Theo tiết lộ của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn, năm 2017 dư luận rúng động với vụ "cắt mác" Trung Quốc thành mác Việt Nam của Khaisilk song vụ triệt phá 25 xe tải chở hàng trăm tấn hàng hoá "made in Vietnam" về từ Trung Quốc còn "khủng khiếp hơn".
Bộ trưởng Công Thương: Hàng giả, hàng kém chất lượng còn tương đối phổ biến ở Việt Nam
Sẽ "chấm điểm" các bộ, ngành, địa phương về chống buôn lậu, hàng giả
Chia sẻ với phóng viên Dân Trí, đại diện của Cục Phòng chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan tiết lộ: Cuối năm 2017, nếu không triệt phá được 25 chiếc xe tải chở các loại hàng hóa gắn mác, đeo tên Việt Nam từ Trung Quốc hoặc vi phạm sở hữu trí tuệ về nước thì lúc này người tiêu dùng đã phải mua phải hàng trăm nghìn hàng giả.
Giày giả nhãn mác mua vài chục, bán cả triệu đồng ở "hàng hiệu"
Ông Vũ Quang Toàn, Đội trưởng đội 1, Cục Điều tra chống buôn lậu, người trực tiếp chỉ huy vụ bắt giữ 25 xe hàng lậu số lượng lớn trên cho hay: 25 chiếc xe vận chuyển hàng lậu, gian lận thương mại, vi phạm sở hữu trí tuệ thì có 17 xe của hai công ty tại Lạng Sơn, còn lại là các xe của tư nhân làm việc theo đường dây.
Một góc hàng hóa thu giữ cực lớn được tập kết tại Hưng Yên - (ảnh hải quan cung cấp)
Con số hàng vi phạm ước tính ban đầu là 14 tỷ đồng, qua công tác định giá của các cơ quan chức năng, trị giá hàng hóa vi phạm nay đã lên đến gần 20 tỷ đồng.
Cụ thể, Công ty Công ty TNHH một thành viên XNK Gia Hồng Minh (Lạng Sơn) có 12 xe ô tô đầu kéo và sơ mi rơ moóc chở hàng là bát đĩa bằng sứ, bộ ấm chén bằng sứ, đĩa - cốc thủy tinh... tất cả số hàng đều đang được đưa vào Việt Nam tiêu thụ.
Tuy nhiên, qua quá trình đấu tranh, cơ quan hải quan và lực lượng C47 (Bộ Công an) cùng các đơn vị liên ngành đã phát hiện, số hàng trên đều thừa so với khai báo trên tờ khai xuất trình. Lực lượng chức năng phát hiện nhiều hàng hóa được vận chuyển trên các xe không có trong tờ khai và doanh nghiệp không chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Tổng giá trị ước tính khoảng 3 tỷ đồng.
Công ty thứ 2 là Công ty Cổ phần thương mại và xuất nhập khẩu Hiếu Nghĩa (Lạng Sơn) có 5 xe ô tô, vận chuyển bóng đèn các loại, đèn các loại, giày nam, nữ các loại, giày trẻ em các loại, áo len các loại, thảm trải ghế, bóng bay, tẩy bút chì, đất nặn...
Qua quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe đều thừa so với khai báo trên tờ khai hải quan mà công ty này mở. Nhiều hàng hóa không có trong tờ khai hải quan và không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa.
Nguy hiểm hơn, lực lượng chức năng phát hiện trên xe của Công ty Hiếu Nghĩa còn có số lượng lớn các mặt hàng giày các loại giả mạo nhãn hiệu FILA, VANS, JEEP được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam, hàng giả mạo xuất xứ “Made in Vietnam”... với tổng trị giá hàng hóa vi phạm khoảng 8 tỷ đồng.
