Cục Tài chính doanh nghiệp cho rằng, mục tiêu cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước trong năm nay là không đạt được.
Mặc dù chỉ còn vài ngày nữa là hết năm 2017, nhưng tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước hiện chưa đạt một nửa so với dự kiến. Thông tin này được đưa ra tại buổi họp báo do Bộ Tài chính tổ chức (25/12) tại Hà Nội.
Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp chủ trì họp báo
Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, tính đến ngày 20/12, đã có 45 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa.
Tuy nhiên, chỉ có 21 doanh nghiệp trong số này có trong danh sách cổ phần hóa đã được Thủ tướng phê duyệt. Như vậy, tiến độ cổ phần hóa mới đạt non nửa kế hoạch đề ra (47,7%).
Đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp cho rằng, mục tiêu cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước trong năm nay là không đạt được. Tuy nhiên, xét về giá trị, các doanh nghiệp cổ phần hóa trong năm nay có tổng giá trị thực tế lên tới hơn 213.700 tỷ đồng, tức là gấp 6 lần tổng giá trị thực tế các doanh nghiệp đã cổ phần hóa trong năm 2016.
Ngoài ra, giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã cổ phần hóa là gần 88.400 tỷ đồng, gấp 3,5 lần giá trị thực tế phần vốn Nhà nước của các doanh nghiệp đã cổ phần hóa năm 2016.
Về kế hoạch trong thời gian tới, ông Đặng Quyết Tiến cho biết, trong năm 2018, một số doanh nghiệp lớn sẽ cổ phần hóa như: Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng công ty Điiện lực dầu khí Việt Nam (PVPower), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil)…
Trong số này, riêng BSR, PVPower và PVOil đã có quy mô vốn lên tới hơn 100.000 tỷ đồng. Đặc biệt, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam theo dự tính có quy mô vốn là 150.000 tỷ đồng.
Tại buổi họp báo, nhiều câu hỏi đặt ra xung quanh việc vấn đề thoái vốn nhà nước và đấu giá cổ phần tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).
Ông Đặng Quyết Tiến cho hay, ngày 18/12, Bộ Công Thương đã tổ chức bán đấu giá thành công hơn 343 triệu cổ phần, tương đương 53,59% vốn điều lệ của Sabeco với mức giá thành công bình quân được xác định là 320.000 đồng/cổ phần. Nhà nước dự kiến thu về gần 110.000 tỷ đồng.
Trả lời câu hỏi về việc sử dụng số tiền gần 5 tỷ USD thu từ bán cổ phần Sabeco, ông Đặng Quyết Tiến khẳng định, khoản tiền này sẽ không dành để trả nợ, mà nhập vào một quỹ Bộ Tài chính quản lý mở tại Kho bạc Nhà nước, sử dụng theo Nghị quyết của Quốc hội chi đầu tư phát triển./.
Theo Việt Hà/VOV.VN