Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Lê Văn Vớt (37 tuổi, ngụ xã Hàm Giang, H.Trà Cú, Trà Vinh) còn xúc tiến tìm đầu ra cho ớt của hợp tác xã do anh làm giám đốc.
Ớt hữu cơ anh Vớt trồng rất sai quả ẢNH: THANH NHÀN
Anh Vớt kể, hơn 10 năm trước, anh làm tài xế cho một công ty xuất nhập khẩu rau quả ở TP.HCM, sau đó làm tài xế cho một giám đốc ngân hàng. Thu nhập thời gian này không đủ trang trải cuộc sống nên anh quyết định về quê. “Lúc về quê, tôi nghĩ ngay đến ý định trồng ớt chỉ thiên bán. Thấy một người ở Trà Vinh bỏ miếng đất trống nên tôi hỏi mượn một phần trồng ớt và đầu tư hệ thống tưới tiêu đầy đủ. Nhưng sau 1 năm, người này lấy lại đất. Tôi phải mở cơ sở thu mua ớt tại xã Hàm Giang để bán cho các chợ đầu mối”, anh Vớt tâm sự.
Cuối năm 2017, anh Vớt thuê 12 công đất với giá 30 triệu đồng/năm và quyết tâm trồng ớt sạch. Anh không mua giống bên ngoài mà tự ươm giống trên khay, sau đó bốc cây trồng xuống đất. “Một mặt tôi dùng màn phủ tạo độ ẩm nuôi vi sinh, mặt khác tôi mua phân bò đem về ủ trong khoảng 1 tháng rồi bón cho cây. Tôi còn mua thêm phân vi sinh của một công ty ở Hà Nội để bón, tuyệt đối không dùng phân hóa học”, anh Vớt chia sẻ.
Trong 12 công ớt trồng theo hướng hữu cơ, anh Vớt dành riêng 1 công trồng ớt sừng xanh bán cho công ty ở TP.HCM để làm tương ớt xuất khẩu đi Mỹ và cấp đông xuất sang Malaysia. Anh cho biết: “Ớt này được công ty bao tiêu 22.000 đồng/kg. Tôi mới thu hoạch được khoảng 3 tấn, chi phí nhân công hái, phân... hết 17 triệu đồng, tính ra còn lãi rất đậm”. Riêng ớt sừng vàng anh bán ở các chợ đầu mối với giá từ 35.000 - 40.000 đồng/kg.
Cũng theo anh Vớt, mới đây, công ty mua ớt xuất khẩu ở TP.HCM đã xuống kiểm tra và có nguyện vọng bao tiêu ớt của các xã viên trong hợp tác xã nông nghiệp Thịnh Phát do anh làm giám đốc. “Công ty sẽ tổ chức hội thảo. Nếu xã viên nào sản xuất theo hướng hữu cơ giống như tôi họ đều bao tiêu hết sản phẩm. Hợp tác xã hiện có hơn 100 xã viên, diện tích trồng ớt hơn 30 ha. Nếu có sản phẩm chất lượng xuất khẩu thì ớt bán được giá vì có đầu ra ổn định, còn xã viên được nâng cao thu nhập”, anh Vớt kỳ vọng.
Ông Thạch Ngọc Thạch, Phó chủ tịch UBND xã Hàm Giang, nhìn nhận mô hình trồng ớt hữu cơ của anh Vớt chỉ sử dụng phân sinh học, vừa có sản phẩm sạch vừa giúp bảo vệ môi trường. “Cũng mong hợp tác xã tìm được công ty bao tiêu sẽ đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, giúp nông dân không chịu cảnh thương lái ép giá như những vụ vừa qua”, ông Thạch nói.
Theo Thanh Nhàn/ Thanh Niên