Tại TPHCM, năm 2016 đã có nhiều thắc mắc của dư luận trên địa bàn quận 1 về chủ trương quy hoạch và cho thuê đất đối với dự án Khu phức hợp văn phòng, khách sạn của Cty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79, tại địa chỉ số 8 Nguyễn Trung Trực, phường Bến Thành, quận 1, TPHCM. Cty CP Bắc Nam 79 là một Cty cổ phần. Cty này thành lập năm 2002, có trụ sở chính ở TP.Đà Nẵng. Trước đây, chủ tịch Hội đồng quản trị Cty này là ông Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “nhôm”.
Trụ sở Cty CP Bắc Nam 79 được cấp đất nằm trong khuôn viên Thư viện KHTH TPHCM gây nhiều tranh cãi. Ảnh: Bảo Chương.
Đất vàng...
Khu đất tại khuôn viên Thư viện Khoa học Tổng hợp (KHTH) thành phố được bao quanh bởi bốn tuyến đường Lý Tự Trọng, Lê Thánh Tôn, Nguyễn Trung Trực và Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Hiện khu đất này đang nằm trong quy hoạch khu trung tâm 930ha của TP. Vào tháng 7.2006, lãnh đạo Thư viện KHTH TP có Công văn số 223/TV đề nghị ngưng hợp thức hóa nhà cho người dân có nhà trong khuôn viên này với lý do TP đã có chủ trương xây dựng Thư viện Thiếu nhi của TP.
Cùng thời điểm này, Sở VHTT cũng có Công văn số 2205/CV với nội dung tương tự vì TP đã có chủ trương phát triển Thư viện KHTH TP.
Đến tháng 5.2008, Văn phòng UBND TP có công văn giao Ban Chỉ đạo 09 (Ban chỉ đạo sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước) và các Sở Tài chính, Xây dựng, VHTT, UBND quận 1 cùng các đơn vị liên quan về việc hoán đổi đất cho người dân trong khuôn viên thư viện này để thu hồi đất đầu tư xây dựng Thư viện Thiếu nhi.
Tuy nhiên, bất ngờ đến ngày 22.6.2011, UBND TP.Hồ Chí Minh lại ban hành Quyết định số 3163/QĐ-UBND với nội dung: chấp thuận cho Cty CP Xây dựng Bắc Nam 79 sử dụng diện tích 1.296m2 thuộc thửa đất số 3, tờ bản đồ số 1, bộ địa chính phường Bến Thành để làm văn phòng làm việc.
Cty CP Bắc Nam 79 là một công ty cổ phần. Cty này thành lập năm 2002, có trụ sở chính ở thành phố Đà Nẵng, do ông Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “nhôm” làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Thời gian thuê khu đất này là 50 năm. Quyết định này có nội dung cho phép doanh nghiệp trước mắt tạm sử dụng đất theo hiện trạng, khi đơn vị có nhu cầu đầu tư xây dựng phải tuân thủ theo quy hoạch sử dụng đất của TP. Sau đó, Sở TNMT đã cấp giấy đỏ cho Cty Xây dựng Bắc Nam 79 với mục đích là đất sản xuất kinh doanh với thời hạn sử dụng đến năm 2061. Hiện nay, khu đất này vẫn là nơi đặt trụ sở của Cty CP xây dựng Bắc Nam 79.
Quá nhiều câu hỏi cần làm rõ!
Vấn đề được dư luận đặt ra ở đây là vì sao chủ trương xây dựng Thư viện Thiếu nhi không tiếp tục được triển khai? Cho dù dự án Thư viện Thiếu nhi có được triển khai ở một nơi khác thì có cần thiết phải cắt khuôn viên rất đẹp, vuông vức của Thư viện KHTH để làm cao ốc văn phòng? Chủ trương lấy đất quy hoạch làm Thư viện Thiếu nhi cho Cty CP Xây dựng Bắc Nam làm cao ốc văn phòng là của ai?
Cơ quan nào tham mưu cho thành phố giao đất, cho thuê đất? Thành phố có thiếu văn phòng đến mức phải lấy đất quy hoạch dự án Thư viện Thiếu nhi để xây dựng văn phòng? Hiện nay, thì khu đất này vẫn là văn phòng trụ sở Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79.
