của cửa hàng”, chị Hương bức xúc.
Nhiều sản phẩm hàng nhái gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng.
Hay như chia sẻ của anh Nguyễn Văn Nam (Long Biên, Hà Nội), tháng 10/2018 có mua 1 chiếc đồng hồ hiệu Casino với giá hơn 3 triệu đồng tại một cửa hàng khá lớn trên phố Bà Triệu. Tuy nhiên, sau thời gian sử dụng chiếc đồng hồ gặp trục trặc, khi đi kiểm tra mới biết đó là hàng giả khiến anh có cảm giác thực sự khó chịu vì tâm lý bị lừa.
Không chỉ anh Nam hay chị Hương là nạn nhân của tình trạng hàng giả, hàng nhái... rất nhiều người tiêu dùng Việt cũng đã từng gặp phải việc này do không thể phân biệt được sự khác biệt giữa hàng thật và hàng giả.
Theo số liệu từ Ban chỉ đạo 389 quốc gia, trong 11 tháng qua, trên cả nước có gần 80.000 vụ việc vi phạm trong vấn đề hàng gian, hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ được ngành chức năng phát hiện, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2017 với tổng số tiền bị phạt và tịch thu hàng hóa trị giá hơn 1.000 tỷ đồng.
Riêng lực lượng Quản lý thị trường từ đầu năm 2018 đã phát hiện và xử lý trên 100.000 vụ vi phạm, nộp ngân sách gần 400 tỷ đồng. Điều này cho thấy, tính chất và mức độ vi phạm trong việc làm hàng giả, hàng nhái, sao chép nhãn hiệu, thương hiệu ngày càng tinh vi và phức tạp.
Bà Đào Thùy Dung, Tổng Giám đốc Công ty CP Đông y Quốc Triệu cho rằng, công tác phối hợp giữa người tiêu dùng, doanh nghiệp và các cơ quan chức năng cần làm tốt hơn nữa để đẩy lùi vấn nạn hàng giả, hàng nhái.
Bà Đào Thùy Dung, Tổng Giám đốc Công ty CP Đông y Quốc Triệu (Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, hiện nay tình trạng hàng giả, hàng nhái đang tràn lan khiến người tiêu dùng mất niềm tin đồng thời gây thiệt hại nghiêm trọng đối với các thương hiệu, các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Nhiều tổ chức, cá nhân đang bất chấp những điều này để sản xuất và kinh doanh phi pháp, tiếp tay cho hàng giả hoành hành như “con sâu bỏ dầu nồi canh” làm uy tín của các doanh nghiệp giảm sút và mất lòng tin người tiêu dùng.
“Người tiêu dùng vẫn có tâm lý thích mua sắm hàng giá rẻ mà quên mất việc xem xét kỹ chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, nhiều người tiêu dùng còn có tâm lý bất hợp tác với các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, tố giác các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng nhái. Điều này đã góp phần cho hàng giả, hàng nhái có cơ hội nở rộ và hoành hành, cơ quan chức năng cũng gặp nhiều khó khăn trong việc phát hiện và xử lý vấn nạn này”, bà Dung bày tỏ.
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Đại diện các cơ quan chức năng cho rằng, để công tác chống hàng gian, hàng giả có hiệu quả hơn, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cơ quan. Các Bộ, ngành chức năng cần kiện toàn văn bản pháp luật, có chế tài xử phạt đủ sức răn đe, trường hợp nghiêm trọng cần truy cứu trách nhiệm hình sự. Đặc biệt, sự hợp tác và phối hợp của đông đảo người tiêu dùng là yếu tố vô cùng cần thiết trong việc đấu tranh, phát hiện và xử lý hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Bày tỏ quan điểm tại hội thảo về thực trạng hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam diễn ra mới đây, ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho rằng, cần tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp với các lực lượng chức năng như Công an, Hải quan, Bộ đội Biên phòng, thanh tra chuyên ngành trong đấu tranh chống buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng.
Hàng nhái nhãn hiệu ngày càng tinh vi rất khó phát hiện nếu không có nghiệp vụ chuyên ngành.
Đặc biệt, cần đẩy mạnh hoạt động trao đổi thông tin giữa các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng để công tác kiểm tra, xử lý hàng giả đạt hiệu quả. Các cơ quan chức năng cần tăng cường tập huấn đào tạo nâng cao nghiệp vụ của lực lượng quản lý thị trường, nhất là tập huấn về phòng chống hàng gian, hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ ở lĩnh vực thương mại điện tử. Lực lượng thực thi nhiệm vụ cần nắm rõ thông tin, địa bàn để có phương án kịp thời phát hiện, kiểm tra xử lý các vụ hàng gian, hàng giả có hiệu quả.
Theo ông Trương Văn Ba, Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, hiện tại, để ứng phó với vấn nạn buôn lậu, gian lận thương mại, Ban chỉ đạo 389 đã xây dựng kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực thương mại điện tử đặc biệt trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2019 sắp tới.
Theo Luật sư Lê Trung Phát, Giám đốc Công ty Luật TNHH Luật sư Riêng (Đoàn Luật sư TP HCM, hiện nay chế tài xử phạt vi phạm hành chính rõ ràng chưa đủ sức răn đe đối với các hành vi vi phạm, mức phạt còn rất thấp so với hậu quả mà họ đã gây ra cho xã hội.
Đặc biệt là các hành vi vi phạm có ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều người thì hình phạt chưa tương xứng. Vì thế cần hoàn thiện thêm về tội danh sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái và có hướng dẫn cụ thể để các quy định sớm đi vào thực tiễn, từ đó góp phần hạn chế, giảm tác hại của vấn nạn hàng giả, hàng nhái đang hoành hành như hiện nay./.
Theo Huy Phương - Nguyễn Quỳnh/VOV.VN