Trước luồng dư luận trái chiều, chủ đầu tư dự án BT cầu Đồng Sơn (Bắc Giang) đã chính thức lên tiếng và đưa ra căn cứ khẳng định việc tham gia đấu thầu là hoàn toàn đúng quy định pháp luật. Hiện dự án đã hoàn thành được 90% tiến độ nhưng UBND tỉnh Bắc Giang vẫn chưa giao bất kỳ m2 đất nào cho doanh nghiệp trên 47 ha đất đô thị được giao, thực tế mới chỉ là dự kiến. Điều này cũng được thể hiện rõ tại hợp đồng BT giữa UBND tỉnh Bắc Giang và Cty TNHH Tân Thịnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nói gì trong việc thực hiện dự án BT cầu Đồng Sơn
Hiện dự án BT cầu Đồng Sơn đã cơ bản hoàn thành đến 90%
Công ty Tân Thịnh chưa được giao bất kỳ m2 đất nào?
Sau bài viết: “Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nói gì trong việc thực hiện dự án BT cầu Đồng Sơn”, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có buổi làm việc trực tiếp với nhà đầu tư – Cty TNHH Xây dựng Tân Thịnh để có những thông tin cụ thể, đa chiều về vấn đề này.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Quyền – Giám đốc Cty Tân Thịnh cho biết: “Dự án BT cầu Đồng Sơn được dự kiến triển khai thực hiện trong 2 năm, nhưng hiện nay, sau hơn 1 năm, dự án đã cơ bản hoàn thành đến 90%. Trong khi, tiền ngân sách chưa bỏ 1 xu, đất vẫn chưa bàn giao. Nói giao trên 47ha cho doanh nghiệp nhưng hiện sổ đỏ vẫn nằm trong dân, dân chưa giao đất, chưa giao ruộng cho Nhà nước nên Nhà nước vẫn chưa giao đất cho tôi. Đến thời điểm này, Cty Tân Thịnh chưa được bàn giao hay tiếp nhận bất kỳ một phần diện tích đất nào, chứ chưa nói đến việc phân lô hay bán đất”.
“Theo dự kiến, nhà đầu tư được giao 47,41 ha đất (trong đó có 13,75 ha là đất ở, còn lại là đất công cộng, cơ quan, thương mại, trường học...). Hiện tại đã giải phóng mặt bằng (GPMB) được khoảng 40% thì vẫn thuộc đất của Nhà nước, còn phần chưa GPMB là của dân. Do chưa có quyết định giao đất, định giá đất nên đến thời điểm này, chúng tôi vẫn chưa được tiếp nhận bất cứ một m2 đất nào nào”, ông Quyền chia sẻ.
Về lý do chưa được giao đất, ông Quyền cho biết: Hiện đang vướng văn bản của Bộ Tài chính về việc giao tài sản Nhà nước cho các dự án. Việc này, Bộ Tài chính phải xin ý kiến của Thủ tướng, thế nhưng chờ nhiều tháng nay rồi chưa có. Mà nếu có, thì cũng chưa thể giao đất ngay được.
Trước thông tin hoài nghi về năng lực nhà thầu, ông Quyền thẳng thắn: “Năng lực thực tế nằm trên công trình. Với một dự án có tổng số vốn hàng nghìn tỉ đồng mà nguyên GPMB đã hết gần 200 tỷ, chưa kể tiền đầu tư xây dựng đã chứng minh năng lực tài chính thực sự của chúng tôi. Thời gian thực hiện dự án theo kế hoạch là 2 năm, đến nay mới được 1 năm rưỡi, chúng tôi đã hoàn thành tới 90% tiến độ. Nếu không có năng lực thực sự, liệu chúng tôi có làm được như vậy không? Với tiến độ như hiện nay, dự kiến đến 19/8 công trình sẽ hoàn thành và tổ chức nghiệm thu. Lễ thông xe sẽ được tổ chức đúng dịp kỉ niệm ngày thành lập tỉnh Bắc Giang vào 10/10 tới đây”.
“Còn quá trình tham gia đấu thầu dự án, tôi đã làm đúng trình tự thủ tục và khi chính quyền chấp nhận cho làm thì tôi mới làm, chứ không thể tự nhiên ai mang máy lên đó đào đất để làm được”, ông Quyền chia sẻ.
Các chứng từ cho thấy, Cty TNHH Tân Thịnh đang phải trả lãi hàng tháng cho Quỹ Đầu tư phát triển của tỉnh Bắc Giang
Quỹ đầu tư phát triển cho vay lấy lãi chứ không phải cho vay ưu đãi
Ông Nguyễn Văn Quyền, Giám đốc Cty Tân Thịnh đã khẳng định như vậy khi trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng về thông tin Quỹ Đầu tư phát triển Bắc Giang cho vay ưu đãi để thực hiện dự án.
Ông Quyền cho biết: Khi thương thảo hợp đồng BT, tôi có đề nghị với tỉnh 2 việc, nếu nay mai trong trường hợp khó khăn: Thứ nhất, cho phép tôi được vay tối đa 50 tỷ từ quỹ đầu tư của tỉnh với lãi suất theo quy định của Quỹ đầu tư.
