Các doanh nghiệp tại TP HCM mong muốn với cơ chế đặc thù được Quốc hội thông qua, thành phố sẽ phát huy quyền điều hành, thu hút đầu tư...
Sáng nay (2/1), tại Hội trường Thống Nhất, TP HCM diễn ra buổi Gặp gỡ và Giao lưu đầu năm mới 2018 với chủ đề “Doanh nghiệp quyết tâm đồng hành cùng Chính phủ và TP HCM” với sự tham gia của đông đảo các chuyên gia kinh tế cùng 300 doanh nhân tại TP HCM và các tỉnh thành phía Nam. Chương trình do Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức.
Công nhân đang làm việc tại doanh nghiệp KCN Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: KT)
Tại buổi gặp gỡ, các chuyên gia, nhà phân tích kinh tế cùng các doanh nghiệp nhận định: Trong thời gian qua, chủ trương của Chính phủ rất nhất quán trong việc khẳng định vai trò của khu vực kinh tế tư nhân đối với sự phát triển kinh tế của đất nước và đã đưa ra những quyết sách trọng tâm thúc đẩy, tạo động lực cho các doanh nghiệp, đặc biệt là cho các doanh nghiệp tư nhân.
Chính phủ đã có Nghị quyết 35 cụ thể hóa đường lối của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân và đưa Nghị quyết vào thực tế một cách nhanh chóng, mạnh mẽ, với việc thành lập Ban Nghiên cứu kinh tế tư nhân, tham mưu cho Chính phủ trong các chính sách quan trọng, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp. Nhờ vậy mà trong năm qua có số doanh nghiệp thành lập mới đạt kỷ lục từ trước tới nay với trên 12 ngàn 600 doanh nghiệp.
Việc cải cách thủ tục hành chính cũng đã thực hiện một cách liên tục đã giúp cởi trói trong việc tiếp cận trong việc kinh doanh của doanh nghiệp. Đây cũng là cơ hội mở ra cho kinh tế tư nhân trong thời gian tới. Các doanh nghiệp tư nhân bày tỏ sự tin tưởng vào Chính phủ kiến tạo, Chính phủ hành động, bày tỏ niềm lạc quan và mong muốn nhận được nhiều sự hỗ trợ của Chính phủ để có cơ hội đóng góp và phát triển.
Thạc sĩ Lê Thị Tú Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần nông nghiệp GAP cho biết, hiện nay doanh nghiệp mong muốn được sự hỗ trợ của Chính phủ giống như tại Hàn Quốc, các tập đoàn lớn nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ.
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Vũ Đình Ánh, hiện nước ta có trên 90% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, vì vậy mà chúng ta dành chính sách tập trung cho các doanh nghiệp này, chứ không phải là tập trung cho các doanh nghiệp lớn. Chúng ta sẽ hướng chính sách đến việc tạo lập cộng đồng doanh nghiệp một cách đa tầng và đa dạng, chứ không hoặc chưa xác định sẽ tập trung toàn bộ vào các doanh nghiệp lớn để tạo ra trụ cột cho nền kinh tế.
Với cộng đồng doanh nghiệp đa tầng này thì việc tạo ra liên kết, chuỗi giá trị giữa các doanh nghiệp, đặc biệt là thiết lập thêm chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn.
Cùng quan điểm đó, theo Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, chúng ta đã trả giá cho việc đầu tư tập trung cho một vài doanh nghiệp lớn, cụ thể là các doanh nghiệp nhà nước. Vì vậy, quan trọng là tạo động lực cho các doanh nghiệp phát huy, tận dụng được nguồn lực để phát triển.
"Cải thiện mội trường kinh doanh tốt, tạo ra môi trường kinh doanh công bằng, sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp, không kể ai là khổng lồ, ai là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Các doanh nghiệp rất sợ rủi ro, mà rủi ro dai dẳng nhất của Việt Nam là về kinh tế vĩ mô nên việc cần làm của Chính phủ là phải đảm bảo kinh tế vĩ mô", TS. Huỳnh Thế Du lưu ý.
Cũng tại buổi gặp gỡ, các doanh nghiệp tại TP HCM bày tỏ mong muốn với cơ chế đặc thù được Quốc hội thông qua vào cuối năm 2017, TP HCM sẽ phát huy quyền của mình trong việc điều hành, kêu gọi thu hút đầu tư. Đồng thời thành phố cần sự khéo léo, sáng suốt trong việc tăng giảm phí thuế một cách phù hợp, mở rộng cơ hội cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển hơn.
Theo bà Nguyễn Kim Thoa, Tổng Giám đốc Tập đoàn Con cò vàng Hi-tech, việc duy trì và mở rộng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân vượt khó đi lên là điều vô cùng cần thiết.
"Chúng tôi hy vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ có thêm nhiều bước đổi mới hơn nữa. Các chủ trương, chính sách, những hỗ trợ của Chính phủ dành cho doanh nghiệp sẽ rõ ràng và cụ thể hơn. Doanh nghiệp mong sẽ tiếp cận các vấn đề vốn, các chính sách ưu đãi để phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam", bà Thoa bày tỏ.
Thông qua chương trình, các đại biểu cũng mong muốn những chủ trương, Nghị quyết mới của Trung ương sẽ được phổ biến sâu rộng trong doanh nhân, doanh nghiệp và người dân, đồng thời quyết tâm hành động cùng Chính phủ và TPH CM của doanh nghiệp, doanh nhân sẽ được lan tỏa, nhân rộng, tạo khí thế ra quân đầu năm cho khối doanh nghiệp khu vực phía Nam nói riêng và cả nước nói chung, hứa hẹn thu hái được những thành tựu kinh tế - xã hội vượt trội hơn nữa trong năm 2018 và những năm tiếp theo./.
Theo Kim Dung-Mỹ Dung/VOV.VN