4
/
58006
Cổ phần hóa năm 2018: Nhiều 'ông lớn' ra thị trường
co-phan-hoa-nam-2018-nhieu-ong-lon-ra-thi-truong
news

Cổ phần hóa năm 2018: Nhiều 'ông lớn' ra thị trường

Thứ 2, 12/02/2018 | 14:40:01
492 lượt xem

Năm 2018 được Chính phủ xác định là năm cao điểm về cổ phần hóa (CPH), sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Trong đó, sẽ có nhiều “ông lớn” được đưa ra chào bán, hứa hẹn một năm thị trường mua bán, sáp nhập sôi động.

Nhiều “món hàng” hấp dẫn

Năm 2018 khởi đầu khá thuận lợi với hoạt động CPH, khi ngày 31/1, Tổng Cty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power, thuộc Tập đoàn Dầu khí) đã tổ chức thành công phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO). Toàn bộ hơn 468,37 triệu CP (tương đương 20% cổ phần PV Power) đã được đấu giá thành công, nhà nước thu về gần 7.000 tỷ đồng.

Năm 2018 được Chính phủ xác định sắp xếp, tái cơ cấu DNNN, với 64 DN được CPH. Con số này tương ứng hơn 50% của cả giai đoạn 2017- 2020. Trong đó, hàng loạt “ông lớn” được đưa ra chào bán, như Habeco, thoái tiếp một phần tại Vinamilk, một số đơn vị thành viên Tập đoàn Dầu khí, Cty Lọc hóa dầu Bình Sơn, PVoil, Tập đoàn Cao su… Trong đó, riêng các công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, Pvoil, PV Power đã có quy mô vốn lên tới hơn 100.000 tỷ đồng, còn Tập đoàn Cao su quy mô vốn lên tới 150.000 tỷ đồng... Như vậy, một nguồn cung lớn sẽ được tung ra thị trường, điều này đặt ra vấn đề phải phân bổ làm sao để thị trường hấp thụ được hết với giá có lợi nhất cho nhà nước. Đồng thời, việc thoái vốn nhà nước tại các “ông lớn” có sức hút không ảnh hưởng tới việc thoái vốn nhà nước tại các DN nhỏ, đơn vị làm ăn kém hiệu quả cũng được đưa ra thị trường.

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Tài chính DN (Bộ Tài chính) cho biết, hiện tại hành lang pháp lý cho CPH đã cơ bản đầy đủ, toàn diện, từ Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN tới các hướng dẫn đều đã được ban hành. Cùng đó, Nghị định 126/2017 của Chính phủ đã công khai danh sách, tiến độ CPH DNNN trong thời gian tới và các quy định về thủ tục, kỹ thuật cũng được chuẩn hóa, đảm bảo nguyên tắc thị trường, minh bạch.

Ông Tiến dẫn chứng quy định về đất đai khi CPH, nếu nhà nước không dùng đất của DN sẽ chuyển sang đấu giá. Như vậy, nhà đầu tư chỉ quan tâm đến đất đai sẽ không tìm cách để tham gia mua CP DN nhằm chiếm đất, mà nhường sân cho các nhà đầu tư tập trung vào sản xuất, kinh doanh, tạo giá trị gia tăng. Hay việc thuê tư vấn nước ngoài định giá DN, theo ông Tiến, các quy định hiện hành cũng cho phép thực hiện điều này dễ dàng hơn, nên rất công khai, minh bạch. Ngoài ra, các quy định về trách nhiệm người đứng đầu trong CPH, cơ chế và trách nhiệm giám sát tài chính tại DN CPH cũng rõ ràng, chặt chẽ, bài bản hơn, với sự trao đổi giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra. “Năm 2018, dự kiến hoạt động CPH sẽ phải tăng tốc và đạt kết quả tốt hơn, vì hiện dòng vốn ngoại đổ vào thị trường Việt Nam đang tăng cao, đây là cơ hội cho CPH trong năm nay”, ông Tiến nói.

