Dự án (DA) nạo vét, xây kè và bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê (thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) được UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt từ năm 2001, đến nay qua 4 lần điều chỉnh từ một DA nạo vét quy mô nhỏ với 72 tỉ đồng đầu tư, được biến hóa trở thành DA “siêu đội vốn” lên tới 2.595 tỉ đồng. Tuy nhiên, trải qua 17 năm triển khai DA này vẫn dở dang, chậm tiến độ và nhiều hệ lụy kèm theo.
Sau 4 lần điều chỉnh, vốn đầu tư tăng gấp 36 lần
Ngày 28.6.2001, UBND tỉnh Ninh Bình có Quyết định số 1305/QĐ-UB về việc phê duyệt DA khả thi nạo vét, kè đá hai bên bờ sông Sào Khê thuộc Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư (huyện Hoa Lư) với tổng mức đầu tư là 72 tỉ đồng (chia làm 2 giai đoạn), nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước; thời gian thực hiện dự án từ 2001-2002; chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án thủy lợi Ninh Bình (nay là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình NNPTNT tỉnh Ninh Bình).
Một cây cầu bắc qua sông Sào Khê đã được xây dựng xong từ nhiều năm nay nhưng không có đường lên cầu. Ảnh: NGUYỄN TRƯỜNG
Đến ngày 23.5.2003, UBND tỉnh Ninh Bình tiếp tục ban hành Quyết định số 1015/QĐ-UBND về việc phê duyệt lại Báo cáo nghiên cứu khả thi DA nạo vét, xây kè, bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê, nâng tổng mức đầu tư DA lên 189 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương cấp qua Bộ NNPTNT và qua Chương trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội của Chính phủ. Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án thủy lợi Ninh Bình và thời gian khởi công và hoàn thành năm 2003-2005.
Không dừng lại tại đó, ngày 22.4.2005 UBND tỉnh Ninh Bình tiếp tục ban hành Quyết định số 679/QĐ-UBND về việc điều chỉnh tổng mức đầu tư của DA nạo vét, xây kè, bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê lên 399,695 tỉ đồng. Nguồn vốn từ ngân sách Trung ương hỗ trợ, thời gian thực hiện từ năm 2005-2007.
Đến ngày 2.12.2009, UBND tỉnh Ninh Bình tiếp tục ban hành Quyết định số 1469/QĐ -UBND. Theo đó, DA tiếp tục được điều chỉnh vốn đầu tư lên đến 2.595 tỉ đồng, tăng gấp 36 lần so với tổng mức đầu tư ban đầu và thời gian thực hiện từ năm 2005-2012.
Với mục tiêu nhằm góp phần tôn tạo, bảo tồn cảnh quan quần thể di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư, tạo điều kiện phát triển du lịch, lễ hội và cải tạo môi trường, đồng thời phục vụ việc tưới tiêu cho hơn 1.000ha canh tác của người dân. Tuy nhiên, đến nay sau 4 lần liên tục điều chỉnh DA để tăng vốn đầu tư gấp 36 lần so với ban đầu, biến DA này trở thành DA “siêu đội vốn”. Dù liên tục được điều chỉnh tăng vốn, thế nhưng, sau 17 năm triển khai DA này vẫn dở dang, chậm tiến độ, gây lãng phí tiền của Nhà nước.
Đã giải ngân từ vốn trái phiếu chính phủ trên 1.100 tỉ đồng
Theo báo cáo của Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình, tính đến thời điểm hiện tại DA này đã hoàn thành được 80% khối lượng.
Cụ thể: Đơn vị thi công đã tiến hành nạo vét được 12,8km/tổng số 14,25km sông, xây kè 8.860m/tổng số 14.250m, thi công xây dựng được 3/7 cây cầu bắc qua sông Sào Khê cùng một số cống tưới tiêu và đường phòng hộ… Tổng số tiền giải ngân đạt 1.223 tỉ đồng/tổng số 2.595 tỉ đồng, trong đó vốn trái phiếu chính phủ là 1.108 tỉ đồng và ngân sách tỉnh 115 tỉ đồng.
Theo quan sát của PV, tại hiện trường nhiều hạng mục của DA vẫn đang dang dở, thậm chí một số cây cầu bắc qua sông Sào Khê đã được xây dựng xong nhưng không có đường để đi lên cầu nên đành bỏ hoang cho cỏ dại mọc. Nhiều công trình kiến trúc nhà ở của các hộ dân vẫn chưa được giải tỏa…
Trao đổi với PV, ông Phạm Ngọc Thịnh - Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình - cho biết: “Đến thời điểm này, DA đang tạm dừng thi công vì không có vốn, chúng tôi đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Ninh Bình tiếp tục quan tâm bố trí vốn để DA triển khai thực hiện tiếp các hạng mục dang dở và các hạng mục cấp thiết, đảm bảo cảnh quan khu di tích Cố đô Hoa Lư”.
Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thanh: Lỗi chính là câu chuyện cơ chế Đây là một lỗi hỗn hợp, bắt đầu từ cơ chế chung về vấn đề đầu tư, trong đó có việc xác định dự án, danh mục dự án, khống chế ban đầu, tổng mức đầu tư cho địa phương với các dự án nhóm A, B, C… Từ những quy định như vậy, chủ đầu tư xem khả năng của mình vào nhóm nào để được đưa vào danh mục. Khi triển khai trên thực tế mới phát sinh nhiều yêu cầu, dẫn đến đội vốn. Đương nhiên chủ đầu tư có trách nhiệm chính và cả các cơ quan có trách nhiệm liên quan.T.C.A |
Theo Nguyễn Trường/Báo Lao Động