Đại diện các tập đoàn chăn nuôi, chế biến và cung ứng thịt lợn đều khẳng định: Chăn nuôi lợn đang cho lãi rất tốt. Vậy, tại sao doanh nghiệp lại "mừng trước, lo sau"?
Cục Chăn nuôi khẳng định: Đàn lợn nuôi trong dân đã giảm mạnh. Ảnh: HHCN
Trước “chất vấn” của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường về tình trạng giá lợn hơi đang “cao một cách vô lý” so với giá thành chăn nuôi, phải chăng đang thiếu hụt nguồn cung?, đại diện các tập đoàn chăn nuôi lợn đều khẳng định: Chăn nuôi lợn đang cho phát triển tốt, lãi cao.
Theo Phó Tổng Giám đốc Kiều Minh Lực-Tập đoàn C.P Việt Nam, hiện C.P đang bán số lượng lợn ra thị trường hằng ngày cao hơn các ngày bình thường tới 30%. Để có đủ nguồn lợn cung ứng cho các lò mổ, thương lái, C.P phải hạ tiêu chuẩn trọng lượng lợn hơi từ trên 120kg/con xuống còn 90kg/con. Việc xuất chuồng đàn lợn khi chưa đủ trọng lượng 1 tạ là cách làm bất đắc dĩ, lợi nhuận không cao, nhưng CP vẫn bán ra vì nhu cầu của thị trường”. Tuy nhiên, ông Kiều Minh Lực khẳng định: CP không thể duy trì được tình trạng này lâu dài bởi lợn không kịp lớn để bán.
Đại diện Công ty TNHH Japfa Việt Nam, thẳng thắn bày tỏ: Giá lợn hơi hiện nay 50.000-52.000đ/kg, DN “mừng đó nhưng lo đó” bởi những hệ lụy lâu dài phía sau. Mức giá tốt nhất là nên duy trì ổn định là trục giá 40.000 - 45.000 đồng/kg.
Nhiều ý kiến cho rằng, nên nuôi lợn “già tháng” hơn so với trước. Nếu như trước đây trọng lượng lợn hơi khoảng 1,0-1,1 tạ là xuất chuồng, thì nay nên để khoảng 1,2-1,3 tạ/con. Nếu như vậy, sản lượng lợn ra thị trường sẽ tăng lên nhưng không cổng đàn không tăng. Giải pháp này vừa giải quyết được nguồn cung và tránh tình trạng dư thừa do tăng đàn sau này.
Theo ông Phạm Văn Học – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dabaco Việt Nam, giải pháp bền vững là các DN chăn nuôi tiếp tục nâng cao hiệu quả sản xuất, hạ giá thành sản phẩm để giá bán đến tay người tiêu dùng hợp lý hơn. Hiện tại, Tập đoàn Dabaco đang bán thịt lợn do DN tự chăn nuôi, giết mổ tại hệ thống siêu thị của Dabaco giá thấp hơn thị trường 5 - 6%. “Hiện nay rất may là giá lợn hơi Việt Nam cơ bản ngang bằng với giá lợn tại Trung Quốc và cao hơn giá lợn hơi tại Thái Lan khoảng 3.000 - 5.000 đồng/kg nên hạn chế việc tạo ra mức lợi nhuận hấp dẫn để buôn lậu lợn qua biên giới phía Bắc”-ông Học cho biết.
Phát biểu tại buổi gặp mặt các DN, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Sau khủng hoảng, hiện chăn nuôi lợn đang mang lại nguồn lợi nhuận rất tốt, ngành chăn nuôi cũng đã được tái cơ cấu khi số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ giảm từ 4,5 triệu xuống còn 3 triệu.
“Mục tiêu của Bộ NNPTNT là tới đây giảm dần xuống 2 triệu, 1 triệu rồi một ngày nào đó không còn chăn nuôi nhỏ lẻ nữa để chỉ còn lại các trang trại, DN chăn nuôi hiện đại, công nghệ cao đủ sức cạnh tranh cũng như hạn chế tối đa áp lực ô nhiễm tới môi trường. Các DN chăn nuôi lợn phải hết sức chia sẻ với người tiêu dùng, kinh doanh theo hướng bền vững, duy trì thị trường ổn định lâu dài thay vì “nay đắt mai rẻ”- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Theo Khánh Vũ/Lao Động