Liên tục tăng chi phí khiến hàng Việt mất dần ưu thế và giảm sức cạnh tranh trên sân nhà hiện nay.
Bất cứ nhà sản xuất nào khi làm ra sản phẩm cũng muốn đưa hàng hóa đến nhiều kênh phân phối, tiếp cận được nhiều người tiêu dùng để tăng doanh số. Thế nhưng để đưa được hàng vào siêu thị và trụ lại thì đó là một cuộc chơi đầy khốc liệt, gian nan. Đặc biệt trong bối cảnh các nhà phân phối nước ngoài có tên tuổi như: Metro, Lotte Mart, Aeon mall… đang đổ bộ và thâu tóm thị trường Việt Nam. Điều này đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu của nhiều doanh nghiệp Việt.
Hàng vào siêu thị phải “cõng” nhiều chi phí
Ông Phạm Ngọc Thành- Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn phát triển và thương mại Phúc Lâm, phân phối độc quyền miền Bắc nước mắm Phú Quốc nhãn hiệu Thanh Quốc chia sẻ, từ khi một số hệ thống bán lẻ trong nước về tay các nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp phải chấp nhận mức chiết khấu là 15%. Đây là mức chiết khấu tương đối lớn với các sản phẩm nông nghiệp, ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu của doanh nghiệp và thu nhập của người sản xuất, kinh doanh.
Hàng hóa trong siêu thị đang phải chịu mức chiết khấu khá cao.
Còn theo ý kiến của một số doanh nghiệp cung cấp hàng cho siêu thị, hiện nay, để có thể đưa hàng vào siêu thị và có cơ hội cạnh tranh với hàng hóa nước ngoài thì ngoài mức chiết khấu cao, doanh nghiệp phải chịu rất nhiều các chi phí khác. Đó là phí hỗ trợ doanh số bán hàng, hỗ trợ bày bán, hỗ trợ sinh nhật, hỗ trợ tờ rơi... Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải tham gia chương trình khuyến mãi riêng cho siêu thị vào các dịp tết, lễ lớn trong năm.
Bên cạnh đó, muốn bán được hàng, doanh nghiệp phải tranh giành nhau thuê vị trí đẹp với mức giá hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Chưa kể, hợp đồng trưng bày hàng hóa tại các siêu thị hiện có thời hạn một năm, sau thời hạn này các siêu thị sẽ thay đổi vị trí trưng bày, các doanh nghiệp lại phải bỏ tiền ra mua vị trí trưng bày cho giai đoạn tiếp theo…
Qua đó có thể thấy, chi phí tăng đổ lên đầu doanh nghiệp, khiến các doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn.
Hàng trong siêu thị phải "cõng" thêm nhiều loại phí.
Từ thực tế trên, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho biết, hiện nay cứ 10 nhà sản xuất Việt Nam thì chỉ có 1 nhà sản xuất có khả năng đưa được hàng vào siêu thị. Nguyên nhân do chi phí hàng hóa quá cao, bị ép giá, chiếm dụng vốn, ngoài ra chi phí bán hàng lên tới 30%. Điều này khiến hàng Việt lép vế, bị “đẩy” ra khỏi hệ thống để hàng nước ngoài thế chỗ.
Mẫu mã nghèo, giá thành cao
Ở góc độ của nhà quản lý siêu thị, ông Trần Minh Phương, Phó Giám đốc điều hành hệ thống siêu thị Mường Thanh mart chia sẻ, ngoài một số loại phí mà hàng Việt khi vào siêu thị phải “cõng” như hiện nay, nguyên nhân nữa khiến hàng Việt đang mất dần ưu thế và giảm sức cạnh tranh với hàng hóa nước ngoài là do chất lượng hàng Việt kém hơn, mẫu mã nghèo nàn, giá thành cao. Những hạn chế đó đã tạo điều kiện cho hàng hóa giá rẻ của các nước tràn vào Việt Nam ngày một nhiều, gây sức ép và hạn chế sức cạnh tranh của hàng Việt.
Theo ông Phương, để hàng Việt thực sự có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước thì cần có sự thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức của người Việt về hàng Việt Nam; Doanh nghiệp cần đầu tư để sản xuất hàng hóa có chất lượng; các cơ quan chức năng cần quyết liệt trong phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại góp phần bảo vệ hàng Việt. Cùng với đó, để giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh cho hàng Việt, bắt buộc phải đầu tư hệ thống dây chuyền sản xuất, lắp đặt hệ thống máy móc hiện đại; mẫu mã và chất lượng đảm bảo, hệ thống quản lý tự động đạt tiêu chuẩn.
Để hàng Việt thực sự có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước thì cần có sự thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức của người Việt về hàng Việt Nam
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú lấy ví dụ với ngành nuôi trồng cho rằng, giải pháp trước hết cho sản xuất là phải tổ chức lại sản xuất thành những trang trại, cánh đồng mẫu lớn, sản xuất quy mô và được kiểm soát; có quy trình sản xuất chăn nuôi sạch sẽ, có nhật ký ghi chép, giám sát hành trình chăn nuôi từ con giống, thức ăn cho đến giết mổ trước khi đưa ra thị trường; Phấn đấu giảm chi phí, giảm giá, tăng sức cạnh tranh.
Ông Phú cũng cho hay, nếu không tổ chức lại hệ thống phân phối, bán lẻ một cách bài bản, doanh nghiệp không gây dựng được lòng tin đối với khách hàng thì hàng Việt Nam sẽ ngày càng yếu thế và mất chỗ đứng trên "sân nhà"./.
Theo Chung Thủy/VOV.VN