Một trong những lô hàng nhãn mác giả bị bắt bị bắt giữa trong 25 chiếc xe tải - (ảnh hải quan cung cấp)
Ngoài các xe của công ty, lực lượng liên ngành còn bắt được 8 xe ô tô chở hàng hóa nhập lậu trên tuyến Lạng Sơn - Bắc Giang - Hưng Yên - Hà Nội vận chuyển giầy dép các loại, quần áo các loại, phụ kiện sạc máy tính, tất các loại, ba lô các loại, túi xách nữ... Tất cả hàng đều không rõ nguồn gốc xuất xứ, thừa hoặc không có trong tờ khai. Ước tính trị giá hàng hóa vi phạm khoảng 3 tỷ đồng.
Hiện toàn bộ số hàng của 25 chiếc xe tải đang được lưu giữ tại Hưng Yên, chờ cơ quan chức năng mở rộng điều tra, làm rõ các yếu tố cấu thành để truy cứu trách nhiệm hình sự vụ án và các đối tượng liên quan.
Theo ông Toàn, số hàng mà đối tượng buôn hàng giả buôn bán sẽ là siêu "lãi" bởi một chiếc giày hàng hiệu được khai giá nhập chỉ vài chục nghìn, nhưng nếu tiêu thụ trót lọt có thể bán được cả triệu đồng chiếc ở các cửa hàng trên phố. Mức lợi nhuận khủng đã khiến các đối tượng hàng giả tham lam và cực kỳ manh động khi bị kiểm tra, bắt giữ.
Hàng trăm loại hàng "made in Vietnam" về từ Trung Quốc
Theo ông Vũ Quang Toàn, hầu hết các chủ hàng đều manh động, liều lĩnh và chống trả quyết liệt khi bị bắt giữ hàng. Ông này cho rằng: Đặc điểm của hàng hóa vi phạm chủ yếu là hàng "made in Vietnam" nhưng được gia công, vận chuyển theo đơn từ Trung Quốc, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng gian lận qua đường mòn lối mở.
Một đặc điểm là các công ty lợi dụng chính sách thông thoáng của Nhà nước mở kho hàng cách biên giới vài chục hoặc vài trăm mét, sau đó thuê xe chở hàng từ Trung Quốc sang rồi đưa về kho của mình rồi làm thủ tục thông quan. Sau nhiều ngày theo dõi, lực lượng chức năng phát hiện các xe hàng chục tấn hàng chỉ đứng 10 phút đến 14 phút rồi thông quan ngay.
Một chiếc giày hàng hiệu bị làm giả trong số hàng bị bắt giữ (ảnh hải quan cung cấp)
"Hàng trên mỗi xe cả trăm tấn. Nhiều như vậy, không thể xếp dỡ nhanh được, trừ trường hợp chủ hàng hợp thức hóa một cách bất hợp pháp số hàng. Ngay trong quá trình bắt giữ, chúng tôi đã đưa ra nhiều mặt hàng vượt tờ khai, hàng không có trong tờ khai khiến các đối tượng đều phải thừa nhận hành vi của mình", ông Toàn cho hay.
Theo ông Toàn, số lượng hàng gian, hàng giả, hàng vi phạm cực lớn trên đều sẽ được lên kế hoạch bán trực tiếp cho các cửa hàng, đầu mối tại các đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM.
Đai diện Cục chống buôn lậu cho biết: "Mác các hàng hóa trên đều được làm giả, hàng nghìn tấn giầy dép, mũ hay quần áo hay hàng bách hóa khác được gắn "made in Vietnam" ngay từ Trung Quốc tuồn vào Việt Nam. Nếu lực lượng chức năng để cho đối tượng hoàn tất các thủ tục hợp pháp số hàng vi phạm thì coi như số hàng trên được nghiễm nhiên tiêu thụ tại nội địa".
Ông Toàn cho biết thêm: Các DN thường xuyên làm thủ tục nhập khẩu hàng ngày với các mặt hàng tương tự nhau như quần áo, giày dép, thảm trải sàn, đèn led, đèn sân vườn, đèn pin... Sau đó, lợi dụng việc có kho hàng ngay gần cửa khẩu để nhập thừa hàng hóa so với khai báo hải quan.
Theo Nguyễn Tuyền/Dân trí