Nếu như phí đổi các mệnh giá 1.000, 2.000 và 5.000 đồng ở "chợ đen" là 10-12% thì tiền 500 đồng có nơi "hét" tới 150%.
Một số điểm đổi tiền lẻ ngoài thị trường chợ đen đã bắt đầu hoạt động nhộn nhịp trong những ngày qua dù còn hơn một tháng rưỡi nữa mới đến Tết Nguyên đán. Nhiều điểm trên đường Sư Vạn Hạnh, 3/2 (quận 10), Nguyễn Oanh (Gò Vấp), .. cho biết đã có không ít người đến đổi hoặc đặt cọc.
Phí đổi thấp nhất là 4-5% với tièn 50.000 đồng nhưng cao tới 70-80% với tiền 500 đồng. Để đổi một triệu đồng loại tiền 10.000 đồng mới, khách sẽ mất phí từ 100.000 đồng đến 120.000 đồng, đổi 2 triệu đồng loại tiền 20.000 đồng sẽ mất phí từ 160.000 đồng đến 200.000 đồng. Còn với các loại tiền mệnh giá nhỏ như 500 đồng thì đổi một triệu đồng mất phí hết gần 800.000 đồng.
Chị Trâm, một chủ đổi tiền lẻ trên đường 3/2, quận 10 chia sẻ, càng gần Tết thì mức phí sẽ càng cao lên và có nhiều lúc giá biến động ngay trong ngày. Buổi sáng là 10% nhưng đến chiều có thể tăng lên 12% nếu lượng khách đặt hàng lớn. Chị cho biết, năm nay khách đặt chủ yếu loại tiền 5.000 đồng, 10.000 đồng và 20.000 đồng.
Ngoài ra, hàng loạt các trang đổi tiền lẻ trực tuyến cũng nở rộ với nhiều lời cam kết mua bán tại nhà, đảm bảo tiền thật, trùng series và đặc biệt là chi phí đổi thấp.
Bảng phí đổi tiền lẻ, mới của một trang web trực tuyến.
Tuy nhiên, mức phí đổi cũng dao động 5-12% tuỳ mệnh giá. Trong đó, riêng mệnh giá 500 đồng được cho là khan hiếm, nhiều nơi ra giá phí đổi lên tới 150%.
Một trang web đổi tiền lẻ, mới tại TP HCM sợ khách không tin tưởng nên có kèm theo dòng thông tin cho biết tiền đổi ở đây mới và thật 100%, nguyên serial do Ngân hàng Nhà nước phát hành. Để tăng tính cạnh tranh, trang này cam kết giao tiền ngay lập tức và hoàn toàn miễn phí trong địa bàn TP HCM.
Tại buổi làm việc của Phó thống đốc Đào Minh Tú với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM mới đây, ông Phạm Bảo Lâm, Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, đến tháng 11/2017, cơ quan này đã bổ sung cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM 33.000 tỷ đồng có mệnh giá trên 10.000 đồng và 500 tỷ đồng mệnh giá dưới 10.000 đồng để điều hòa lưu thông tiền mặt trên địa bàn.
Riêng dịp Tết Mậu Tuất 2018, Cục đã lên kế hoạch cung ứng đủ tiền cho các ngân hàng thương mại nhằm đáp ứng nhu cầu giao dịch của người dân. "Còn số lượng tiền mới để đổi sẽ nằm trong tổng số Ngân hàng Nhà nước cung ứng thời gian tới", ông Lâm cho biết.
Để đáp ứng nhu cầu tiền mặt trên địa bàn, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cũng đã yêu cầu các ngân hàng thương mại trên địa bàn chuẩn bị đầy đủ tiền mặt về chủng loại, số lượng và cơ cấu tiền.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cũng nhìn nhận, nhu cầu sử dụng tiền lẻ, mới dành cho việc lì xì là có thật, nhưng không đến nỗi phải đẩy lên thành một hiện tượng không lành mạnh, để nhiều người lợi dụng trục lợi. “Chỉ khi nào thật sự cần thiết mới đổi, nhất là đừng lạm dụng đổi tiền lẻ để đi lễ, cúng chùa mà làm rối thị trường", cơ quan này khuyến cáo.
Năm nay, không những không in tiền mới mệnh giá từ dưới 5.000 đồng, mà chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là tiếp tục không chi các loại tiền mới in (còn tồn kho) từ 5.000 đồng trở xuống vào lưu thông. Thay vào đó, chỉ chi các loại tiền đã qua lưu thông để đáp ứng nhu cầu thanh toán của người dân.
Thực tế từ năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện chủ trương không đưa tiền mới mệnh giá nhỏ vào lưu thông, đã được xã hội ghi nhận và ủng hộ.
Đồng thời với việc không in tiền mới mệnh giá nhỏ, Ngân hàng Nhà nước cũng đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc đổi tiền lẻ trái phép. Theo đánh giá của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong các dịp lễ, Tết, lễ hội, chủ trương không sử dụng tiền mới đã mang đến những kết quả tích cực, tiết kiệm chi phí xã hội.
Việt Nam hiện nay có các mệnh giá từ 100 đồng đến 500.000 đồng đang lưu thông. Theo Nghị định 96 về việc xử phạt đối với hoạt động không được phép thì đối với hoạt động đổi tiền lẻ có thu phí nếu bị phát hiện sẽ bị phạt 20-40 triệu đồng.
Theo Thanh Lê/VnExpress