BGTV- Chi phí logistics của Việt Nam hiện chiếm gần 21% của GDP, cao hơn nhiều so với nhiều nước lân cận và các nước phát triển. Nếu thực trạng này không được cải thiện thì hàng hóa, doanh nghiệp và cả nền kinh tế của Việt Nam sẽ không thể tăng được sực cạnh tranh.
Đó là nhấn mạnh của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc giữa Chính phủ với các bộ ngành, các địa phương, hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng trong cả nước bàn về các giải pháp giảm chi phí logistics, kết nối hiệu quả hạ tầng giao thông diễn ra sáng nay (16/4).
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Tại điểm cầu Bắc Giang, Hội nghị có sự tham gia của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Linh, các sở ngành liên quan và một số doanh nghiệp. Nhiều ý kiến của các bộ ngành, doanh nghiệp tham dự Hội nghị đều cho rằng, chi phí đang là rào cản đối với doanh nghiệp Việt Nam, nhất là chi phí logistics. Trong khi đó, chi phí về logistics ở Việt Nam đang ở mức cao và có nhiều bất cập xung quanh dịch vụ này khi hạ tầng giao thông thiếu sự kết nối, rời rạc. Bên cạnh đó, chi phí vận tải cao, chiếm tới 59% tổng chi phí logistics, tồn tại tình trạng mất cân đối về vận tải bởi có tới 80% lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường bộ, phần lớn lại vận chuyển một chiều khiến cho chi phí tăng cao.
Thảo luận về các giải pháp cắt giảm chi phí logistics, nhiều ý kiến cho rằng cần phải sớm khắc phục sự thiếu đồng bộ về hạ tầng giao thông; tạo thuận lợi trong thương mại hóa quốc tế, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, nâng cao năng lực, quy mô của các doanh nghiệp thực hiện dịch vụ; mở rộng kết nối hạ tầng logistics vơi các nước trong khu vực và trên thế giới, tăng cường vận tải đa phương thức, xuyên biên giới.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định phải giảm bằng được chi phí logistics với một quyết tâm chính trị cao, nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa và thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Thủ tướng khẳng định, tới đây, Thủ tướng sẽ có riêng một Chỉ thị về nội dung này và trên cơ sở đó, các bộ ngành, các địa phương sẽ xây dựng kế hoạch và có giải pháp riêng để triển khai thực hiện. Đồng thời, yêu cầu các bộ ngành tiếp thu và khẩn trương giải quyết các kiến nghị, đề xuất tại hội nghị, cắt giảm các thủ tục không cần thiết. Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo các nhiệm vụ cụ thể đối với từng bộ ngành, địa phương, trong đó các địa phương cần chủ động quy hoạch và có kế hoạch trong việc đầu tư hạ tầng, phát triển dịch vụ logistics. Đối với các doanh nghiệp tham gia dịch vụ logistics tích cực, Thủ tướng lưu ý về việc chủ động đổi mới, ứng dụng công nghệ, thiết bị máy móc trong việc điều hành, khai thác, nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả dịch vụ logistics./.
Thu Thủy