Thị trường thức ăn nhanh đang có sự cạnh tranh khốc liệt. Trong khi một số thương hiệu đóng cửa thì lại có những nhà hàng mới mở trở thành hiện tượng, thu hút đông đảo thực khách.
Nhân dịp McDonald’s khai trương nhà hàng đầu tiên tại Hà Nội, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Huy Thịnh, Giám đốc điều hành McDonald’s Việt Nam xung quanh những vấn đề liên quan đến thị trường thức ăn nhanh.
Ông Nguyễn Huy Thịnh – Giám đốc điều hành McDonald’s Việt Nam tạinhà hàng McDonald’s đầu tiên tại Hà Nội
Ông đánh giá như thế nào về thị trường thức ăn nhanh tại Việt Nam trong bối cảnh nhiều nhà hàng thức ăn nhanh đóng cửa trong thời gian qua?
Việt Nam là một thị trường tiêu dùng tiềm năng với gần 100 triệu dân, đa phần là dân số trẻ với hơn 60% dưới 35 tuổi, GDP tăng ổn định ở mức trên 6%, thu nhập bình quân theo đầu người tăng trưởng đều trong 10 năm trở lại đây và đạt hơn $2,200 năm vừa qua. Thị trường đầy hứa hẹn, đặc biệt cho ngành bán lẻ, ăn uống.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, 8 năm qua cơ quan này đã cấp phép cho gần 150 thương hiệu và nhãn hiệu nước ngoài vào Việt Nam. Trong đó, lĩnh vực nhà hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất, với hơn 43%, bao gồm hơn 40 thương hiệu nhà hàng thức ăn nhanh, bánh, cà phê, đồ uống, nhà hàng, lẩu nướng...
Theo các số liệu nghiên cứu thị trường, ngành thức ăn nhanh tại Việt Nam hiện vẫn tăng trưởng 2 con số và điều này càng làm cho ngành này có sức hút lớn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước và muốn tham gia thị trường. Sự cạnh tranh càng ngày càng khốc liệt, từ địa điểm, đến nhân lực và xây dựng thương hiệu, chiếm lĩnh thị phần.
Sự cạnh tranh mạnh mẽ này là có lẽ là một trong các yếu tố dẫn đến việc một số nhà hàng đóng cửa trong thời gian qua. Tuy nhiên, đây cũng là việc bình thường trong kinh doanh và mỗi thương hiệu sẽ tự cân đối trong chiến lược kinh doanh của mình để hoạt động sao cho hiệu quả.
Nhà hàng McDonald’s đầu tiên tại Hà Nội đã thu hút nhiều sự chú ý trong ngày khai trương 2/12 vừa qua.
Ông có thể chia sẻ rõ hơn về vai trò của công nghệ đối với sự phát triển của lĩnh vực thức ăn nhanh tại Việt Nam?
Công nghệ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống và cách chúng ta giao tiếp, làm việc hàng ngày và có thể là yếu tố làm thay đổi luật chơi. Trong ngành này, bạn có thể nhìn thấy ứng dụng của công nghệ trong mọi khâu từ đặt hàng, thanh toán, đến giao, nhận hàng.
Trong một khảo sát gần đây, có đến 80% số người tham gia trả lời đã từng sử dụng dịch vụ giao thức ăn tận nơi, điều đó chứng tỏ, nhu cầu của thị trường là rất lớn với loại hình dịch vụ này. Công nghệ cũng làm thay đổi cách khách hàng mua hàng, chẳng hạn như mua hàng qua ki ốt tự động hay qua mobile, thanh toán không dùng tiền mặt. McDonald’s là một trong những đơn vị đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ mới.
Gần đây nhất, chúng tôi đã đưa vào phục vụ ứng dụng ki ốt gọi món tự động trong nhà hàng (Self-Order-Kiosk - SOK), tức là khách hàng có thể chọn món và thanh toán bằng cách tự thao tác trên màn hình thay vì đứng giao dịch cùng nhân viên.
Ki-ốt gọi món tự động lần đầu tiên có mặt tại thị trường thức ăn nhanh Việt Nam ở nhà hàng McDonald’s tại TPHCM.
Đầu tháng 11, chúng tôi mở thêm dịch vụ Giao hàng tận nơi McDelivery qua app và website tại TP.HCM. Trong đó McDelivery Vietnam app được khách hàng đánh giá là tiện lợi, có chất lượng cao và là một trong các app giao hàng được khách hàng ưa thích nhất hiện nay.
Tiềm năng là vậy nhưng tiến độ mở nhà hàng của McDonald’s có vẻ khá chậm so với dự kiến, đặc biệt là mở nhà hàng ở Hà Nội?
Ngay từ ngày đầu mới vào Việt Nam, chúng tôi đã có chiến lược mở rộng hệ thống một cách chắc chắn, đảm bảo mỗi điểm mở ra hoạt động hiệu quả. Thực tế là chúng tôi đã đi nhanh. Quan trọng nhất với chúng tôi không phải chỉ là số lượng nhà hàng mà còn là chất lượng dịch vụ và trải nghiệm khách hàng.
Từ lâu, đã có nhiều khách hàng ở Hà Nội mong muốn McDonald’s nhanh chóng ra Hà Nội. Trên khía cạnh mở rộng thị trường và phát triển thương hiệu thì chúng tôi mong muốn có thể mở ra thị trường này sớm nhất có thể. Nhưng chúng tôi cần thời gian để có sự chuẩn bị tốt nhất.
Một trong những lý do khiến McDonald’s đến Hà Nội muộn là phải tìm được vị trí phù hợp. Địa điểm ở Hà Nội thường diện tích nhỏ hơn, chỗ để xe ít hơn, địa điểm phù hợp khó tìm hơn TP.HCM.
Bên cạnh đó, McDonald’s muốn dành thêm thời gian đào tạo nhân viên và giải quyết bài toán hậu cần. Giải quyết bài toán nhập khẩu, vận chuyển, bảo quản thực phẩm, xây dựng hệ thống hậu cần, kho chứa cần thời gian.
McDonald’s Hồ Gươm hứa hẹn sẽ là nơi mang đến những trải nghiệm thú vị về dịch vụ, không gian gắn kết người thân bạn bè.
Đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, tận tình tại nhà hàng McDonald’s Hồ Gươm.
Vậy kết quả kinh doanh sau 2 tuần khai trương nhà hàng đầu tiên của McDonald’s tại Hà Nội ra sao thưa ông?
Kết quả kinh doanh sau 2 tuần khai trương nhà hàng McDonald’s Hồ Gươm tại Hà Nội là vượt trên kỳ vọng của chúng tôi. Qua các tìm hiểu và phỏng vấn, đa phần khách hàng đều yêu thích thương hiệu, chất lượng sản phẩm, và đặc biệt là tiêu chuẩn, dịch vụ, trải nghiệm thú vị tại McDonald’s.
Với kỳ vọng từ khách hàng như vậy, chúng tôi luôn cố gắng mang lại một trải nghiệm tốt nhất và mong muốn trở thành một điểm đến yêu thích của người dân thủ đô.
Nhà hàng McDonald’s Hồ Gươm luôn luôn nhộn nhịp khách hàng.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Theo Phương Thu/Dân Trí