Tiền thoái vốn dùng để đầu tư cho phát triển

Nhìn lại năm 2017, ông Đặng Quyết Tiến cho rằng, năm qua, lần đầu tiên Chính phủ công khai danh mục các DN sẽ CPH, thoái vốn, tỷ lệ CPH từng DN, từng năm, để nhà đầu tư và thị trường xem xét lựa chọn tham gia. Nhờ đó, thông tin liên quan CPH đã được công khai, minh bạch.
Về tiền thu được sau thoái vốn, ông Tiến khẳng định, sẽ không dùng trả nợ công hay chi thường xuyên, toàn bộ chi cho đầu tư phát triển, an sinh xã hội (như giáo dục, y tế). Giai đoạn 2016 - 2020, Quốc hội giao kế hoạch thoái vốn nhà nước thu về 250.000 tỷ đồng, danh mục chi đầu tư đều có địa chỉ cụ thể. Như tiền thu được từ thoái vốn giai đoạn trước được dùng để chi cho xây dựng nông thôn mới, xây dựng Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2, Ung thư cơ sở 2 ở Hà Nam, Bệnh viện Chợ Rẫy ở TPHCM, hay dự án chống ngập cho TPHCM…

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN, năm 2017, cả nước đã phê duyệt phương án CPH 69 DN, với tổng vốn điều lệ 161.985 tỷ đồng. Trong đó, nhà nước nắm giữ 85.365 tỷ đồng (chiếm 53% tổng vốn điều lệ), bán cho nhà đầu tư chiến lược 50.004 tỷ đồng (chiếm 31%), bán đấu giá công khai 23.758 tỷ đồng (chiếm 15% tổng vốn điều lệ). Đã có 21/69 DN tiến hành IPO, thu về hơn 5.192 tỷ đồng.

Tại Hội nghị Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DNNN cuối tháng 1 vừa qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, kiêm Trưởng Ban chỉ đạo cho hay, năm 2018 là năm cao điểm về CPH, sắp xếp, tái cơ cấu DNNN. Ông Huệ yêu cầu các bộ, ngành “không được buông tay” trong quá trình chuyển giao, sắp xếp DNNN. Đồng thời, quá trình CPH phải gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán để thị trường sẽ định giá cổ phiếu, như trường hợp của Sabeco, chỉ sau 1 năm niêm yết đã thoái vốn thu về gấp 32 lần giá trị sổ sách và cao hơn giá ban đầu.

Năm 2018, dự kiến một số DNNN lớn sẽ thực hiện thoái vốn nhà nước, như: Tập đoàn Cao su (vốn điều lệ 47.290 tỷ đồng), và các tổng công ty: Phát điện 3 (vốn điều lệ 26.108 tỷ đồng), Dầu Việt Nam (vốn điều lệ 10.342 tỷ đồng), Lọc hóa dầu Bình Sơn (vốn điều lệ 31.044 tỷ đồng), Đầu tư và Phát triển công nghiệp Becamex (vốn điều lệ 9.878 tỷ đồng), Sông Đà (vốn điều lệ 4.438 tỷ đồng), Lương thực miền Nam (vốn điều lệ 4.980 tỷ đồng), Thương mại Hà Nội (vốn điều lệ 2.155 tỷ đồng)…


Theo Lê Hữu Việt/ Tiền Phong

  • Từ khóa

Mỹ tung đòn mạnh vào ngành chip Trung Quốc

Đòn trừng phạt mới nhất được đưa ra chỉ vài tuần trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump, người có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, tuyên thệ nhậm...
09:24 - 04/12/2024
198 lượt xem

Khuyến mãi khủng có làm 'bật' sức mua?

Với mức khuyến mãi tối đa lên đến 100%, người tiêu dùng đang kỳ vọng được sắm sửa tết với chi phí tiết kiệm, doanh nghiệp thì kỳ vọng doanh số bán hàng...
08:49 - 04/12/2024
202 lượt xem

Biến thách thức thành cơ hội để phát triển bền vững

Những năm gần đây, Việt Nam đang nổi lên như một nhân tố năng động trong nền kinh tế toàn cầu với chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đóng vai trò xúc tác...
08:34 - 04/12/2024
206 lượt xem

Việt Nam lại sắp có thêm một sàn thương mại điện tử xuyên biên giới

Tính đến nay, Việt Nam có 4 sàn thương mại điện tử lớn, gồm Shopee, TikTok Shop, Lazada và Tiki.
15:45 - 03/12/2024
649 lượt xem

Giá vé máy bay Tết đắt vẫn khó mua

Dù các hãng bay cung ứng 7 triệu vé, song thống kê từ cơ quan quản lý cho thấy giá vé máy bay dịp sát Tết tăng khoảng 20% so với ngày thường. Trong khi...
08:52 - 03/12/2024
776 lượt xem