Chị Nguyễn Thị Na (30 tuổi, ngụ ấp Trường Thuận, xã Trường Long, H.Phong Điền, TP.Cần Thơ) là một trong những người tiên phong trồng nấm bào ngư tại địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Chị Na chuẩn bị thu hoạch nấm bào ngư xám. Ảnh: Duy Tân
Đầu ra ổn định
Chị Na kể năm 2015, được người chú giới thiệu mô hình trồng nấm bào ngư xám đem lại thu nhập cao, vợ chồng chị quyết định làm liều vay vốn đầu tư trồng nấm. Với số vốn 80 triệu đồng vay ngân hàng, vợ chồng chị bắt tay vào dựng trại, mua phôi nấm về trồng. “Nghĩ lại lúc đó hai vợ chồng liều thật, không có chút kinh nghiệm gì về trồng nấm mà cũng dám làm. Lỡ trồng không đạt hiệu quả thì không biết lấy gì trả nợ”, chị Na nói.
Nghĩ lại lúc đó hai vợ chồng liều thật, không có chút kinh nghiệm gì về trồng nấm mà cũng dám làm. Lỡ trồng không đạt hiệu quả thì không biết lấy gì trả nợ. Chị Nguyễn Thị Na |
Nhờ đúc kết kinh nghiệm thực tế cùng với học hỏi thêm từ sách báo, trại nấm bào ngư xám của chị Na phát triển tốt, giúp gia đình có nguồn thu nhập ổn định. Hiện trại nấm có trên 10.000 phôi, mỗi phôi cho thu hoạch khoảng 300 gr nấm. Chị cũng tìm được đầu ra với giá cả khá ổn định. Nấm bào ngư được bán sỉ cho các tiểu thương chợ Phong Điền và nhiều đầu mối khác với giá trung bình 35.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, chị còn trồng thêm nấm bào ngư trắng, bán với giá 25.000 đồng/kg và nấm linh chi. Sau khi trừ chi phí phôi giống, nhà trại, nước tưới... lợi nhuận chị Na thu được khoảng 30 triệu đồng/tháng.
Thu hoạch quanh năm
Theo chị Na, nấm bào ngư xám dễ trồng, thời gian thu hoạch nhanh, chế biến được nhiều món ăn ngon nên có thể trồng quanh năm. Trại trồng nấm được làm khá đơn giản, phần mái lợp lá, nền phủ cát, bên trong thiết kế hệ thống phun tưới tự động. Để nấm bào ngư cho thu hoạch cao cần phải nắm vững kỹ thuật trồng; trong đó khâu chọn phôi nấm là quan trọng nhất. Phôi phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để đảm bảo không bị nhiễm bệnh, có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt. Trước khi đưa phôi nấm vào trồng cần vệ sinh trại bằng vôi bột để hạn chế bệnh trên nấm. Trong 7 ngày đầu tiến hành kiểm tra các bịch phôi. Nếu phát hiện bịch nào có hiện tượng mốc phải mang ra khỏi trại và đốt bỏ ngay để tránh lây lan sang các bịch phôi khác.
Nấm bào ngư xám cho thu hoạch liên tục khoảng 4 tháng. Từ giai đoạn phôi cho đến lúc ra nấm, thu hoạch chỉ khoảng nửa tháng. Cứ 10 ngày thì thu hoạch nấm một lần. Nếu ngày nắng phải tưới phun sương khoảng 4 lần, chỉ tưới quanh lớp vỏ bịch, không tưới trực tiếp vào bên trong sẽ gây nguy cơ úng phôi nấm, dẫn đến nhiễm bệnh, nổi mốc. Đặc biệt, người trồng có thể điều chỉnh sự sinh trưởng của nấm theo ý mình. “Người trồng giữ không khí bên trong trại thông thoáng, đảm bảo bịch phôi không bị gió lùa trực tiếp. Ánh sáng phải đều, tránh trường hợp bị chỗ sáng, chỗ tối. Nấm cần được tưới bằng nguồn nước sạch, không nhiễm phèn, mặn”, chị Na cho biết.
Theo chị Na, nấm bào ngư xám là loại thực phẩm sạch, vì quá trình sản xuất không sử dụng hóa chất hay thuốc bảo vệ thực vật gây ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng. Do đó, loại nấm này đang được tiêu thụ mạnh tại các nhà hàng, quán ăn.
Theo Duy Tân/Thanh niên