Bước vào năm 2018, hàng loạt dự án chung cư trên địa bàn TP.HCM được mở bán, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, nguồn cung căn hộ giá rẻ đang ngày càng khan hiếm.
Cần tạo cơ chế để khuyến khích doanh nghiệp hướng vào phân khúc căn hộ vừa túi tiền.
Đỏ mắt tìm nhà giá rẻ
Vào TP.HCM lập nghiệp và xây dựng gia đình với tổng thu nhập 2 vợ chồng khoảng 17 triệu đồng/tháng, trong gần 10 năm sống ở thành phố, vợ chồng anh Hải phải chuyển hết nhà trọ này đến nhà trọ khác.
Với mức thu nhập trên, vợ chồng anh cũng tích cóp, dành dụm để tìm chỗ an cư tại Sài thành. Tuy nhiên, khi có khả năng mua nhà thì gói 30.000 tỷ đồng đã giải ngân hết. Vất vả đi tìm chung cư giá rẻ hết quận này tới quận khác, nhưng vẫn chưa thể tìm được dự án nào. Có hôm xem thông tin quảng cáo thấy có dự án chỉ 800 triệu đồng/căn hộ, hai vợ chồng rất mừng, nên vội vàng liên hệ để tìm hiểu. Tuy nhiên, khi đến công ty rao bán, thì được môi giới giới thiệu dự án mãi ở Bình Dương…
Cuối cùng, sau bao nhiêu tháng tìm kiếm, cũng tìm được một dự án nhà giá rẻ tại quận Tân Bình, phù hợp với khả năng của vợ chồng anh. Thế nhưng, may mắn chưa tới, bởi dù nhà giá rẻ, nhưng với mức lương trả qua tài khoản của 2 vợ chồng, thì không đủ điều kiện để vay ngân hàng. Thế là, một lần nữa vợ chồng anh lại thất vọng và chờ đợi vận may trong tương lai chưa biết khi nào mới tới.
Ghi nhận của phóng viên với các dự án mở bán mới từ tháng 12.2017 tới tháng 2.2018 trên địa bàn TP.HCM cho thấy, chủ yếu là các dự án tầm trung, có giá trên 1,5 tỷ đồng/căn hộ, chưa bao gồm thuế VAT và các khoản phát sinh.
Nhiều dự án căn hộ dù quảng cáo dự án có giá 1 tỷ đồng/căn, nhưng thực tế, giá bán trên 1 tỷ đồng, bởi mức 1 tỷ đồng là những căn xấu, diện tích nhỏ, số lượng rất ít và cũng chưa có thuế. Với các căn đẹp, cộng cả thuế có giá lên tới trên 1,5 tỷ đồng. Các chủ đầu tư lớn như Him Lam Land, Novaland, Hưng Thịnh, Vingroup, Nam Long… cũng cho biết, hiện các dự án đang mở bán đều có giá trên 1,5 tỷ đồng/căn hộ.
Đặc biệt ở dòng phân khúc trên 2 tỷ đồng/căn lượng cung rất lớn như Dự án chung cư Masteri An Phú (quận 2) do Thảo Điền Investment, Dự án Ascent Lakeside (quận 7) của Công ty cổ phần bất động sản Tiến Phát. Hay Đất Xanh cũng vừa đưa ra thị trường Dự án Gem Reverside tại khu Đông TP.HCM, giá bán mà đơn vị này đưa ra là khoảng 2,5 tỷ đồng/căn hộ.
Trong khi đó, những dự án giá rẻ (có giá dưới 1 tỷ đồng/căn) lại hoàn toàn thiếu vắng trên thị trường TP.HCM. Những thương hiệu làm nhà ở giá rẻ của TP.HCM như Hoàng Quân, NHO, Lê Thành… không hề có dự án mới được mở bán từ giữa năm 2017 đến nay, cũng như trong kế hoạch phát triển dự án của các đơn vị này cũng chỉ là dự kiến trong năm 2018. Có một dự án của SamLand có mức giá này, nhưng lại nằm ở tỉnh Bình Dương, giáp ranh với tỉnh Đồng Nai…
Giải pháp nào tạo nguồn cung nhà giá rẻ
Theo giới phân tích, việc thị trường bất động sản TP.HCM hiếm dự án nhà ở giá rẻ là do giá vật liệu xây dựng tăng mạnh, quỹ đất khan hiếm và giá đất cũng tăng cao, làm tăng giá thành và buộc các doanh nghiệp cũng phải đẩy giá bán lên theo.
Ông Trần Quốc Việt, Tổng giám đốc Cát Tường Group cho rằng, có nhiều hạn chế khiến các doanh nghiệp khó phát triển nhà giá rẻ tại TP.HCM. Đơn cử, thành phố không đồng ý cho phát triển nhà ở có diện tích dưới 40 m2/căn, trong khi nhà diện tích nhỏ, sẽ giúp giảm giá trị của căn nhà xuống.
Ông Lê Hoàng Châu Chủ tịch HoREA cho biết, gần đây, UBND TP.HCM đã 2 lần có văn bản quy định về diện tích tối thiếu với căn hộ chung cư, theo đó, căn hộ thương mại phải có diện tích tối thiểu 45 m2. Tuy nhiên, trước đó, chính quyền thành phố đã cho làm căn hộ 38 m2/căn. Do đó, để tạo nguồn cung nhà giá rẻ, HoREA kiến nghị, ở mỗi dự án, thành phố có thể cho chủ đầu tư xây dựng căn hộ diện tích nhỏ với tỷ lệ khoảng 25%.
“Tại các huyện ngoại thành và quận ven đô (quận 9, quận 12, Thủ Đức, Bình Tân, Tân Phú), nếu hạ tầng đồng bộ, việc phát triển căn hộ diện tích nhỏ là rất cần thiết, khả thi với một tỷ lệ nhất định”, ông Châu nói và cho biết, hiện TP.HCM có 3 triệu dân nhập cư, chiếm 23% dân số thành phố, trong đó đa số là người có thu nhập thấp có nhu cầu về nhà ở, vì vậy, cần tạo cơ chế để khuyến khích doanh nghiệp hướng vào phân khúc căn hộ vừa túi tiền, tham gia chương trình cải tạo kênh rạch, chung cư cũ, nhà ở xã hội. Có như thế sẽ giúp thị trường phát triển bền vững hơn.
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng đã có văn bản kiến nghị gửi Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, đề nghị phân bổ ngân sách hàng năm khoảng từ 1.000 - 2.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2018 - 2020 để cho các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội vay, với lãi suất 4,8%/năm. Đề nghị phân bổ nguồn vốn này cho Ngân hàng Chính sách xã hội và 4 tổ chức tín dụng là Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV để triển khai thực hiện.
“Về lâu dài, Hiệp hội kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước có cơ chế thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở, trước hết là các dự án nhà ở xã hội cho thuê, tương tự như Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ trước đây, để làm giảm giá thành nhà ở xã hội”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nói.
Theo ông Châu, với những tín hiệu này, thị trường sẽ có sự đột phá từ phía doanh nghiệp địa ốc, họ sẽ sẵn sàng xây dựng những dự án nhà ở giá rẻ, cơ hội cho hàng triệu người dân cần nhà ở sẽ tiếp tục mở rộng với những cơ may lớn hơn.
Theo Bảo Chương/Báo Lao Động