BGTV- Những năm qua, sự phát triển nghề và làng nghề trong tỉnh đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực. Tuy nhiên cùng với sự tác động mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường đã và đang tạo ra không ít khó khăn và thách thức tới các làng nghề truyền thống.
Loay hoay làng nghề
Thôn Sỏi (xã Bố Hạ, Yên Thế) là địa phương có nghề đan lát lâu đời, hiện nay các sản phẩm của làng nghề chủ yếu là các mặt hàng thô: rổ, rá, cót, bồ, phên gạch, lồng gà, bu gà, lồng lơn... Từ một nghề phụ làm những lúc nông nhàn nghề đan lát đã trở thành một nghề chính của hơn 200 hộ dân, mặt hàng của làng nghề không chỉ phục vụ cho nhu cầu của người dân trong địa bàn huyện Yên Thế mà còn được đưa đi tiêu thụ trong địa bàn tỉnh Bắc Giang. Chị Lê Thị Ngân, một hộ gia đình có truyền thống làm nghề chia sẻ: “Nghề chủ yếu do ông bà truyền lại cho con cháu trong nhà qua nhiều năm, trừ chi phí cũng cho thu nhập khoảng 100 – 120.000 đồng/ngày”.
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển làng nghề gắn với xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy, UBND xã Bố Hạ đã xác định phát triển làng nghề mây tre đan là một hướng đi đúng đắn và lâu dài trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Tuy nhiên, nghề mây tre đan nói chung và làng nghề mây tre đan ở thôn Sỏi nói riêng đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức: thiếu vốn, nhân lực, nguyên liệu và thị trường, sản phẩm của làng nghề chủ yếu vẫn là các mặt hàng thô, chưa tạo được dấu ấn, việc sản xuất tại một số hộ gia đình tại đây phụ thuộc chủ yếu vào người lớn tuổi, chính quyền địa phương đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm thu hút lao động, khuyến khích tay nghề nông thôn song những biện pháp “dài hơi” hơn như hỗ trợ người dân nguồn vốn, mở rộng tìm kiếm thị trường ổn định vẫn là bài toán cần nhiều thời gian.
Theo thống kê, hiện cả tỉnh Bắc Giang có hơn 400 làng có nghề, trong đó 36 làng nghề được UBND tỉnh công nhận. Các nghề thủ công khá phong phú ở nhiều lĩnh vực như : mây tre đan, sản xuât gốm, làm mỳ gạo, bún, bánh đa, nấu rượu, sản xuất mộc dân dụng. Đây là những làng nghề có lịch sử hình thành lâu đời, sản xuất những sản phẩm thủ công truyền thống nổi tiếng trong và ngoài nước. Mặc dù nhiều sản phẩm đã và đang tạo dựng tiếng nói trên thị trường nhưng hiện nay không ít làng nghề lâm vào tình cảnh khó khăn, sản xuất mang tính cầm chừng, thị trường tiêu thụ và nguyên liệu đầu vào ngày càng thắt chặt, bên cạnh đó thế hệ trẻ nhiều nơi đã không còn mặn mà với làng nghề truyền thống.
Làng nghề trên địa bàn tỉnh hiện đang gặp nhiều khó khăn để duy trì và phát triển
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hậu quả này, tuy nhiên quan trọng nhất vẫn là những vướng mắc trong việc cung cấp nguyên liệu, đầu ra cho sản phẩm làng nghề, hiệu quả kinh doanh thấp, thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, không ổn định. Ðặc biệt yếu tố thu nhập của người lao động có vai trò quyết định tới việc giữ chân họ trong làng nghề. Hiện nay thu nhập của người lao động trong làng nghề thấp nên buộc phải chuyển sang làm nghề khác như đi lao động nước ngoài, tỉnh ngoài hoặc vào làm trong các khu, cụm công nghiệp có thu nhập cao hơn.
Cần phát huy tối đa tiềm năng sẵn có
Với lợi thế có nhiều làng nghề so với một số tỉnh lân cận, nhiều làng nghề có những bí quyết riêng biệt nơi khác không có, những năm gần đây chính quyền và nhân dân Bắc Giang đã quan tâm đến phát triển làng nghề đó là những điều kiện tốt cho việc khai thác phát triển du lịch tại các làng nghề truyền thống.
Để bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của làng nghề cần chú trọng bảo tồn các giá trị đặc sắc và có chính sách để hoạt động tại các làng nghề ngày càng hiệu quả, theo đó cần phân loại những ngành nghề truyền thống có khả năng tồn tại, phát triển và những ngành có nguy cơ mai một, để có chính sách phù hợp; lựa chọn sản phẩm đặc trưng để đầu tư phát triển các làng nghề truyền thống có sản phẩm xuất khẩu, khai thác du lịch, đặc biệt, để phát triển du lịch làng nghề bền vững, cần quan tâm đến vấn đề môi trường, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất.
Theo Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, thời gian qua đơn vị đã tăng cường chỉ đạo các địa phương rà soát, đánh giá đúng thực trạng phát triển nghề của địa phương để có những giải pháp phát triển nghề làng nghề phù hợp. Ngoài ra, Sở Khoa học và Công nghệ tích cực hỗ trợ các cơ sở sản xuất làng nghề ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới thiết bị công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu, dịch vụ theo quy định. Song song với đó, công tác đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân để nhận thức rõ hơn về ý nghĩa, vai trò của phát triển nghề và làng nghề trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.
Vấn đề phục hồi, phát triển làng nghề truyền thống trong thời điểm hiện nay vẫn còn rất nhiều khó khăn thách thức, bên cạnh sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ từ phía lãnh đạo tỉnh, địa phương còn cần tới sự nỗ lực, nhạy bén của bà con trước bối cảnh hội nhập sâu rộng và cạnh tranh khốc liệt của thị trường để làng nghề trong tỉnh trở thành yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội tại mỗi địa phương./.
Minh Anh