Theo thông tin mà chúng tôi có được, từ hơn 10 ngày nay, giá thịt lợn bất ngờ tăng mạnh. Tại khu vực miền Đông Nam Bộ, giá thịt lợn một số nơi đã chạm mốc 40.000- đồng/kg, tăng đến 10.000 đồng/kg. Tuy vậy, cả người chăn nuôi và cơ quan quản lý đều tỏ ra e ngại có thể có bàn tay “đưa đẩy” để kích thích thị trường, mức tăng này có thể sẽ không bền vững.
Ngành chăn nuôi khuyến cáo người dân chưa vội tăng đàn, tránh lệch cán cân cung cầu. Ảnh: PV
10 ngày giá lợn hơi “phi” thẳng đứng
Theo ông Nguyễn Văn Chiểu - Chủ 1 trang trại chăn nuôi heo tại Đồng Nai (trú tại số nhà 11/A1, ấp Đức Long 1, xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) - từ đầu tháng 4.2018 đến nay, giá lợn hơi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cứ “lừ lừ tăng”, đầu tiên tăng từ mức giá 30.000 đồng/kg lên 33.000 đồng, sau vài ngày, tăng lên 35.000 đồng và đến thời điểm này, giá lợn hơi đã chạm mốc 40.000 đồng/kg. “Giá lợn hơi ở mức 40.000 đồng đến 41.000 đồng là người nuôi đã có lãi.
Thế nhưng, trớ trêu thay, chỉ có các công ty lớn như CP mới còn lợn để bán, còn chúng tôi phải nhìn trong tiếc nuối bởi suốt 2 năm lỗ thê thảm, chả có ai dám mở thêm đàn. Cả đợt heo tăng giá, tôi chỉ bán được 50 con”- ông Nguyễn Văn Chiểu tỏ ra tiếc nuối. Ông Chiểu cũng cho biết, không riêng gì ông, mà hầu hết các chủ trang trại chăn nuôi lợn tại địa bàn huyện Thống Nhất - được coi là “thủ phủ” chăn nuôi lợn ở miền Đông Nam Bộ đều trong tình trạng không có lợn thịt để bán, bởi chẳng ai dám tăng đàn khi giá lợn hơi có thời điểm giảm sâu đến mức chỉ còn 16.000 đồng/kg (tháng 2.2017). Một chủ trang trại tại xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, TPHCM cũng cho biết, giá lợn hơi ở Củ Chi đã tăng lên tới 40.000 đồng/kg.
Người dân cần thận trọng
Giá lợn hơi tăng khiến người chăn nuôi không khỏi khấp khởi mừng thầm, hy vọng từ nay đến cuối năm có thể có lãi chút đỉnh. Tuy nhiên, ông Trần Quang - 1 chủ trang trại chăn nuôi lợn khá lớn tại huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai - đã đưa ra cảnh báo: Sau khi neo ở mức 40.000 đồng/kg, sáng 16.4, giá lợn hơi trên địa bàn huyện đã giảm xuống còn 38.000 đồng/kg. Như vậy, việc lợn hơi tăng giá cần được xem xét thận trọng. Tại khu vực phía Bắc, 1 tuần nay, giá lợn hơi cũng tăng nhẹ nhưng không phải do lệch cung cầu, mà chủ yếu theo “sóng” tăng giá của khu vực phía Nam, sau đó giá đã có xu hướng giảm.
Theo các hộ chăn nuôi có kinh nghiệm tại Đồng Nai và Bình Dương, việc lợn hơi tăng giá trong gần 2 tuần qua do lệch “cung - cầu”, khi gần 2 năm qua, các nông hộ đã kiệt quệ vì thua lỗ, không còn khả năng nuôi tiếp. Nhiều trang trại cũng đã phải bỏ trống chuồng. Đến thời điểm này, chỉ còn các công ty duy trì được đàn heo.
Ông Trần Quang cho rằng, nếu như trước đây, tổng số đàn lợn của dân chiếm đến 70%, của doanh nghiệp chỉ khoảng 30%, thì nay tỉ số này ngược lại. Đến những chủ trang trại được coi là “có máu mặt” như ông, cũng không dám mở đàn, khiến trong đợt giá lợn lên cao tới mức 40.000 đồng/kg như mấy ngày vừa qua, ông chỉ bán ra được 100 con (đủ trọng lượng để xuất chuồng). Còn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì đã “treo” chuồng hơn 1 năm nay.
Chính vì vậy, nguồn cung trên thị trường đã giảm xuống tới mức thấp hơn so với nhu cầu trên thị trường nội địa. Đây là nguyên nhân chính khiến cho giá heo đang tăng mạnh trong bối cảnh ở Đông Nam Bộ hiện vẫn gần như không xuất được sang Trung Quốc.
Nhiều nguồn tin cho biết, hiện tại, giá lợn ở Trung Quốc vẫn ở mức thấp, không thiếu hàng, nên không tác động gì tới việc tăng giá liên tục vừa qua đối với thị trường thịt lợn trong nước. Tuy nhiên, giá lợn hơi tăng mạnh là thị trường Campuchia đang có nhu cầu cao về thịt heo cho dịp tết cổ truyền của nước này. Những ngày qua, một lượng lớn lợn hơi ở các tỉnh Nam Bộ được đưa tới biên giới Tây Nam để bán sang Campuchia. Đến ngày 13.4, khi tết cổ truyền ở Campuchia kết thúc, giá lợn hơi mới bắt đầu chững lại và đến ngày 16.4, giá lợn hơi đã giảm xuống còn 38.000 đồng/kg.
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), mặc dù tổng đàn lợn đã giảm do nhiều chủ hộ không tái đàn, nhiều trang trại giảm đàn, giảm nái, nhưng hiện nay, nguồn cung về thịt lợn trên thị trường không khan hiếm, vẫn đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong nước. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu vẫn chưa được cải thiện. Vì vậy, người chăn nuôi cần bình tĩnh, không nóng vội tăng đàn hoặc tái đàn để tránh tình trạng giá lợn lại giảm sâu, lặp lại tình trạng thua lỗ nặng nề như thời gian vừa qua.
Theo Phong Nguyên/Báo Lao Động