Cũng trong quyết định này, thành phố yêu cầu: “Trước mắt được tạm sử dụng đất theo hiện trạng, khi đơn vị có nhu cầu đầu tư xây dựng phải tuân thủ theo hiện trạng quy hoạch sử dụng đất của thành phố”. Tuy nhiên, theo thông tin chúng tôi có được phương án xây dựng Khu phức hợp cao tầng văn phòng, khách sạn đã được đưa ra lấy ý kiến Hội đồng Kiến trúc - Quy hoạch thành phố.
Theo phương án kiến trúc được đưa ra lấy ý kiến hội đồng ngày 12.11.2015, Khu phức hợp cao 20 tầng, chiều cao 80m (khối bệ 15m), hệ số sử dụng đất là 8.0, chức năng là văn phòng, khách sạn. Trong khi đó, theo đồ án quy hoạch 930ha khu trung tâm hiện hữu mở rộng, đã được phê duyệt, khu đất này được quy hoạch dành cho mục đích văn hóa, mật độ xây dựng không quá 40%; chiều cao công trình tối đa 5 tầng (20m), hệ số sử dụng đất 2.0…
Đối chiếu giữa quy hoạch được duyệt và phương án kiến trúc do Cty CP Xây dựng Bắc Nam 79 đề xuất cho thấy đã phá vỡ toàn bộ quy hoạch đã được duyệt của thành phố.
Cần phải lưu ý thêm, trong khu vực này có rất nhiều công trình kiến trúc cổ đang được bảo tồn như Thư viện KHTH, Bảo tàng TPHCM, Tòa án Nhân dân TPHCM… Nhưng tòa nhà văn phòng, khách sạn mà Cty CP Xây dựng Bắc Nam 79 muốn xây cao đến 20 tầng.
Được biết, ông Phan Văn Anh Vũ tức là Vũ “nhôm” từng là Chủ tịch HĐQT và cũng là người đại diện pháp luật của Cty CP Xây dựng Bắc Nam 79. Và theo thông tin từ Cty CP Xây dựng Bắc Nam 79, ngày 26.4.2017, ông Phan Văn Anh Vũ đã rút toàn bộ 650 tỉ đồng, tương đương 92,86% vốn.
TPHCM yêu cầu huỷ hợp đồng bán đất của Tân Thuận tại dự án Phước Kiển: Quốc Cường Gia Lai nói gì? Theo thông tin từ Văn phòng Thành ủy TPHCM, việc ký hợp đồng bán đất này Cty TNHH MTV Đầu tư và xây dựng Tân Thuận (thuộc Văn phòng Thành ủy TPHCM) đã không báo cáo cho Ban Thường vụ Thành ủy theo quy định, vì vậy Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM vừa yêu cầu hủy hợp đồng, không đồng ý bán chỉ định diện tích đất tại khu dân cư Phước Kiển (huyện Nhà Bè) cho Cty Quốc Cường Gia Lai. Khi được hỏi về việc Thành ủy TPHCM đã có chỉ đạo ngưng giao dịch và xem xét hủy hợp đồng, ông Nguyễn Quốc Cường - Phó Tổng Giám đốc Quốc Cường Gia Lai (QCC), cho biết, việc này cũng không ảnh hưởng gì đến hoạt động kinh doanh - đầu tư của QCC, bởi vì thành phố yêu cầu trả lại thì Cty sẽ trả trên cơ sở các bên đáp ứng được các thỏa thuận trên hợp đồng giao dịch đã ký kết. “Đây là hợp đồng giao dịch mua bán rất bình thường trên thương trường, hai bên thuận mua vừa bán. Tuy nhiên, khu đất này hoàn toàn nằm tách biệt với dự án “con bò sữa” Phước Kiển hiện hữu đang được thương lượng và bán cho tập đoàn Sunny Land” - ông Cường thông tin thêm. “Do vậy, chúng ta đang có sự nhầm lẫn giữa 2 khu đất. Chúng tôi cũng đã nhận tiền đặt cọc của đối tác, công việc quan trọng lúc này cần phải làm là tiến hành đền bù giải tỏa mặt bằng gần chục hộ dân còn lại, sau đó san lấp mặt bằng để bàn giao cho Sunny Land” - ông Cường nói. “Với chúng tôi, có hay không có khu đất kia cũng không quan trọng gì, bởi xung quanh đất QCC vẫn còn nhiều dự án khác đang và chuẩn bị triển khai đầu tư. Như vậy, kỳ vọng dòng tiền sẽ đạt được như những chỉ tiêu đề ra” - ông Cường nói thêm. |
Theo Bảo Chương - Gia Minh/Báo Lao Động