Nội tệ của Trung Quốc vẫn còn cách khá xa so với đô la Mỹ và đồng euro khi nói đến thanh toán quốc tế.
Nhân dân tệ ẢNH: REUTERS
Trung Quốc đang thúc đẩy việc sử dụng nhân dân tệ trong thanh toán quốc tế, nhưng đồng tiền này vẫn còn xa mới có thể vượt qua được đồng bạc xanh và gây ảnh hưởng trên toàn cầu, CNBC dẫn dữ liệu quan trọng được phát hành trong tuần qua từ Swift, hệ thống liên ngân hàng toàn cầu chuyển hàng tỉ USD hằng ngày, cho biết.
Theo dữ liệu của Swift, chỉ 1,61% thanh toán trong nước và thanh toán nước ngoài được xử lý trong tháng 12.2017 là nhân dân tệ.
“2017 là một năm đầy khó khăn của nhân dân tệ và đồng tiền này đã phải vật lộn để có thể phát triển được tiềm năng tăng trưởng”, ông Michael Moon, giám đốc các thị trường thanh toán tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Swift, nhận định.
Mặc dù vị thế của Trung Quốc ngày càng quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu và Bắc Kinh cũng đưa ra nhiều chiến lược khác nhau nhằm hỗ trợ nội tệ, nhưng việc sử dụng nhân dân tệ trong thanh toán quốc tế còn thấp và “tốc độ quốc tế hóa vẫn chưa được như mong đợi”, Alain Raes, giám đốc điều hành của Swift tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu, Trung Đông và châu Phi, viết trong một báo cáo về nhân dân tệ.
Trên thực tế, tỷ trọng của nhân dân tệ trong thanh toán toàn cầu trong tháng 12.2017 giảm so với cùng kỳ năm trước đó. Cụ thể, nhân dân tệ chiếm 1,68% thanh toán quốc tế vào tháng 12.2016 và 2,31% vào tháng 12.2015. Nguyên nhân chính khiến đồng tiền này không thu hút được sự chú ý của người sử dụng quốc tế là do chính phủ Trung Quốc đã can thiệp, kiểm soát quá chặt chẽ hệ thống tài chính, đặc biệt là các biện pháp hạn chế nguồn tiền chảy ra nước ngoài cho hoạt động mua bán bất động sản và các giao dịch khác. Hiện không chắc chắn các quy định kiểm soát vốn của Bắc Kinh có được tiếp tục duy trì trong năm nay hay không, nên người giao dịch vẫn không sẵn sàng tăng cường sử dụng nhân dân tệ.
Song, cũng có những dấu hiệu cho thấy các tổ chức quốc tế đang chú ý hơn đến đồng tiền của Trung Quốc, hay nói đúng hơn là họ ngày càng bị bắt buộc phải sử dụng. Nước đầu tiên chấp nhận nhân dân tệ là Pakistan. Ngân hàng Trung ương Pakistan cho biết sẽ thay thế USD bằng nhân dân tệ để tăng cường thương mại song phương và đầu tư với Trung Quốc. Các ngân hàng trung ương châu Âu cũng tiết lộ kế hoạch sử dụng nhân dân tệ như một phần dự trữ ngoại tệ của họ. Tháng 10.2016, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa nhân dân tệ vào rổ tiền dự trữ cùng với USD, euro, bảng Anh và yen Nhật.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng đang có kế hoạch thực hiện hợp đồng tương lai dầu bằng nhân dân tệ. Nếu hợp đồng này trở thành một tiêu chuẩn, thì ngành công nghiệp dầu khí vốn có tầm quan trọng về địa chính trị có thể sẽ chứng kiến một sự thay đổi quyền lực mới. Các bước đi này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang theo đuổi mục tiêu nâng tầm ảnh hưởng mạnh mẽ trên toàn cầu, trong khi đó Mỹ dưới sự điều hành của Tổng thống Donald Trump lại đang dần tách biệt mình ra khỏi vai trò lãnh đạo.
Tuy nhiên, theo ông Chris Leung, chuyên gia kinh tế của ngân hàng DBS, vấn đề lớn nhất cản trở khả năng mở rộng phạm vi quốc tế của nhân dân tệ vẫn nằm ở sự kiểm soát quá lớn của Bắc Kinh, mặc cho việc xây dựng các cơ sở quốc tế cho đồng tiền này đã được thiết lập.
Động thái kế tiếp nhằm thúc đẩy thế giới sử dụng nhân dân tệ nhiều hơn được cho là sáng kiến “Vành đai - Con đường”, “đứa con cưng” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
“Phong trào kinh tế toàn cầu đang chuyển hướng và chiến lược của Trung Quốc đóng vai trò quan trọng. Nhiều khả năng Trung Quốc sẽ dùng nhân dân tệ làm tiền tệ giao dịch chính cho các dự án cơ sở hạ tầng sắp tới trong sáng kiến “Vành đai - Con đường”, ông Raes nói.
Trong báo cáo của mình Swift cũng ghi nhận rằng, mặc dù là đồng tiền quốc tế nhưng thanh toán xuyên biên giới của đồng USD vào tháng 12.2017 chỉ đạt dưới 40%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2015 và 2016. Trong khi đó, đồng euro đã cho thấy sức mạnh vượt trội hơn đồng bạc xanh. Đồng tiền thứ ba và thứ tư chiếm ưu thế trong thanh toán quốc tế lần lượt là bảng Anh và yen Nhật.
Theo Phương Anh/ Thanh Niên