Thứ hai, trong trường hợp không giao được đất vì điều kiện không giải phóng được mặt bằng, hoặc được giao đất nhưng do biến động của thế giới và kinh tế Việt Nam mà thị trường bất động sản bị chìm lắng, không bán được thì đề nghị tỉnh có giải pháp hỗ trợ tiền ngân sách, sau khi đã bán được đất, Cty sẽ hoàn trả lại.
“Đến tháng 7/2017, sau nhiều lần làm việc với các ngân hàng nhưng không thể ký được hợp đồng, chúng tôi mới đề xuất với tỉnh xin được vay một phần vốn từ Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Bắc Giang. Lúc đó, chúng tôi đề nghị tỉnh cho vay 25 tỷ (Quỹ Đầu tư phát triển của tỉnh lúc đó đang có 100 tỷ), năm nay thông qua HĐND, Quỹ bổ sung thêm 200 tỷ thì tháng 6/2018, chúng tôi được vay thêm 25 tỷ là 50 tỷ. Như vậy, khi đã gần kết thúc dự án, chúng tôi mới được vay 50 tỉ đồng với mức lãi suất 8%/năm, trong khi các ngân hàng cho vay chỉ 6,5%/năm, chưa đầy một năm chúng tôi đã phải trả gần 2 tỷ đồng tiền lãi, vậy chúng tôi được ưu ái chỗ nào?
“Việc vay vốn này là hoàn toàn phù hợp, bởi chức năng của Quỹ Đầu tư phát triển của tỉnh cho phép các doanh nghiệp vay vốn để thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh”, ông Quyền bày tỏ.
Trước thông tin, tỉnh Bắc Giang ưu ái bảo lãnh cho nhà đầu tư vay không đúng quy định, ông Nguyễn Văn Quyền thẳng thắn chia sẻ: Để huy động hàng tỉ đồng tiền vốn thực hiện dự án này, toàn bộ tài sản có giá trị của Cty đã đem thế chấp vay vốn. Chúng tôi đã báo cáo và đề xuất với tỉnh tạo điều kiện cho vay tín chấp. Bởi trên thực tế, chúng tôi đã đầu tư trên 1 nghìn tỉ đồng vào thực hiện dự án, dự án cũng sắp hoàn thành nên tỉnh mới đồng ý cho vay với mức lãi suất theo quy định”.
Trước đó, trả lời Báo điện tử Xây dựng về việc kiểm tra phản ánh liên quan đến việc thực hiện dự án BT cầu Đồng Sơn, ông Nguyễn Văn Linh - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang khẳng định: Tỉnh đã thực hiện đúng quy trình, tổ chức đấu thầu công khai và thực hiện đúng theo quy định pháp luật của Luật Đấu thầu, quy định việc đầu tư theo hình thức đối tác, công tư. Hiện tỉnh giao Sở Kế hoạch đầu tư kiểm tra và có văn bản báo cáo Uỷ ban, UBND tỉnh Bắc Giang sẽ báo cáo Thủ tướng trong thời gian sớm nhất.
Bên cạnh đó, ông Linh cũng cho biết, việc dư luận cho rằng tỉnh Bắc Giang quá “dễ dãi” với Cty TNHH Xây dựng Tân Thịnh là chưa chính xác. Hiện nay tỉnh đã giao Sở Kế hoạch đầu tư kiểm tra và sẽ báo cáo Thủ tướng trong thời gian sớm nhất.
Về vấn đề này, ông Trịnh Hữu Thắng - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Giang cũng khẳng định: Đã làm đúng trình tự thủ tục, từ đề xuất đến lập báo cáo khả thi, lựa chọn nhà đầu tư rồi đăng báo… chúng tôi đều làm đúng các khâu.
Ông Thắng cũng cho biết: “Theo quy định, vốn sở hữu tối thiểu của nhà đầu tư là 15% nên khi cung vốn vươn lên họ phải được vay, mà hiện nay làm BT ngân hàng không cho vay. Việc Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Bắc Giang cho vay là vay lấy lãi, chứ không phải cho vay ưu đãi. Bởi, một dự án nghìn tỷ, mà họ không được vay ngân hàng đồng nào thì nhà đầu tư chết”.
Trong những năm qua, trên mọi diễn đàn, Đảng, Chính phủ vẫn luôn kêu gọi hỗ trợ và bảo vệ doanh nghiệp. Việc thông tin một chiều, thiếu chính chính xác, trong bất kỳ hoàn cảnh nào rất có thể sẽ gây hiểu lầm, tạo hình ảnh xấu cho doanh nghiệp cũng như chính quyền địa phương. Việc đầu tư xây dựng cầu Đồng Sơn tại Bắc Giang cũng cần được nhìn nhận tích cực, bởi thực tế, Cty TNHH Tân Thịnh đã thực hiện dự án vượt mức tiến độ đề ra.
Theo Kim Thoa/Báo Xây dựng