Trong 10 tháng đầu năm, cho vay ngoại tệ đã tăng 11,5% so với cuối 2016, trong khi cùng kỳ năm ngoái mức tăng chỉ 4,4%.
Theo báo cáo Tình hình kinh tế - tài chính tháng 10 và 10 tháng đầu năm do Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia vừa công bố, tính đến hết tháng 10, tín dụng (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) ước tăng khoảng 13,5% so với cuối năm 2016.
Trong đó, tín dụng bằng ngoại tệ tăng cao hơn cùng kỳ năm 2016 với mức tăng 11,5% (cùng kỳ năm 2016 mức tăng chỉ là 4,4%). Báo cáo cho rằng, nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái.
Cho vay bằng ngoại tệ tăng mạnh 10 tháng đầu năm. Ảnh: PV.
Tuy nhiên, khả năng cho vay bằng ngoại tệ sẽ bị siết lại khi Thông tư 31 về quy định cho vay bằng ngoại tệ hết hiệu lực vào ngày 31/12/2017. Nếu không tiếp tục được gia hạn thì kể từ đầu năm 2018, các doanh nghiệp không được vay ngoại tệ mà sẽ phải chuyển sang quan hệ mua - bán.
Trong hội thảo về kết nối ngân hàng với doanh nghiệp tổ chức tại TP HCM mới đây, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, trên thực tế có những doanh nghiệp thuộc đối tượng ưu tiên cần phải cho vay bằng ngoại tệ.
Tuy nhiên, theo ông Tú, điều đáng nói là một số doanh nghiệp không có nhu cầu vay ngoại tệ, không thuộc nhóm doanh nghiệp cần được ưu tiên nhưng vẫn tìm cách được hưởng chung sự ưu đãi của chính sách vay ngoại tệ.
Do đó, ông Tú cho biết sắp tới Ngân hàng Nhà nước sẽ siết lại việc cho vay ngoại tệ, đồng thời sẽ chuyển dần từ quan hệ vay mượn sang quan hệ mua bán ngoại tệ.
Theo Thanh Lê/VnExpress